Buổi làm việc dành thời gian nhiều để tọa đàm, trao đổi thông tin giữa đoàn công tác với các sở, ngành, địa phương, chuyên gia của tỉnh Cà Mau liên quan đến văn hóa, xã hội và con người. Trong đó nổi bật các vấn đề về cơ chế, nguồn lực về đầu tư văn hóa; huy động sức dân trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy công năng của thiết chế văn hóa, di sản văn hóa; việc định hình, xây dựng chuẩn mực, đặc trưng tính cách của con người, bản sắc văn hóa Cà Mau...
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Linh cho rằng, Cà Mau cần nhìn đúng vào những tồn tại để kịp thời tháo gỡ khó khăn các vấn đề liên quan nhằm xây dựng, phát triển văn hóa, xã hội, con người theo hướng hội nhập nhưng bền vững, giàu bản sắc, hình thành những chuẩn mực và hệ giá trị tốt đẹp, từ đó mang lại sự thụ hưởng thật sự, thực chất và toàn diện cho đời sống nhân dân.
Triển khai đề án một triệu héc-ta lúa chất lượng cao xuất khẩu
Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có buổi khảo sát và làm việc với các hợp tác xã vùng Đồng Tháp Mười (Long An) và vùng tứ giác Long Xuyên (An Giang) về việc triển khai thực hiện đề án “phát triển bền vững một triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long”, vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phê duyệt tại Quyết định số 1490, ngày 27/11/2023.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, mục tiêu của đề án nhằm hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa và giảm phát thải khí nhà kính.
Đề án được triển khai theo hai giai đoạn tại 12 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có tỉnh Long An. Giai đoạn 1 (2024-2025) tập trung củng cố các diện tích đã có của dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam VnSAT có diện tích 180.000 ha.
Đối với ngành nông nghiệp và chính quyền 12 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long cần tập trung vận động nông dân tham gia vào các hợp tác xã; 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp phải có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đây là hai yếu tố tiên quyết để thực hiện thành công đề án.
Cam sành Vĩnh Long lại rớt giá
Hơn một tuần qua, giá cam sành tại các vùng chuyên canh tỉnh Vĩnh Long lại rớt giá thê thảm chỉ từ 2.000-4.000 đồng/kg. Với giá này, nhà vườn trồng cam không có lời, thậm chí thua lỗ. Mặt khác, cam tại nhiều nhà vườn tới ngày thu hoạch nhưng phải “neo” trên cây, không thể thu hoạch vì thương lái cũng hạn chế thu mua, dội chợ.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, tổng diện tích trồng cam sành khoảng 18.000 ha, hiện có 70% diện tích này đang cho trái, năng suất khoảng 100 tấn/ha. Hiện sản lượng cam sành ở Vĩnh Long đạt hơn 1 triệu tấn/năm. Nếu rải vụ quanh năm thì trung bình mỗi ngày Vĩnh Long phải tiêu thụ khoảng 3.000 tấn cam.
Hiện đang là thời điểm cây cam cho thu hoạch trái tự nhiên, sản lượng cao hơn nhiều so với mức trung bình cho nên xảy ra tình trạng tồn đọng khó tiêu thụ.
Cam sành rớt giá, nông dân Vĩnh Long thu hoạch cam về chất đống tại nhà vì khó tiêu thụ. |
Thu giữ hơn 2,2 triệu lít dầu D.O không rõ nguồn gốc
Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết, ngày 6/12, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên biển, lực lượng thuộc đơn vị vừa phát hiện, kiểm tra và tạm giữ tàu đang vận chuyển khoảng 130.000 lít dầu D.O trái phép. Tại thời điểm kiểm tra, tàu ST 92627 TS đang ở trên vùng biển Tây Nam cách đảo Hòn Khoai (Cà Mau) khoảng 150 hải lý. Trên tàu có 5 thuyền viên, do ông Nguyễn Quang Thanh (37 tuổi), ngụ tỉnh Kiên Giang làm thuyền trưởng.
Lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã tiến hành lập biên bản, niêm phong hàng hóa vi phạm. Sau đó, dẫn giải phương tiện về cảng Hải đội 421 tại huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau để tiếp tục điều tra, xử lý đúng theo quy định của pháp luật.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 tịch thu hơn 2,2 triệu lít dầu D.O và 31 tấn phế liệu. Tổng số tiền thu từ xử phạt và bán tài sản tịch thu do vi phạm hành chính nộp ngân sách nhà nước hơn 45 tỷ đồng.