Tăng cường lòng tin, tạo đột phá trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ

Sáng 19/9, giờ địa phương, tiếp tục chương trình công tác tại Hoa Kỳ, sau khi rời San Francisco tới thủ đô Washington D.C, Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm và có bài phát biểu chính sách tại Đại học Georgetown với chủ đề: “Tăng cường lòng tin, nỗ lực hành động, tạo đột phá trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ vì hoà bình, hợp tác và phát triển bền vững”. Cùng dự có Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời câu hỏi của các thính giả tại phần đối thoại.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời câu hỏi của các thính giả tại phần đối thoại.

Tại Thư viện cổ Rigg trong Đại học, Hiệu trưởng Joel Hellman phát biểu chào mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới thăm trường; nhấn mạnh: lần đầu tiên một Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thăm trường. Chúng ta đang sống trong thời đại có nhiều yếu tố bất ổn, các quốc gia đang phát triển mạnh mẽ như Việt Nam ngày càng có tiếng nói quan trọng trên trường quốc tế, nhất là ứng phó biến đổi khí hậu, dịch bệnh. Những trao đổi hôm nay là nền tảng quan trọng hình thành chính sách trong tương lai; hy vọng những chia sẻ của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam sẽ có tác động tích cực tới thế hệ trẻ.

Phát biểu ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ xúc động được đến hội trường này của Đại học, được biết nhiều người châu Á thành đạt từ trường, trong đó có nhiều sinh viên Việt Nam; trân trọng cảm ơn sự đóng góp của trường cho các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Tăng cường lòng tin, tạo đột phá trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ ảnh 1
Hiệu trưởng Đại học Georgetown Joel Hellman phát biểu chào mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Thủ tướng nêu các vấn đề lớn: hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, theo đó quan hệ kinh tế, đầu tư, thương mại, du lịch, thăm thân phát triển mạnh mẽ; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo mở ra cơ hội mới, với trí tuệ con người là vô biên. Cùng với đó, chúng ta đang đứng trước thời điểm khó khăn, sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và thứ hai, thế giới bước vào chiến tranh lạnh; sau chiến tranh lạnh có một thời kỳ thế giới tương đối ổn định, chủ nghĩa đa phương được đề cao, do đó hợp tác quốc tế được phát triển, các Hiệp định thương mại được tăng cường. Thời kỳ bình yên đó góp phần làm cho thế giới phát triển, trong đó có Hoa Kỳ và Việt Nam.

Cạnh tranh chiến lược, địa chính trị, gia tăng vũ trang, chủ nghĩa dân tộc cực đoan hiện đang có xu hướng nổi lên; thế giới tổng thể có hòa bình, nhưng cục bộ có chiến tranh; tổng thể hòa hoãn nhưng cục bộ có xung đột…; an ninh mạng trở nên phức tạp hơn. Kinh tế thế giới đang chứng kiến nhiều cơn gió ngược.

Hiện châu Á-Thái Bình Dương đang là tâm điểm của sự chú ý.

Ngân hàng Thế giới phát đi cảnh báo về một thập kỷ mất mát, khủng hoảng năng lượng đang hiện hữu, giá dầu đang tăng lên, có nhiều yếu tố do chính trị, không thuần tuý do yếu tố thị trường; vấn đề giá gạo cũng vậy, nếu giá tăng mà chúng ta làm cho giá tăng thêm, chẳng hạn Việt Nam vì lợi nhuận có thể dừng xuất khẩu để thu lợi hơn, nhưng Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, cho nên vẫn xuất khẩu gạo để giữ ổn định giá gạo trên thế giới, bảo đảm an ninh lương thực. Việt Nam chọn cách đi phù hợp hòa bình, hợp tác và phát triển. Hiện châu Á-Thái Bình Dương đang là tâm điểm của sự chú ý.

Hội nghị Cấp cao Đông Á vừa qua tổ chức ở Indonesia đã ra tuyên bố chung xác định ASEAN là tâm điểm tăng trưởng, châu Á-Thái Bình Dương cũng là nơi có nền kinh tế năng động, sáng tạo. Các vấn đề tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, nhiều thách thức an ninh phi truyền thống, không loại trừ mất kiểm soát…

Thế giới đang biến động phức tạp chưa có tiền lệ, phức tạp, khó định đoán đặt ra vấn đề an nguy, an ninh đối với đất nước, con người, lãnh thổ. Có nhiều vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân như đại dịch Covid-19 vừa qua. Không có một đất nước nào an toàn khi còn một nước còn đại dịch.

Theo Thủ tướng, vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân thì chỉ có thể giải quyết bằng giải pháp mang tính toàn cầu, toàn dân; phải giải quyết bằng đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế. Thủ tướng lấy thí dụ trong đại dịch Covid-19 vừa qua, các nước giàu phải tạo điều kiện cho nước nghèo tiếp cận vaccine ngừa Covid-19, nhờ đó đại dịch mới được khống chế. Do đó nước giàu phải giúp đỡ nước nghèo, người giàu giúp đỡ người nghèo, người khỏe giúp đỡ người ốm.

