Ngăn chặn tội phạm “tín dụng đen” dịp cuối năm

Hoạt động “tín dụng đen” đã len lỏi đến nhiều địa bàn vùng cao ở tỉnh Bắc Kạn. Dịp cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, trong bối cảnh một bộ phận người dân còn khó khăn về kinh tế càng dễ tạo điều kiện cho loại tội phạm này nở rộ.
0:00 / 0:00
0:00
Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Bắc Kạn) bắt một đối tượng cho vay lãi nặng tại huyện Ba Bể. (Ảnh NGỌC ÁNH)
Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Bắc Kạn) bắt một đối tượng cho vay lãi nặng tại huyện Ba Bể. (Ảnh NGỌC ÁNH)

Công an tỉnh Bắc Kạn mở đợt cao điểm đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen” với hình thức phổ biến là núp bóng dưới các cơ sở cầm đồ. Hầu như ở huyện nào cũng có những cơ sở cầm đồ và nếu không quản lý chặt chẽ sẽ lập tức biến tướng thành cho vay nặng lãi.

Cuối tháng 9/2023, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an Bắc Kạn) phối hợp chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra tại cơ sở cầm đồ Thái Kiên, tại tổ 12, thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn, phát hiện một số tài liệu có liên quan việc cho vay nặng lãi. Cơ sở này do Nguyễn Hữu Tiến Thái, sinh năm 1962, trú tại tổ 11B, thị trấn Bằng Lũng và Vũ Trung Kiên, sinh năm 1976, trú tại thôn Nà Pài, thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn góp vốn đầu tư.

Tại Cơ quan điều tra, Nguyễn Hữu Tiến Thái và Vũ Trung Kiên khai nhận, tháng 5/2022, hai người góp vốn mở cơ sở kinh doanh cho vay, cầm đồ Thái Kiên. Hằng ngày, Thái là người ở quầy trực tiếp làm việc với khách đến cầm đồ và vay tiền. Khi có khách Thái và Kiên sẽ trao đổi trực tiếp và thỏa thuận về việc cho khách vay và thu lãi suất.

Từ năm 2022 đến nay, hai đối tượng nêu trên đã cho nhiều người dân huyện Chợ Đồn vay tiền với lãi suất dao động từ 1 nghìn đồng/1 triệu đồng/ngày đến 3 nghìn đồng/1 triệu đồng/ngày. Trung bình mỗi tháng, hai đối tượng thu tiền lãi khoảng 70 đến 80 triệu đồng.

Một trong những nguyên nhân khiến hoạt động “tín dụng đen” vẫn sinh sôi, khó triệt phá dứt điểm đó là, do lợi nhuận thu được từ hoạt động này rất lớn; việc vay nặng lãi dễ vay, khó trả nhưng nhu cầu tiêu vặt, vay từ ba triệu đồng đến khoảng 20 triệu đồng có nhiều. Vì vậy, nhiều đối tượng dù đã bị bắt, xử tù vì hành vi cho vay nặng lãi nhưng ra tù vẫn lại “ngựa quen đường cũ”.

Tại huyện Ba Bể, đối tượng Vũ Ngọc Dương, sinh năm 1994, trú tại thôn Nà Giảo, xã Yến Dương bị Tòa án nhân dân huyện Ba Bể tuyên phạt bảy tháng tù về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” vào năm 2021. Dương đã chấp hành án xong ngày 28/4/2022, đến nay chưa được xóa án tích.

Tuy nhiên, Dương tiếp tục mở cơ sở cầm đồ Đại Lợi tại thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể. Qua kiểm tra cơ sở cầm đồ Đại Lợi, cơ quan công an phát hiện và tạm giữ một số đồ vật, tài liệu, tài sản có liên quan đến hoạt động cho vay của Vũ Ngọc Dương, xác định, Vũ Ngọc Dương đã cho vay, cầm cố tài sản và thu tiền lãi của người dân với lãi suất lên đến bảy nghìn đồng/1 triệu đồng/ngày. Khám xét khẩn cấp, lực lượng công an phát hiện và tạm giữ khoảng 10 triệu đồng; 10 xe mô-tô các loại; nhiều giấy tờ, tài liệu liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi của đối tượng.

Theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, trên toàn tỉnh Bắc Kạn hiện có 54 cơ sở cầm đồ và khoảng 36 đối tượng có biểu hiện và điều kiện thực hiện hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi. Đặc biệt, có đối tượng thực hiện phương thức cho vay “ngầm” mà không thông qua hình thức cầm đồ.

