Những bài toán khó tại cuộc đua vào Nhà trắng

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 bước vào giai đoạn tăng tốc khi ngày “Siêu thứ ba” vừa diễn ra đã phác họa nên bức tranh rõ nét hơn về hai gương mặt đại diện cho đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ tham gia cuộc đua vào Nhà trắng. Dù ứng cử viên cho cương vị Tổng thống Mỹ là ai, quan điểm của họ về các vấn đề nóng tại Xứ Cờ hoa cũng sẽ đóng vai trò quyết định kết quả của cuộc đua.
0:00 / 0:00
0:00
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tại sự kiện bầu cử "Siêu thứ Ba" ở bang Florida ngày 5/3/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tại sự kiện bầu cử "Siêu thứ Ba" ở bang Florida ngày 5/3/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)

“Siêu thứ ba” là mốc quan trọng của tiến trình bầu cử sơ bộ tại Mỹ bởi cử tri nhiều bang bỏ phiếu trong cùng một ngày. Khi kết quả bỏ phiếu trong ngày “Siêu thứ ba” được công bố, giới chuyên gia nhận định, kịch bản đương kim Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump lần lượt đại diện cho hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tham gia cuộc đua giành vị trí người đứng đầu nước Mỹ nhiều khả năng sẽ xảy ra.

Trong bối cảnh câu hỏi ai đại diện cho hai đảng tham gia tranh cử gần như đã ngã ngũ, dư luận đang đổ dồn mọi sự chú ý vào quan điểm của các ứng cử viên về những thách thức mà nền kinh tế hàng đầu thế giới phải đối mặt.

Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, những chủ đề được cử tri quan tâm nhất hiện nay là kinh tế, nhập cư, an sinh xã hội, chính sách đối ngoại…

Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, những chủ đề được cử tri quan tâm nhất hiện nay là kinh tế, nhập cư, an sinh xã hội, chính sách đối ngoại… Giới phân tích nhận định, quan điểm của các ứng cử viên về những vấn đề nóng nêu trên là một trong những nhân tố quyết định ai sẽ là chủ nhân tiếp theo của Nhà trắng.

Ưu tiên hàng đầu của nhiều người dân Mỹ là kinh tế. Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew, gần 75% số người được hỏi coi củng cố nền kinh tế là ưu tiên hàng đầu, cao hơn bất cứ mục tiêu nào khác.

Về tổng thể, nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng tích cực, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 tăng vượt dự kiến, đạt 2,5%, thị trường việc làm ổn định, tỷ lệ thất nghiệp được duy trì ở mức thấp lịch sử.

Các nguy cơ về suy thoái được đẩy lùi trong khi cuộc chiến chống lạm phát thu được kết quả tích cực. Nhà kinh tế trưởng của Moody’s Analytics, Mark Zandi dự báo đến cuối năm 2024, lạm phát sẽ quay trở lại mức mục tiêu do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đặt ra.

Tuy nhiên, theo kết quả thăm dò của tờ Wall Street Journal mới đây, nhiều cử tri vẫn lo ngại về chi phí sinh hoạt đắt đỏ, tăng trưởng không đồng đều, khoảng cách thu nhập ngày càng lớn. Giới quan sát nhận định, đây sẽ là những bài toán kinh tế khó mà các ứng cử viên phải tìm được hướng giải quyết nếu muốn giành được sự ủng hộ của cử tri.

Bên cạnh kinh tế, nhập cư bất hợp pháp cũng là một trong những tâm điểm thu hút sự chú ý của ngày càng nhiều cử tri. Kết quả cuộc thăm dò dư luận của hãng Gallup cho thấy, khoảng 28% số người được hỏi khẳng định nhập cư là vấn đề quan trọng nhất mà nước Mỹ phải đối mặt trong giai đoạn hiện nay, tăng đáng kể so mức 9% vào tháng 8/2023.

Các nhà phân tích cho rằng, việc cử tri Mỹ dành nhiều sự quan tâm cho vấn đề nhập cư là hoàn toàn dễ hiểu. Dòng người di cư ở khu vực biên giới giữa Mỹ và Mexico đã tăng lên mức cao kỷ lục vào cuối năm ngoái. Trong năm tài chính 2023, hơn 2,4 triệu người đã vào Mỹ trái phép từ Mexico. Trong bối cảnh làn sóng nhập cư bất hợp pháp đang ngày càng trở nên khó kiểm soát, cả hai ứng cử viên hàng đầu là Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump đã đến thăm biên giới phía nam của nước Mỹ chỉ vài ngày trước ngày “Siêu thứ ba”. Đây là dấu hiệu cho thấy hai ứng cử viên sẽ tiếp tục coi nhập cư là ưu tiên trong chiến dịch tranh cử của mình.

Hàng loạt vấn đề khác cũng thu hút sự quan tâm của cử tri Mỹ, trong đó có chi phí y tế và chăm sóc sức khỏe, tội phạm, cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, giáo dục, kiểm soát súng đạn… Theo Trung tâm nghiên cứu Pew, ưu tiên của người dân Mỹ cũng có sự phân hóa theo yếu tố đảng phái. Cử tri đảng Cộng hòa quan tâm nhiều hơn đến nhập cư, chống khủng bố; trong khi cử tri đảng Dân chủ chú trọng chăm sóc y tế, giáo dục, môi trường.

Đáng chú ý, khác với các kỳ bầu cử trước đây, hiện ngày càng nhiều cử tri cho rằng, chính sách đối ngoại cần được coi là một trong những ưu tiên của nước Mỹ, trong bối cảnh Mỹ vẫn đang căng mình trên nhiều điểm nóng toàn cầu, từ xung đột lan rộng ở Trung Đông đến cuộc chiến tại Ukraine. Kết quả thăm dò dư luận của AP và Trung tâm Nghiên cứu quan hệ công chúng (NORC) cho thấy, khoảng 40% số người được hỏi khẳng định chính sách đối ngoại nên là một trong năm ưu tiên của Nhà trắng trong năm 2024.

Trong bối cảnh Xứ Cờ hoa đang đối mặt nhiều thách thức, cả về đối nội và đối ngoại, cử tri Mỹ trông đợi Tổng thống tiếp theo sẽ dẫn dắt đất nước tiếp tục vững bước. Vì vậy, những bài toán khó về kinh tế, nhập cư, an sinh xã hội, đối ngoại… sẽ là chướng ngại vật mà các ứng cử viên phải vượt qua.