Chúng ta phải chủ động thích nghi, linh hoạt ứng phó mới giải quyết được các vấn đề toàn cầu; tranh thủ thời cơ, hóa giải thách thức trên thực hiện vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển. Việt Nam đang thực hiện lựa chọn thứ hai theo cách của mình.

Về mục tiêu và chính sách lớn của Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam là một đất nước chịu đau khổ về chiến tranh nhiều nhất. Thế giới có thời gian không hiểu, cho nên Việt Nam từng bị bao vây, cấm vận. Việt Nam phải chịu đựng nhiều khó khăn nhất. Từ đó để thấy dân tộc Việt Nam càng áp lực thì càng nỗ lực, không khuất phục, lấy mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh làm mục tiêu tổng quát. Qua đó, Việt Nam rút ra bài học kinh nghiệm để làm tốt hơn giai đoạn tới là kiên định con đường mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội; sự nghiệp cách mạng là của dân; đoàn kết, đại đoàn kết trong Đảng, toàn dân, toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế; kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước và ngoài nước.

Đến nay, quan hệ thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ đạt 123 tỷ USD năm 2022. Nếu không có nền tảng chính trị tốt đẹp thì không thể có quan hệ thương mại phát triển tốt đến thế. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Muốn đạt được mục tiêu lớn như vậy thì Việt Nam phải đẩy mạnh chính sách công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Việt Nam phải tham khảo, học tập kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam lấy phát triển kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả; Lấy nguồn lực bên trong là quyết định, nguồn lực bên ngoài là đột phá. Việt Nam phải xây dựng nền dân chủ XHCN để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tôn trọng dân chủ để phát huy tối đa trí tuệ của mọi người dân; phải xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, văn hoá là sức mạnh nội sinh, “văn hoá còn thì dân tộc còn, văn hoá mất thì dân tộc mất”, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, mọi người dân tham gia xây dựng thể chế.

Việt Nam xây dựng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; xây dựng thế trận quốc phòng an ninh, quốc phòng toàn dân vững chắc; kiên trì thực hiện chính sách quốc phòng “4 không”; xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Xuyên suốt quá trình này, Việt Nam lấy con người vừa là trung tâm, vừa là chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; làm tốt công tác an sinh xã hội với tinh thần nơi thuận lợi phải giúp nơi khó khăn, người giàu giúp người nghèo… Cùng với đó, Việt Nam đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về hoàn thiện thể chế; đột phá về hạ tầng chiến lược nói chung; nguồn nhân lực chất lượng cao.

Việt Nam lấy con người vừa là trung tâm, vừa là chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần

Kết quả thực tiễn cho thấy, khi Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới năm 1986, lúc đó, nền kinh tế Việt Nam chỉ có 4 tỷ USD, bình quân đầu người trên dưới 100 USD. Đến năm 2022, bình quân đầu người hơn 4.000 USD, GDP hơn 400 tỷ USD; Việt Nam bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong vòng kiểm soát; giá trị thương hiệu Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao; an ninh chính trị được giữ vững…;

Việt Nam đã ký 16 FTA, tham gia tích cực vào các vấn đề quốc tế một cách chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá là hình mẫu thực hiện các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ.

Việt Nam xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, nhưng luôn kiên định, kiên trì những nguyên tắc cơ bản, có bản lĩnh ứng phó phù hợp, chuẩn bị nguồn lực để xử lý phù hợp. Chúng ta rất tự hào về truyền thống quan hệ hai nước, nhất là từ sau 1975 phải vượt qua đau thương trong chiến tranh, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai vì hoà bình, hợp tác và phát triển. Các đời Tổng thống Hoa Kỳ gần đây đều đến thăm Việt Nam. Về kinh tế, Hoa Kỳ đứng thứ 11 trong tổng số các nước, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, tất nhiên con số này chưa tương xứng tiềm năng của Hoa Kỳ; hợp tác khoa học công nghệ, giáo dục vẫn là một điểm sáng trong quan hệ hai nước. Chúng ta đang làm tốt công tác kết nối về giáo dục, khoa học công nghệ.

Theo Thủ tướng, để hiện thực hoá nhanh và bền vững Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ thì chúng ta cần phải bàn kỹ nhưng trước hết, phải có sự tin cậy; khuôn khổ mới đòi hỏi chúng ta phải có cách làm mới, cụ thể hoá thành những dự án, chương trình cụ thể. Trên tinh thần đó, Thủ tướng cho rằng hai bên cần tập trung cụ thể hoá việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững thành những chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động, dự án, hoạt động hợp tác kinh doanh cụ thể, trong đó chú trọng những nội dung chủ yếu sau:

Tiếp tục quan tâm và ưu tiên dành nguồn lực để hiện thực hóa các cam kết trong Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ hai nước. Chúng tôi mong muốn Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công ba đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực, và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; qua đó góp phần hiện thực hoá định hướng xây dựng “một Việt Nam mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng” như hai bên mong muốn.