Cuối tháng 11/2023, Phòng Cảnh sát hình sự kiểm tra, khám xét nơi ở của đối tượng Nguyễn Duy Phong, sinh năm 1984, trú tại tổ 9A, phường Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn. Đối tượng này không mở cửa hiệu cầm đồ, nhưng qua khám xét đã phát hiện, tạm giữ 10 triệu đồng, hai điện thoại di động, một máy tính bảng cùng nhiều tài liệu, đồ vật liên quan đến hành vi “tín dụng đen”. Phòng Cảnh sát hình sự qua điều tra, xác minh đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can.

Bên cạnh đó, nhiều hình thức cho vay nặng lãi tinh vi cũng xuất hiện. Tháng 9/2023, Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp Công an huyện Chợ Đồn, chính quyền địa phương kiểm tra quán bán nước tại cổng Cơ sở điều trị Methadone ở tổ 1, thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn, chủ quán là Mã Đại Thủy, sinh năm 1976 và vợ là Trịnh Thị Bé, sinh năm 1988, cùng trú tại tổ 1, thị trấn Bằng Lũng.

Lực lượng chức năng đã phát hiện một số tài liệu, đồ vật, tài sản liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng của các đối tượng. Qua đấu tranh, cơ quan công an xác định, ngoài vợ chồng Thủy và Bé, còn có Hoàng Văn Hiếu, sinh năm 1982, trú tại tổ 2A, thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn cùng thực hiện việc cho vay lãi nặng bằng cách cầm thẻ uống methadone của 51 người, đều là các bệnh nhân đang điều trị methadone với số tiền cho vay từ 200 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng, mức lãi suất từ 5 nghìn đồng đến 15 nghìn đồng/ngày.

Theo Phòng Cảnh sát hình sự, đây là lần đầu ở Bắc Kạn, Công an tỉnh phát hiện và triệt phá hành vi “tín dụng đen” theo hình thức này. Hành vi tội phạm rất phức tạp, tinh vi và là nguồn cơn dẫn tới các loại tội phạm khác khi mà các đối tượng nghiện cầm cố thẻ Methadol để có tiền trả lãi hằng ngày sẽ tìm cách ăn trộm, ăn cắp…

Hầu hết các vụ án về “tín dụng đen” đều cho thấy, việc vay tiền và trả lãi ngày của các đối tượng đều rất dễ dàng, với lãi suất phổ biến từ 108 đến 180%/năm. Các đối tượng không viết giấy cầm đồ mà viết giấy tờ mua bán tài sản của người vay. Có những vụ án, khi khám xét, lực lượng chức năng phát hiện hàng chục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người vay.

Khi người vay không trả được nợ, các đối tượng đe dọa, đòi nợ bằng nhiều hình thức gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng tới gia đình, người thân. Có những trường hợp chỉ vay 20 triệu đồng nhưng trả lãi đến 40-50 triệu đồng vẫn chưa trả hết nợ.

Lực lượng công an toàn tỉnh đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tập trung vào các nội dung liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”..., cảnh báo hoạt động cho vay lãi nặng. Công an tỉnh đang đẩy mạnh việc rà soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh cầm đồ, các cơ sở kinh doanh tài chính, mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” từ ngày 15/9/2023 đến ngày 14/3/2024.

Từ ngày 15/9 đến nay, lực lượng công an toàn tỉnh đã đấu tranh triệt phá và khởi tố bốn vụ án và nhiều bị can về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Công an tỉnh phối hợp Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân các cấp truy tố, đưa ra xét xử công khai các vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”…, nhằm răn đe, cảnh tỉnh và phòng ngừa tội phạm chung.

Thượng tá Trịnh Vũ Ngàn, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự cho biết: “Thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an và Công an tỉnh, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, triệt phá tội phạm “tín dụng đen”. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, hiện chế tài quy định đối với tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự tại Điều 201, Bộ luật Dân sự vẫn còn thấp, chưa đủ sức răn đe.

Vì vậy, chúng tôi kiến nghị cần điều chỉnh, bổ sung để nâng mức xử phạt răn đe, từ đó bảo đảm đấu tranh với loại tội phạm này hiệu quả hơn; đồng thời khuyến cáo người dân cảnh giác, không vay “tín dụng đen” dưới mọi hình thức, kể cả qua các ứng dụng trên mạng”.