Xã hội hóa nguồn lực hỗ trợ giáo dục tại Điện Biên

Mỗi ngày sau giờ dạy trên lớp, rất nhiều thầy giáo, cô giáo ở các huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Điện Biên lại dành thời gian sửa lại nơi ăn, phòng ở hoặc cùng học sinh làm thêm đồ dùng học tập. Nhiều thầy, cô giáo còn chủ động kết nối bạn bè, người thân, nhà hảo tâm ủng hộ thêm vật chất, đồ dùng, làm thêm các công trình giúp học sinh yên tâm học tập... Công tác xã hội hóa giáo dục tại tỉnh nghèo Điện Biên đang đem lại nguồn lực hiệu quả, tiếp thêm động lực cho sự nghiệp giáo dục đào tạo ở tỉnh biên giới ngày càng khởi sắc...
0:00 / 0:00
0:00
Phụ huynh, giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Mường Nhé sửa chữa giường cho học sinh bán trú.
Phụ huynh, giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Mường Nhé sửa chữa giường cho học sinh bán trú.

Trên đường đưa chúng tôi về thăm các trường học thuộc địa bàn xã Sín Thầu, Huổi Lếch, Mường Nhé… thầy giáo Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé, nói thêm về đóng góp của nhân dân, các nhà hảo tâm cho sự nghiệp giáo dục huyện vùng biên. Thầy Chùy cho biết: Trong năm học 2022-2023, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã tiếp nhận gần 10 tỷ đồng từ Chương trình sát cánh gia đình Việt, Tổng Công ty thăm dò khai thác Dầu khí, bạn đọc Báo Dân trí, Tổ chức từ thiện Cộng đồng; Quỹ Cargill Cares, Quỹ Hy Vọng (Báo VnExpress) để xây dựng một điểm trường tại bản Pa Thết, 10 phòng học tại xã Huổi Lếch và 29 nhà vệ sinh tại 28 điểm trường.

Tận dụng tối đa nguồn kinh phí được tài trợ sao cho hiệu quả, Phòng đã cùng Ban Giám hiệu các trường tuyên truyền, vận động cán bộ, giáo viên, cha mẹ học sinh và nhân dân trên địa bàn đóng góp nguyên liệu, ngày công lao động xây dựng phòng học. Có sự góp sức từ nhân dân địa phương, các công trình được xây dựng đều bảo đảm chất lượng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu ăn, ở, học tập của học sinh.

Cùng địa bàn nhiều khó khăn như Mường Nhé, song tại Nậm Pồ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn khó khăn hơn; nhiều trường chưa có thư viện đạt chuẩn; nhiều trường không có bể chứa nước, thiếu nước trầm trọng; nơi ở của học sinh nội trú hầu hết là nhà tạm hoặc nhà bán kiên cố…

Từng bước khắc phục khó khăn trên tinh thần chủ động, tự lực, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ đã tham mưu Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện phát động phong trào ủng hộ theo Chương trình “Nước cho em” và phong trào “Tiết kiệm 2.000 đồng cho giáo dục”. Theo đó, các phong trào hướng đến kêu gọi sự vào cuộc của mỗi đồng chí cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể cùng vào cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân, các tổ chức, cá nhân hảo tâm bằng việc làm, hành động cụ thể ủng hộ, giúp đỡ học sinh nơi huyện nghèo.

Thầy giáo Ngô Xuân Chiến, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ, cho biết: Mức ủng hộ nhỏ là 2.000 đồng nhưng nhiều người cùng thực hiện việc nhỏ mỗi ngày thì số tiền ấy cũng giúp được học sinh, giáo viên hoàn cảnh khó khăn.

Trong năm học 2022-2023, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ đã kêu gọi, vận động được gần 17 tỷ đồng tiền mặt, đồ dùng và công sức từ các tổ chức, cá nhân. Trong đó, các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ hơn 7,479 tỷ đồng; thầy, cô giáo và phụ huynh học sinh góp hơn 20.000 ngày công và hơn 10.000m3 cát, sỏi xây dựng 9 phòng học, 24 phòng nội trú, 7 công trình nhà vệ sinh, 1.050m2 sân bê-tông, cơ sở vật chất được đầu tư hoàn thiện, chất lượng dạy và học ngày càng nâng lên.

Riêng chương trình “Nước cho em” được Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Nậm Pồ phát động dịp khai giảng năm học 2022-2023, đến cuối tháng 6/2023 đã tiếp nhận gần 720 triệu đồng gồm tiền mặt, hiện vật để làm mới 26 giếng phục vụ nhu cầu ăn, ở, sinh hoạt của học sinh 26 trường. Điều kiện ăn, ở, học tập của học sinh dần cải thiện, chất lượng dạy và học cũng được nâng lên, do đó hiện nay toàn huyện Nậm Pồ đã có 28/42 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Đánh giá cao sự chủ động và cách làm hiệu quả của Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa trong kêu gọi vận động nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho giáo dục, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên, Nguyễn Văn Đoạt, khẳng định: Từ nguồn lực kêu gọi xã hội hóa, trong năm qua toàn ngành đã có thêm 95 phòng học, 15 phòng ở nội trú, 25 nhà công vụ, 43 công trình vệ sinh, 5.174,5 m2 sân bê-tông được làm mới đưa vào sử dụng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học, ăn, ở của học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao biên giới.

Tổng nguồn kinh phí do các tổ chức, cá nhân ủng hộ xây dựng trường, lớp học và hỗ trợ bữa ăn cho học sinh lên tới gần 61 tỷ đồng. Đây là nguồn lực quan trọng giúp góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của học sinh ở vùng cao, đặc biệt nhóm học sinh lớp 1, 2 ở các điểm bản lẻ, học sinh nội trú đang theo học chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Cũng từ nguồn lực xã hội hóa, đời sống của giáo viên, học sinh các trường vùng cao đã bớt khó khăn hơn.