Tăng cường hiểu biết lẫn nhau, xây dựng và củng cố tin cậy chính trị giữa lãnh đạo, chính giới và nhân dân hai nước. Tăng cường trao đổi, tiếp xúc cấp cao thường xuyên hơn, giữa các kênh nghị viện, giữa các chính đảng, mở rộng trao đổi, đối thoại trên các lĩnh vực cùng quan tâm; thúc đẩy hơn nữa hợp tác địa phương, giao lưu nhân dân.

Tiếp tục coi hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư là động lực chủ yếu và là “động cơ vĩnh cửu” thúc đẩy quan hệ song phương. Đặc biệt là: Hoa Kỳ sớm thúc đẩy lộ trình công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam và mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hóa của Việt Nam trên cơ sở bảo đảm cân bằng, bình đẳng, cùng có lợi. Hai bên tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả thực hiện Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) để thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác cụ thể, tăng cường kết nối giữa hai nền kinh tế và kịp thời giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh.

Hoa Kỳ quan tâm hơn nữa, hỗ trợ thiết thực các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư phát triển các dự án lớn, nhất là công nghiệp chế tạo và mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Về phần mình, Việt Nam sẵn sàng trao đổi, phối hợp để tạo những điều kiện thuận lợi cho hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Sớm hoàn thiện các khuôn khổ hợp tác mới, làm cơ sở thúc đẩy, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác. Xác định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là lĩnh vực mang tính đột phá, không giới hạn, như Tổng thống Joe Biden đã phát biểu. Tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên, trọng tâm: nền tảng công nghệ số, hệ sinh thái bán dẫn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi năng lượng, công nghệ sinh học, y tế, dược phẩm; đào tạo sinh viên và nguồn nhân lực chất lượng cao…

Hai bên tiếp tục hợp tác hiệu quả về quốc phòng, an ninh; tiếp tục thúc đẩy khắc phục hậu quả chiến tranh làm điểm sáng trong hợp tác giữa hai nước. Việt Nam sẵn sàng đóng vai trò cầu nối trong thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa ASEAN, giữa các nước Tiểu vùng Mekong với Hoa Kỳ và các đối tác khác; đóng góp vào các nỗ lực chung về trung gian hòa giải, đối thoại, giải quyết hòa bình các tranh chấp. Hai nước cần cùng nhau đóng góp tích cực cho sự phát triển năng động, rộng mở, bao trùm ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương; phối hợp chặt chẽ trong ASEAN, APEC, Liên hợp quốc để xử lý các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, lương thực, nguồn nước, y tế.

Tăng cường thông tin, truyền thông, thực hiện chính sách hoà hợp dân tộc. Đồng thời, hai bên cần tăng cường hợp tác trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, phù hợp với hiến pháp và các cam kết quốc tế của mỗi nước, thúc đẩy tăng cường hiểu biết lẫn nhau và giảm thiểu khác biệt.

Tăng cường lòng tin, tạo đột phá trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ ảnh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chính sách tại Đại học Georgetown.

Thủ tướng nêu rõ, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trong thời gian tới cần hướng tới mục tiêu phát triển ngày càng sâu rộng, thực chất và hiệu quả, tương xứng với khuôn khổ mới, đáp ứng thiết thực lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới; hợp tác không làm tổn hại các nước.

Nhìn lại chặng đường gần 30 năm qua, Thủ tướng tin tưởng sâu sắc rằng, trong những thập kỷ tới và xa hơn nữa, với tinh thần quyết tâm, lòng tin và sự chân thành, quan hệ giữa hai nước chúng ta sẽ tiếp tục được củng cố và vun đắp; các thế hệ tương lai của hai dân tộc sẽ luôn là những người bạn tốt và chân thành của nhau.

Thủ tướng kết thúc bài phát biểu hôm nay với câu nói của Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln: “Luôn nhớ rằng quyết tâm thành công của chính bạn quan trọng hơn bất cứ điều gì khác.”; thành công của các bạn cũng là thành công của chúng tôi và ngược lại.

Nhân dịp này, Thủ tướng đã trả lời nhiều câu hỏi của các thính giả. Trả lời câu hỏi về việc Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ, Thủ tướng khẳng định lại đường lối đối ngoại của Việt Nam và nhấn mạnh, việc nâng cấp quan hệ hai nước phụ thuộc lợi ích, mong muốn của nhân dân hai nước; bên cạnh đó, Thủ tướng cũng giải đáp các câu hỏi liên quan tình hình thế giới, quan điểm, chính sách đối ngoại của Việt Nam; vấn đề chống biến đổi khí hậu; tăng cường quan hệ giáo dục đào tạo hai nước…