Dự án thành phần 3 được Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho tỉnh Hậu Giang làm cơ quan chủ quản để thực hiện dự án; Sở Giao thông vận tải Hậu Giang được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư dự án.
Dự án đi qua 2 huyện Châu Thành A và huyện Phụng Hiệp với tổng chiều dài là 36,9km, tổng mức đầu tư của dự án hơn 9.600 tỷ đồng.
Theo Quyết định số 1454 ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ, dự án được quy hoạch với quy mô 6 làn xe. Trong giai đoạn 1 đầu tư trước một bên với quy mô 4 làn xe có dải phân cách giữa. Chiều rộng nền đường 4 làn xe là 17m.
Trên toàn tuyến của dự án có tổng cộng 24 cầu được thiết kế với tải trọng cao nhất trong hệ thống tải trọng cầu hiện nay; bố trí đầy đủ hệ thống cống ngang đường và đường gom dân sinh phục vụ nhu cầu đi lại và lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của nhân dân.
Dự án thành phần 3 chia thành 2 gói thầu xây lắp: Gói thầu xây lắp số 1 đã tổ chức khởi công vào ngày 17/6/2023 do Liên danh Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn - Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam là đơn vị thi công, giá trị gói thầu là 3.479 tỷ đồng, thời gian thi công hoàn thành gói thầu trong 46 tháng.
Đến nay, nhà thầu đã triển khai các hạng mục như: Đào đất hữu cơ, thi công đường công vụ, tập kết máy móc thiết bị vào công trường. Đang tập trung thi công các cầu: KH9, Xà No, cầu vượt Quốc lộ 61C, cầu Nàng Mau 2, cầu Thới An... Khối lượng thực hiện khoảng 42 tỷ đồng.
Gói thầu xây lắp số 2 do Công ty Cổ phần Xây dựng và Lắp máy Trung Nam là đơn vị trúng thầu, giá trị gói thầu là 2.812 tỷ đồng, thời gian thi công hoàn thành gói thầu trong 46 tháng.
Về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đến nay, đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được 1.130/1.150 hộ bị ảnh hưởng; có 1.018 hộ đã bàn giao mặt bằng với diện tích 250,21ha/260,34ha, đạt tỷ lệ 96,11%.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh phát biểu tại buổi lễ. |
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh, nhấn mạnh: Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc–Cần Thơ–Sóc Trăng giai đoạn 1 có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long. Dự án này sau khi hoàn thành, cùng với tuyến cao tốc Cần Thơ–Hậu Giang–Cà Mau sẽ hình thành 2 trục đường kết nối Hậu Giang với các tỉnh trong khu vực và cả nước, góp phần phát triển phương thức vận tải bền vững, hiện đại, cải thiện năng lực cạnh tranh của quốc gia nói chung và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.
Dự án này đồng thời sẽ góp phần tái cơ cấu và tạo ra không gian nguồn lực mới phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Trong tương lai gần, dự án sẽ là nền tảng để các tỉnh trong khu vực kết nối với cảng Trần Đề để xuất khẩu hàng hóa.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương và kêu gọi nhân dân nơi có dự án đi qua tiếp tục hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đơn vị thi công sớm hoàn thành dự án, đưa vào khai thác, sử dụng để từng bước hoàn thiện kết nối hạ tầng giao thông của tỉnh, giữa tỉnh với các tỉnh, thành trong cả nước, tạo làn sóng mới trong thu hút đầu tư, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhanh, bền vững.
Đối với chủ đầu tư, các đơn vị tham gia dự án phải có kế hoạch, tiến độ cụ thể, triển khai từng hạng mục theo từng tháng, bám sát tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh; thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ, có giải pháp xử lý ngay những vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai dự án; tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật, công tác triển khai phải bảo đảm chất lượng, đáp ứng tiến độ hoàn thành dự án.