Kết quả, đã có nhiều giống sắn kháng bệnh khảm lá được công nhận. Hiện nay, Tây Ninh tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo, nhằm tiến hành các bước thành lập Trung tâm Nghiên cứu sắn Việt Nam đặt tại Tây Ninh.
Ông Hà Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh cho biết: Bệnh khảm lá sắn xuất hiện đầu tiên tại tỉnh Tây Ninh vào giữa năm 2017, sau đó lây lan khắp cả nước.
Sau bốn năm, bệnh khảm lá sắn đã làm sụt giảm khoảng 15% sản lượng sắn tươi, tương đương khoảng 1,5 triệu tấn, trị giá khoảng 2.500 tỷ đồng (số liệu đến năm 2021). Trước tình hình trên, năm 2020, CIAT đã triển khai dự án “Thiết lập các giải pháp bền vững xử lý bệnh hại sắn khu vực Đông Nam Á” do Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia (ACIAR) tài trợ.
Mục tiêu chung của dự án là nâng cao thu nhập của các hộ sản xuất nhỏ thông qua việc giải quyết các khó khăn về dịch bệnh đang gia tăng. Dự án nghiên cứu nhân giống, kiểm soát sâu bệnh hại, thực hiện các giải pháp xử lý giống khảo nghiệm thực địa tại Tây Ninh và đã đạt được những kết quả khả quan.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh, có 175 dòng sắn vô tính (thuộc loài cây mọc thẳng và có tính kháng khảm) đã được trồng thử nghiệm kiểu hàng đơn ở Tây Ninh vào đầu năm 2021.
Tiếp theo, có 23 dòng vô tính (có năng suất tinh bột cao) được thử nghiệm năng suất sơ bộ vào năm 2022. Qua đánh giá khả năng di truyền và tất cả các đặc điểm nông học để chọn giống, CIAT đã phát triển bảy dòng vô tính tốt nhất để đánh giá năng suất và độ ổn định tinh bột niên vụ 2023-2024 với điều kiện thổ nhưỡng của Tây Ninh.
Tiến sĩ Jonathan Newby, Giám đốc Chương trình sắn quốc tế (thuộc CIAT), cho biết: Việt Nam nói chung, Tây Ninh nói riêng là một trong những nơi sản xuất tinh bột sắn hàng đầu thế giới, nhưng để cạnh tranh với khu vực thì ngành sắn Việt Nam cần nâng cao năng suất củ sắn tươi, bảo đảm chủ động nguồn nguyên liệu cho chế biến, giải quyết các vấn đề thoái hóa đất; đồng thời, đổi mới công nghệ sản xuất và cập nhật các kỹ thuật canh tác mới.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đình Xuân cho biết: “Cây sắn là cây công nghiệp hàng hóa, là sản phẩm chủ lực của tỉnh Tây Ninh. Tổng diện tích trồng sắn của tỉnh đạt khoảng 61.000 ha (chiếm 10% tổng diện tích cả nước). Năng suất trung bình từ 33-35 tấn/ha/năm (gấp 1,7 lần năng suất trung bình của cả nước là 20 tấn/ha/năm).
Toàn tỉnh có 57 nhà máy chế biến (chiếm khoảng 48% tổng số các nhà máy chế biến sắn của Việt Nam). Năm 2022, diện tích khảm lá sắn khoảng hơn 41.000 ha, thiệt hại 203 tấn, tương đương 649 tỷ đồng. Bệnh khảm lá trên sắn làm giảm năng suất và sự cạnh tranh của các loại cây trồng có giá trị cao như cây mía, cao-su, cây ăn trái... cũng ảnh hưởng rất lớn đến diện tích trồng sắn ổn định của tỉnh.
Hiện nay, để bảo đảm nguyên liệu sản xuất, các doanh nghiệp chế biến tinh bột sắn của tỉnh phải nhập sắn từ Campuchia. Theo ông Xuân, từ thành công của dự án, trong cuối năm 2022 và năm 2023, tổng số lượng giống kháng khảm được phép lưu hành tại vùng Đông Nam Bộ lên đến sáu giống sắn kháng bệnh khảm lá và hiện ngành nông nghiệp tỉnh đã thực hiện trình diễn sản xuất các giống sắn kháng bệnh khảm lá tại huyện Dương Minh Châu, Châu Thành, Tân Châu.
Ngành nông nghiệp khuyến khích, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân tham gia cùng sản xuất, cung cấp giống mới đáp ứng khoảng 2.000 ha sản xuất trên địa bàn tỉnh; đồng thời, tiếp tục liên kết với CIAT triển khai các dự án đánh giá tiềm năng của hơn 600 dòng giống sắn kháng khảm.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến cho rằng: Dự án “Thiết lập các giải pháp xử lý bệnh hại trên cây sắn tại các nước khu vực Đông Nam Á” do ACIAR tài trợ, thực hiện trong giai đoạn 2019-2023, đã nghiên cứu, khảo nghiệm và đánh giá một số giống sắn tiềm năng có khả năng kháng bệnh phù hợp với điều kiện tự nhiên của khu vực Đông Nam Bộ.
Kết quả bước đầu, dự án chọn tạo được sáu giống sắn kháng bệnh khảm lá, gồm: HN1, HN3, HN5, HN36, HN80, HN97. Thời gian tới, Tây Ninh tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo, nâng cao và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời, mong muốn CIAT và các tổ chức quốc tế quan tâm hợp tác nghiên cứu, sẵn sàng hỗ trợ, đầu tư trong quá trình lai tạo, hướng dẫn đánh giá và chọn lọc giống sắn nhằm tiến hành các bước thành lập Trung tâm Nghiên cứu sắn ở tỉnh Tây Ninh.