Nâng cao chất lượng Nghị quyết của hội đồng nhân dân các cấp

Hà Nam xác định rõ các nghị quyết của Hội đồng nhân dân đóng vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Thời gian qua, Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Hà Nam đã tích cực thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu HĐND tỉnh Hà Nam khảo sát mô hình phát triển kinh tế tại huyện Thanh Liêm.
Các đại biểu HĐND tỉnh Hà Nam khảo sát mô hình phát triển kinh tế tại huyện Thanh Liêm.

Để các nghị quyết của Hội đồng nhân dân đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, điều quan trọng trước hết là chất lượng của nghị quyết phải bảo đảm được các yêu cầu về căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn; nội dung nghị quyết phải đánh giá đúng tình hình, thực trạng, yêu cầu đời sống, có tính khoa học, thống nhất và đáp ứng được kỳ vọng của người dân. Đồng thời, nghị quyết của Hội đồng nhân dân phải được xây dựng và thực hiện theo một quy trình hết sức chặt chẽ, từ khâu đề xuất nội dung, chương trình ban hành nghị quyết; dự báo, đánh giá tác động; soạn thảo, lấy ý kiến tham gia; thẩm định, thẩm tra; thảo luận, quyết định ban hành; tổ chức thực hiện; theo dõi, giám sát việc tổ chức thực hiện, phát hiện những khó khăn, vướng mắc, hạn chế để tập trung tháo gỡ, đưa nghị quyết đi vào cuộc sống.

Thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản của cấp trên, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Hội đồng nhân dân huyện Thanh Liêm đã tổ chức 12 kỳ họp (trong đó có bảy kỳ họp chuyên đề); ban hành 133 nghị quyết quyết định nhiều nhiệm vụ quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực: phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch, kế hoạch, chủ trương đầu tư các dự án... Việc xây dựng và ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện Thanh Liêm được thực hiện bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đúng quy trình và các quy định của pháp luật, phù hợp thực tiễn tại địa phương. Trước mỗi kỳ họp, các ban của Hội đồng nhân dân phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban chuyên môn có liên quan chuẩn bị tốt các văn bản, tài liệu phục vụ cho công tác thẩm tra.

Theo đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Thanh Liêm, Thường trực Hội đồng nhân dân huyện cần tích cực đổi mới quy trình quyết nghị tại kỳ họp, tạo điều kiện cho các đại biểu nghiên cứu tài liệu, tăng cường thời gian thảo luận; chủ động gửi sớm các tài liệu cho đại biểu nghiên cứu trước thời gian diễn ra kỳ họp, gồm hồ sơ dự thảo nghị quyết, bản tóm tắt các tờ trình, ý kiến thẩm tra của các ban Hội đồng nhân dân huyện; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển tải tài liệu đầy đủ, nhanh chóng, phục vụ kịp thời nhu cầu tra cứu và tìm hiểu thông tin của đại biểu. Thường trực Hội đồng nhân dân huyện tổ chức họp tổ đại biểu Hội đồng nhân dân trước kỳ họp để đại biểu thảo luận sâu nội dung của từng dự thảo nghị quyết, nhất là đối với những vấn đề còn ý kiến khác nhau đến khi đạt sự thống nhất cao. Sau khi Hội đồng nhân dân huyện thảo luận, thống nhất thông qua các nghị quyết tại kỳ họp, Thường trực Hội đồng nhân dân huyện giao các ban của Hội đồng nhân dân huyện tập trung phối hợp các cơ quan trình dự thảo rà soát, hoàn thiện các nghị quyết đã được Hội đồng nhân dân huyện biểu quyết thông qua; kịp thời tham mưu ban hành nghị quyết bảo đảm đúng thời gian, quy định.

Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Nam tổ chức 14 kỳ họp, ban hành 254 nghị quyết; Hội đồng nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 67 kỳ họp, ban hành 906 nghị quyết. Cơ bản các nghị quyết được các cơ quan tham mưu xây dựng trên cơ sở các quy định pháp luật và phù hợp điều kiện, yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn của địa phương, kịp thời đáp ứng được nguyện vọng của đa số cử tri và nhân dân.

Để nâng cao chất lượng nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp, bảo đảm nghị quyết ban hành đúng quy định, đáp ứng được nguyện vọng của

cử tri và nhân dân, phát huy

hiệu quả, đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Nam đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn trong việc tham mưu, đề xuất xây dựng, soạn thảo nghị quyết, bảo đảm tính chủ động trong việc xây dựng chương trình ban hành nghị quyết, hạn chế tình trạng bổ sung nghị quyết sát ngày tổ chức kỳ họp. Đối với các nghị quyết về cơ chế, chính sách, cần đặc biệt chú trọng việc tham vấn ý kiến các cơ quan chức năng và các đối tượng chịu tác động của nghị quyết để bảo đảm nội dung ban hành phải phù hợp quy định của pháp luật, thực tiễn và nguyện vọng của người dân, có tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, thuận lợi trong tổ chức thực hiện; cần nâng cao chất lượng công tác thẩm định, thẩm tra dự thảo nghị quyết của cơ quan tư pháp và các ban Hội đồng nhân dân.

Các dự thảo tờ trình, nghị quyết và tài liệu có liên quan nội dung thẩm tra cần được gửi sớm để các cơ quan có nhiều thời gian nghiên cứu, xem xét, thu thập thông tin; sắp xếp thời gian khảo sát thực tế, lắng nghe ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động...; thẩm tra kỹ lưỡng các căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn, sự phù hợp, khả thi từ đó, trao đổi với cơ quan soạn thảo để hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết; đổi mới phương thức, cách thức thảo luận, thông qua nghị quyết tại kỳ họp. Chương trình kỳ họp Hội đồng nhân dân cần tăng cường thời gian thảo luận để huy động được tối đa trí tuệ tập thể của các đại biểu Hội đồng nhân dân trong thảo luận, quyết định ban hành nghị quyết ■