Theo quy định pháp luật hiện hành, hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) là loại hóa đơn, chứng từ quan trọng nhằm ghi nhận các thông tin hàng hóa, dịch vụ đã cung ứng cho bên mua theo quy định pháp luật. Hóa đơn VAT cũng là căn cứ để xác định số tiền thuế VAT doanh nghiệp phải nộp, giúp Nhà nước giám sát việc thực hiện nghĩa vụ về thuế của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, với mục đích để được khấu trừ thuế VAT đầu vào, giảm nghĩa vụ thuế phải nộp, hợp thức hóa cho hàng hóa trôi nổi, nhiều doanh nghiệp đã có hành vi mua bán hóa đơn trái phép.
Tháng 6/2023, Cục Thuế tỉnh Quảng Trị chuyển hồ sơ hàng loạt doanh nghiệp "ma" có dấu hiệu trốn thuế và mua bán hóa đơn trái phép sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Trị để phối hợp điều tra, xử lý các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Trước đó, Cục Thuế tỉnh Quảng Trị đã kiểm tra, rà soát hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp trên hệ thống quản lý thuế tập trung và hệ thống hóa đơn điện tử, phát hiện nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu trốn thuế và mua bán hóa đơn trái phép. Các đối tượng này dùng chiêu trò thành lập doanh nghiệp dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) và chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn, không nhằm hoạt động sản xuất, kinh doanh mà hướng đến việc mua, bán và sử dụng hóa đơn để chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước.
Trong đó, qua kiểm tra, rà soát hồ sơ kê khai thuế của Công ty TNHH MTV Lộc Anh Quảng Trị có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại thôn Mai Lộc 1, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, cơ quan thuế phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm bất thường.
Cụ thể, theo hồ sơ, doanh nghiệp này được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tháng 11/2018, vốn điều lệ 3 tỷ đồng. Ngày 8/5/2022, doanh nghiệp đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử và được cơ quan thuế chấp nhận. Căn cứ dữ liệu hóa đơn điện tử có mã cơ quan thuế từ ngày 8/5/2022 đến 16/5/2023, doanh nghiệp này sử dụng 65 hóa đơn điện tử. Đối chiếu doanh thu kê khai trên hồ sơ khai thuế VAT với doanh thu bán ra trên ứng dụng hóa đơn điện tử, Cục Thuế tỉnh Quảng Trị phát hiện có sự chênh lệch lớn về doanh thu và thuế VAT các mặt hàng xuất bán chủ yếu là đất, cát, đá, dịch vụ vận chuyển…
Gần đây, đầu tháng 9/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước đã tiến hành khởi tố vụ án hình sự, khởi tố 6 bị can và thi hành lệnh bắt để tạm giam đối với 4 bị can là giám đốc và kế toán của các doanh nghiệp có liên quan về tội "Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước".
Trước đó, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bình Phước phát hiện một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có biểu hiện nghi vấn thành lập công ty để mua bán trái phép hóa đơn VAT với số lượng lớn cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm thu lợi bất chính.
Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định, từ năm 2018 đến 2022 các đối tượng thành lập nhiều công ty, cùng có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Sau khi thành lập, các công ty này không hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ gì mà chỉ môi giới để bán 680 tờ hóa đơn VAT trái phép cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với tổng giá trị thanh toán là hơn 200 tỷ đồng.
Tại Hà Nội, do cơ quan thuế thường xuyên công bố "danh sách đen" các doanh nghiệp có dấu hiệu mua bán hóa đơn trái phép, đặc biệt trong đợt truy quét hóa đơn sai phạm của cơ quan thuế trong tháng 5/2023 vừa qua, khiến nhiều doanh nghiệp phải lên giải trình vì sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp bỏ trốn, không hoạt động.
Trong đợt truy quét này, cơ quan thuế đã loại bỏ những hóa đơn không đủ điều kiện khấu trừ thuế VAT đầu vào và không được tính chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp cũng đã bị phạt từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.
