Phú Thọ ứng dụng khoa học-công nghệ trong chăm sóc sức khỏe nhân dân

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân luôn được ngành y tế Phú Thọ ưu tiên triển khai trong thời gian qua, nhờ đó, chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân được nâng cao. Người dân được tiếp cận nhiều hơn với các thiết bị, kỹ thuật, dịch vụ y tế tiên tiến trong khám và điều trị.
0:00 / 0:00
0:00
Các y, bác sĩ phẫu thuật cột sống cho người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Các y, bác sĩ phẫu thuật cột sống cho người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa thị xã Phú Thọ đã triển khai thành công bệnh án điện tử, tích hợp phần mềm hệ thống quản lý thông tin bệnh viện (HIS), hệ thống thông tin xét nghiệm (LIS), hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS), giúp bác sĩ thuận lợi tìm kiếm các thông tin liên quan tiền sử khám, chữa bệnh của người bệnh, tạo cơ sở đưa ra chẩn đoán và quyết định điều trị an toàn, hiệu quả.

Ngoài ra, bệnh viện duy trì, phát huy hiệu quả hội chẩn các ca bệnh qua hệ thống Telemedicine. Nhờ đó, các bác sĩ có thể kết nối với nhiều chuyên gia, bác sĩ tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương để chẩn đoán, điều trị, thực hiện ca mổ cứu sống bệnh nhân nguy kịch kịp thời. Bệnh viện còn triển khai các phương thức thanh toán không sử dụng tiền mặt với phương thức chuyển khoản qua tài khoản, mã QR hay thanh toán bằng thẻ, tạo thuận lợi cho người dân khi thanh toán trong quá trình khám, chữa bệnh.

Ông Nguyễn Quốc Đạt, xã Văn Lung, thị xã Phú Thọ cho biết: Đến đây khám, chữa bệnh, chúng tôi thấy rất nhanh gọn, thuận tiện, được các nhân viên y tế hướng dẫn tận tình, không phải chờ lâu. Chỉ cần một vài thao tác trên điện thoại, nhiều thủ tục được giải quyết nhanh gọn từ khâu đăng ký khám bệnh đến việc thanh toán viện phí.

Trong những năm qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ luôn là đơn vị đi đầu việc ứng dụng khoa học-kỹ thuật trong khám, chữa bệnh. Hằng năm, bệnh viện luôn chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế hiện đại, đồng bộ, chú trọng ứng dụng các kỹ thuật mới, kỹ thuật tiên tiến trong nước và trên thế giới vào công việc khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Hiện nay, bệnh viện đầu tư, mua sắm các thiết bị kỹ thuật cao như phòng mổ Hybrit, máy cộng hưởng từ 1.5, máy chụp CT 128 dãy, máy chụp mạch số hóa DSA, máy tim phổi nhân tạo, máy xạ trị gia tốc, cánh tay Robot Maxio, Robot phẫu thuật cột sống, các máy thở hiện đại, hệ thống xét nghiệm sinh hóa, huyết học, miễn dịch hiện đại... Song song với thiết bị hiện đại, các công nghệ được phát triển, ứng dụng trong điều trị.

Đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ là một trong những bệnh viện đầu tiên trong cả nước ứng dụng thành công trí tuệ nhân tạo RAPID trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ, giúp mở rộng giờ vàng điều trị lên đến 24 giờ thay vì sáu giờ như trước; phần mềm PACS cho phép lưu trữ trực tuyến toàn bộ dữ liệu chẩn đoán hình ảnh…

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ Lê Đình Thanh Sơn cho biết: Việc tích cực ứng dụng khoa học, công nghệ vào khám, chữa bệnh giúp các bác sĩ và nhân viên y tế đánh giá tình trạng sức khỏe của bệnh nhân chính xác hơn, từ đó tăng khả năng phát hiện sớm các bệnh lý và cung cấp liệu pháp phù hợp. Công nghệ thông tin cũng mang đến nhiều tiện ích, người dân có thể đặt lịch hẹn và xem kết quả thông qua ứng dụng di động hoặc qua gọi điện, nhắn tin, giúp tiết kiệm thời gian, tăng tính tiện lợi…

Trong những năm qua, ngành y tế địa phương đã chỉ đạo các cơ sở y tế trong toàn tỉnh đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào phục vụ công tác quản lý, điều hành, quản trị bệnh viện, giám sát dịch bệnh, quản lý sức khỏe người dân. Trong đó, nhiều cơ sở y tế luôn chủ động đầu tư mua sắm trang, thiết bị hiện đại, nâng cấp cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ, phục vụ hoạt động khám, chữa bệnh.

Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ Trần Minh Khánh khẳng định, đến nay 100% các cơ sở khám, chữa bệnh từ tuyến tỉnh đến tuyến xã trên địa bàn đã sử dụng phần mềm Quản lý bệnh viện HIS; 100% các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh, tuyến huyện triển khai phần mềm Quản lý xét nghiệm LIS và phần mềm lưu trữ, truyền tải hình ảnh trên hệ thống PACS. Các phần mềm trên kết nối liên thông hai chiều với nhau để hỗ trợ và thực hiện các tác nghiệp về khám, chữa bệnh hoàn toàn trên môi trường mạng. Riêng phần mềm HIS kết nối liên thông với cổng tiếp nhận dữ liệu khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, giúp công khai minh bạch các thông tin, bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người tham gia bảo hiểm y tế.

Cùng với đó, toàn ngành đẩy mạnh ứng dụng hệ thống TeleHealth hội chẩn, tư vấn, hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa tại tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh của tỉnh; hợp tác với Viện Nghiên cứu dữ liệu thuộc Tập đoàn Vingroup triển khai xây dựng và ứng dụng trí tuệ nhân tạo VinDr trong chẩn đoán hình ảnh y tế tại năm cơ sở khám, chữa bệnh hạng I, sau khi đánh giá hiệu quả sẽ nhân rộng ra các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn tỉnh.

Phú Thọ là một trong số địa phương sớm triển khai phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử giúp mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe liên tục, suốt đời, thuận lợi trong đăng ký khám, đặt lịch khám qua nền tảng điện thoại di động… Việc quyết liệt triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần xây dựng hệ thống y tế của tỉnh ngày càng hiện đại. Chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được nâng lên, người dân được tiếp cận và thụ hưởng nhiều kỹ thuật y tế chuyên sâu.