Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Đức tới Việt Nam trong 17 năm qua, diễn ra chỉ hơn một năm sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Đức Olaf Scholz vào tháng 11/2022. Đây cũng là chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam đầu tiên của nguyên thủ một nước châu Âu trong năm 2024.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1975, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Đức phát triển tích cực, ngày càng sâu rộng, hiệu quả và toàn diện.
Tháng 10/2011, hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức, mở ra một chương mới cho quan hệ song phương. Trong gần một nửa thế kỷ qua, mối quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam-Đức đã được Chính phủ và nhân dân hai nước gìn giữ và không ngừng vun đắp. Hai bên duy trì đều đặn tiếp xúc và trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao.
Việt Nam và Đức cũng phối hợp chặt chẽ tại các tổ chức quốc tế và cơ chế đa phương như Liên hợp quốc, khuôn khổ hợp tác ASEAN-Liên minh châu Âu (EU)… Đức ủng hộ quan điểm của Việt Nam về vấn đề Biển Đông, trong đó có việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và Phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) năm 2016.
Kinh tế là một trong những lĩnh vực hợp tác thành công trong quan hệ Việt Nam-Đức. Trong nhiều năm liên tiếp, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU, chiếm gần 20% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU, đồng thời là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu. Kim ngạch trao đổi thương mại song phương năm 2023 đạt hơn 11 tỷ USD. Hiện có hơn 350 doanh nghiệp Đức hoạt động tại Việt Nam.
Đức là một trong những nước thường xuyên cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam. Từ những năm 1990 đến nay, Đức đã cung cấp ODA trị giá hơn 2 tỷ USD, hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.
Kể từ năm 2013, hai bên thống nhất thay đổi các lĩnh vực ưu tiên hợp tác ODA sang ba lĩnh vực mới trên cơ sở thế mạnh của hai bên là năng lượng; đào tạo nghề gắn với phát triển kinh tế bền vững; chính sách môi trường và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên. Từ năm 2020, Việt Nam được xếp là Đối tác toàn cầu trong Chiến lược hợp tác phát triển đến năm 2030 của Đức.
Trên chặng đường gần 50 năm hợp tác cùng phát triển, Việt Nam và Đức cũng gặt hái nhiều thành tựu nổi bật về văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, du lịch… Hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa hai nước bắt đầu từ năm 1990. Hằng năm, Đức cấp cho Việt Nam nhiều học bổng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Hiện có khoảng 300 nghiên cứu sinh Việt Nam nhận học bổng nghiên cứu và hơn 7.000 sinh viên Việt Nam học tập tại Đức. Dự án Trường đại học Việt-Đức, được thành lập từ tháng 9/2008 tại Thành phố Hồ Chí Minh, được đánh giá là “ngọn hải đăng” trong hợp tác giáo dục-đào tạo giữa hai nước, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam.
Trên nền tảng truyền thống hợp tác hữu nghị tốt đẹp, Việt Nam và Đức đã cùng nhau vượt qua giai đoạn đại dịch Covid-19. Cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, nhưng Việt Nam đã sẵn sàng chia sẻ nguồn lực y tế, hỗ trợ Đức vào thời điểm khó khăn nhất của dịch bệnh.
Đáp lại tình cảm chân thành đó, Đức cũng cung cấp hàng chục triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 cùng các thiết bị y tế giúp Việt Nam chống dịch. Nhiều địa phương của Đức, như Hamburg, Bremen, Sachsen-Anhalt, Mecklenburg-Vorpommern, Hessen..., đã trao hàng trăm nghìn bộ xét nghiệm và trang thiết bị y tế tặng Việt Nam.
Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Frank-Walter Steinmeier và Phu nhân thể hiện Đức mong muốn củng cố, thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam, cũng như coi trọng vai trò, vị thế quốc tế của Việt Nam.
Chuyến thăm cũng khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược với Đức trong tổng thể quan hệ Đối tác và hợp tác toàn diện với EU. Chúc chuyến thăm thành công tốt đẹp, góp phần tăng cường hiểu biết, tin cậy chính trị và tạo động lực mới, làm sâu sắc hơn nữa các trụ cột hợp tác giữa hai nước.