Theo bà Trần Thu Hương (Cục Thuế thành phố Hà Nội), việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp cơ quan thuế xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn, kết hợp với các thông tin quản lý thuế khác để xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về người nộp thuế, đáp ứng yêu cầu phân tích thông tin phục vụ điều hành, dự báo, hỗ trợ người nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế và quản lý rủi ro trong quản lý thuế. Thế nhưng, dù đã chuyển đổi sang hóa đơn điện tử, các đối tượng vẫn mua bán hóa đơn điện tử giữa các công ty, hợp thức hóa đơn, chứng từ làm giảm số thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, nhằm thu lợi số tiền lớn.
Theo chuyên gia thuế tại các địa phương, qua kiểm tra của cơ quan thuế và các cơ quan chức năng, những doanh nghiệp bị nghi vấn đều không hoạt động tại địa chỉ đăng ký, cũng như không liên lạc được với người đại diện theo pháp luật. Phần lớn đối tượng trong các vụ án mua bán trái phép hóa đơn VAT đều có chung phương thức là thành lập các công ty "ma", sau đó mua hóa đơn VAT của cơ quan thuế và bán ra thị trường.
Các đối tượng thuê những người thiếu hiểu biết, thậm chí cả người đang mắc bệnh hiểm nghèo làm đại diện pháp luật, mua bán hóa đơn "lòng vòng" để bán cho doanh nghiệp khác làm chứng từ hợp thức hóa đơn đầu vào nhằm khấu trừ thuế hoặc xin hoàn thuế.
Anh Phạm Quang, giám đốc một công ty tư vấn thuế tại tỉnh Bắc Giang chia sẻ, việc các doanh nghiệp "ma" dễ dàng hoạt động như vậy là do thủ tục thành lập công ty TNHH rất đơn giản, không khó để nhờ người thân hoặc thuê người đứng tên giám đốc, với chi phí chỉ vài triệu đồng và chỉ phải chờ đợi trong ít ngày, cũng không cần xác minh vốn kinh doanh, tài sản. Điều này tạo kẽ hở cho các đối tượng thành lập doanh nghiệp "ma" mua bán hóa đơn mà không cần giao dịch thực tế. Hầu hết các doanh nghiệp này chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn và không có hoạt động kinh doanh thực tế, không có nhà kho, bến bãi, phương tiện sản xuất và nhân công lao động.
Trước tình trạng mua bán hóa đơn trái phép nêu trên, ngày 16/5/2023, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đã có Văn bản số 1798/TCT-TTKT gửi các cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc rà soát, xử lý hóa đơn không hợp pháp.
Theo đó, công bố danh sách 524 doanh nghiệp có rủi ro hóa đơn. Đồng thời, yêu cầu các cục thuế địa phương rà soát, kiểm tra doanh nghiệp sử dụng hóa đơn của những đơn vị này. Trường hợp phát hiện doanh nghiệp sử dụng hóa đơn của các doanh nghiệp có rủi ro nêu trên, cơ quan thuế yêu cầu doanh nghiệp giải trình làm rõ việc sử dụng hóa đơn để khấu trừ, hoàn thuế VAT, tính vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp, hợp thức hàng hóa mua trôi nổi, buôn lậu... Các cục thuế căn cứ hành vi vi phạm thực tế và quy định pháp luật để kịp thời xử lý hoặc củng cố hồ sơ, chuyển cơ quan công an.
Để ngăn chặn hành vi mua bán hóa đơn trái phép, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát, giám sát chất lượng, bảo đảm tối đa tính nghiêm ngặt trong quá trình vận hành hệ thống; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống hóa đơn điện tử, đặc biệt tập trung vào ứng dụng xác minh hóa đơn; tiếp tục bổ sung, khai thác triệt để các công cụ, ứng dụng cảnh báo, phân tích dữ liệu, truy xuất, phát hiện các trường hợp có dấu hiệu rủi ro cao về hóa đơn.
Tổ chức thực hiện rà soát định kỳ, tần suất lớn để nhận diện dấu hiệu vi phạm, kịp thời phát hiện, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn, chứng từ giả; sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; gian lận thuế, trốn thuế.
Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cố tình vi phạm theo đúng thẩm quyền; tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, chuyển giao, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về kinh tế, tiêu cực với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo đúng quy định pháp luật.