Hội chợ là cơ hội để các doanh nghiệp và địa phương quảng bá sản phẩm đặc sản tới người tiêu dùng, du khách trong và ngoài nước, tham gia chuỗi cung ứng-tiêu thụ hiệu quả tại thị trường Thủ đô. Đây cũng là nơi để các nhà phân phối tìm kiếm, lựa chọn nguồn cung cấp hàng hóa, là sự kiện được người tiêu dùng hưởng ứng, chờ đợi vào dịp cuối năm để đến tham quan, mua sắm, trải nghiệm nét văn hóa vùng miền Việt Nam.
Với quy mô gần 300 gian hàng, Hội chợ thu hút hơn 200 đơn vị, doanh nghiệp của 56 tỉnh, thành phố trong cả nước tham dự, trưng bày, giới thiệu những sản phẩm đặc trưng, đặc sản của các địa phương. Trong đó có nhiều sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý (Có thể kể đến: Bánh chè được làm từ những cây trà cổ thụ san tuyết hằng trăm năm của vùng Tây bắc đến hạt cà phê Tây Nguyên thơm mùi nắng gió, tỏi Lý sơn, hay xoài cát Hòa Lộc thơm ngon nức lòng, thốt nốt tinh hoa của rừng tràm trà sư An Giang, tiêu Phú quốc, cua Cà Mau và còn rất nhiều những cái tên mà không kể hết ở đây đều có mặt tại Hội chợ).
Các đại biểu tham quan gian hàng tại lễ khai mạc hội chợ (Ảnh: THANH TRÀ). |
Phát biểu tại lễ khai mạc, hội chợ ông Bùi Duy Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội cho biết: Hội chợ năm nay có 56 tỉnh, thành phố trực tiếp tham gia tổ chức “Gian hàng đặc sản” của địa phương, trưng bày, giới thiệu những sản phẩm đặc trưng, đặc sản, trong đó có nhiều sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, sản phẩm OCOP chất lượng cao. Bên cạnh đó, các hoạt động quảng bá du lịch, văn hóa truyền thống vùng miền, trình diễn ẩm thực, tư vấn, kết nối doanh nghiệp… được tổ chức trong thời gian diễn ra Hội chợ.
“Với sự nỗ lực của thành phố Hà Nội, sự phối hợp của các tỉnh, thành phố và sự hưởng ứng của các doanh nghiệp, tôi tin tưởng rằng, Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam tiếp tục được khẳng định là cầu nối quan trọng giữa nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng, là kênh quảng bá hiệu quả cho các sản phẩm đặc sản Việt Nam, là ngày hội đặc sản của cả nước tập trung về Thủ đô cũng là dịp để giới thiệu những nét văn hóa truyền thống, du lịch đặc trưng của mỗi vùng đất tới du khách trong nước và quốc tế”, ông Quang khẳng định.
Hội chợ năm nay có 56 tỉnh, thành phố trực tiếp tham gia tổ chức “Gian hàng đặc sản” của địa phương. (Ảnh: THANH TRÀ) |
Tham gia lễ khai mạc, ông Phạm Ngọc Vinh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Polytech có trụ sở tại Hà Nội cho biết: Tham gia chương trình Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam 2023 chúng tôi mang đến các sản phẩm từ tràm trà với thương hiệu Maloby và Vneo như tinh dầu tràm trà, sữa rửa mặt tràm trà, sữa tắm cho bé, nước rửa bình sữa, nước giặt, nước rửa chén, lau sàn, gel rửa tay…
“Chúng tôi hy vọng thông qua hội chợ sẽ có thêm những cơ hội để quảng bá sản phẩm rộng rãi ra thị trường, đưa sản phẩm an toàn và thuần tự nhiên trực tiếp đến nhiều người tiêu dùng” ông Vinh chia sẻ.
Hơn 1.000 sản phẩm nông sản quy tụ tại lễ hội “Nông sản đặc sản vùng miền”
Trong khuôn khổ hội chợ diễn ra các hoạt động kết nối giao thương giữa doanh nghiệp với các nhà phân phối lớn (Aeon, Lotte, Central retail, các chuỗi cửa hàng sạch) và nhiều hoạt động quảng bá văn hóa, du lịch trình diễn sản phẩm được các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp tham gia tổ chức, tạo thành những ngày hội đặc sản, du lịch, văn hóa của các vùng miền trong cả nước tại Hà Nội.
Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam 2023 diễn ra từ ngày 22/11 đến ngày 26/11.