Cuối tháng 12/2023, tỉnh Hòa Bình tiếp tục tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP. Kết quả, đã có 14 sản phẩm được đánh giá, phân hạng với hai sản phẩm OCOP tiềm năng đạt năm sao, 12 sản phẩm đạt bốn sao. Như vậy, trong năm 2023, tỉnh Hòa Bình đã có 47 sản phẩm được Hội đồng đánh giá, phân hạng cấp huyện đánh giá, phân hạng đạt sản phẩm OCOP đạt từ ba sao trở lên.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình Nguyễn Huy Nhuận cho biết: Chương trình OCOP đã phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương. Thông qua thực hiện chương trình đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn, là giải pháp quan trọng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.
Thời gian qua, tỉnh Hòa Bình xác định ưu tiên công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, kết nối cung cầu-tiêu thụ sản phẩm OCOP. Trong năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã tổ chức các đoàn công tác kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm OCOP tỉnh Hòa Bình đến các tỉnh: Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận nhằm hỗ trợ các chủ thể OCOP xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm giá trị gia tăng, được tiêu thụ tại hệ thống phân phối hiện đại, chợ đầu mối của các tỉnh bạn.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ đưa sản phẩm vào các hệ thống sàn thương mại điện tử như: Sendo.vn, Lazada.vn, Shopee.vn. Triển khai các chương trình hội chợ thương mại, nông nghiệp gắn với sản phẩm OCOP của tỉnh và các địa phương trên cả nước đến các chủ thể để chủ động tham gia hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm của đơn vị mình đến khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh Hòa Bình đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm xúc tiến thương mại - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn các sản phẩm đạt từ bốn sao trở lên có đủ điều kiện xúc tiến thương mại trên hệ thống các sàn thương mại điện tử (chợ phiên OCOP trên nền tảng TikTok), kênh bán lẻ quốc tế tại các thị trường nước ngoài. Đáng chú ý, Hòa Bình đã xuất khẩu sang thị trường Anh quốc hai sản phẩm OCOP là: Trà chanh đào mật ong và Tinh bột nghệ Nhưng Vần. Đồng thời, tỉnh Hòa Bình tham gia Hội chợ định hướng và phát triển công nghệ ngành nông nghiệp 2023, với một gian hàng giới thiệu các sản phẩm OCOP và các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh.
Trong năm 2023, Hợp tác xã Đà Giang Eco, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) có ba sản phẩm được công nhận OCOP ba sao, gồm: cá lăng đen sông Đà, cá trắm đen sông Đà và cá ngạnh sông Đà. Là xã có vùng hồ thủy điện Hòa Bình rộng lớn, Tiền Phong có tiềm năng lớn để phát triển nghề nuôi cá lồng. Tuy nhiên, những năm qua, Hợp tác xã Đà Giang Eco cũng như hàng trăm hộ nuôi cá lồng gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ. Do đó, khi có các sản phẩm được công nhận OCOP ba sao đã tạo “cú huých” lớn đối với nghề nuôi cá lồng nơi đây.
Ông Xa Ngọc Hưng, Giám đốc hợp tác xã cho biết: Sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cá lồng của hợp tác xã gặp rất nhiều khó khăn. Thời gian qua, với sự quan tâm, đồng hành, hỗ trợ của ngành chức năng, các cấp chính quyền, hợp tác xã đã xây dựng các sản phẩm OCOP. Trong giai đoạn kiến thiết, tìm kiếm thị trường, hợp tác xã đã được tạo điều kiện tham gia các chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP do tỉnh tổ chức. Nhờ đó, đã có một số sản phẩm cá chế biến sâu được đối tác đánh giá cao và ký kết hợp đồng hợp tác.
Có thể nói, Chương trình OCOP được triển khai đã tạo điều kiện cho các địa phương thuộc tỉnh Hòa Bình sản xuất ra nhiều hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của vùng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Các tổ chức kinh tế, cá nhân được hỗ trợ phát triển sản phẩm mới, nâng cấp sản phẩm đã có, tư vấn phát triển sản phẩm để hoàn thiện về quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, hoàn thiện nhãn mác, bao bì, giấy tờ liên quan, hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ cho biết: Thời gian tới, tỉnh tiếp tục huy động sự tham gia của toàn hệ thống chính trị để phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị thông qua đưa Chương trình OCOP vào nghị quyết của cấp ủy đảng các cấp; kế hoạch, chương trình công tác chỉ đạo trọng tâm của chính quyền địa phương; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường đào tạo, tập huấn, hướng dẫn và kiểm soát chặt chẽ việc áp dụng, tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất.
Cùng với đó, tỉnh sẽ tăng cường xúc tiến thương mại và thực hiện bảo hộ sở hữu trí tuệ chung cho cả chương trình; quảng bá rộng rãi Chương trình OCOP, tiêu chí của các sản phẩm OCOP đến rộng rãi người tiêu dùng trên địa bàn; xây dựng thương hiệu OCOP với các sản phẩm bảo đảm chất lượng, giá cả cạnh tranh, số lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Hòa Bình hỗ trợ các sản phẩm tham gia chương trình Gian hàng Việt trực tuyến trên sàn thương mại điện tử Sendo.vn, Voso.vn, Postmart.vn, Shopee.vn, Lazada.vn và tham gia các sàn thương mại điện tử trong nước.
Tỉnh Hòa Bình đang tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP, rà soát các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh đăng ký tham gia chương trình OCOP. Hằng năm, phấn đấu chuẩn hóa từ 16 sản phẩm OCOP đạt từ ba sao trở lên; hướng tới phát triển sản phẩm OCOP cấp quốc gia (năm sao) từ các sản phẩm OCOP cấp tỉnh có chất lượng, sản lượng và hiệu quả kinh tế cao như: cam Cao Phong, các dòng sản phẩm chế biến từ cá sông Đà, từ măng tre các loại và một số sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng.