Gieo chữ nơi xã đảo biên giới ở Kiên Giang

Xã đảo biên giới Tiên Hải, thành phố Hà Tiên (Kiên Giang) nằm cách đất liền khoảng 28 km, điều kiện đi lại, cuộc sống hằng ngày của người dân còn nhiều khó khăn. Với lửa nghề, tình yêu con trẻ, hơn 20 thầy giáo, cô giáo Trường tiểu học và THCS Tiên Hải vượt qua tất cả, cùng nhau gieo chữ cho học trò nơi đầu sóng ngọn gió.
0:00 / 0:00
0:00
Giờ sinh hoạt ngoại khóa của học sinh tại điểm trường lẻ Hòn Giang thuộc Trường tiểu học và THCS Tiên Hải.
Giờ sinh hoạt ngoại khóa của học sinh tại điểm trường lẻ Hòn Giang thuộc Trường tiểu học và THCS Tiên Hải.

Quần đảo Hải Tặc thuộc xã đảo Tiên Hải, rất tĩnh lặng, hiền hòa và bình yên. Tiếng người nói, tiếng trẻ em nô đùa, tiếng xe gắn máy… chỉ thoáng vang vọng chốc lát, rồi lại “trôi” dần bởi tiếng sóng biển, tiếng gió lùa qua hàng cây, rì rào, rì rào, đều đều.

Tình nguyện ra đảo

Đi bộ trên con đường bê-tông vào UBND xã, đập vào mắt chúng tôi một bên là biển nước trong vắt, một bên là núi non hùng vĩ. Nhà dân thường được xây dựa lưng vào núi, phía bên kia trồng nhiều những cây dừa, cây phượng… Thoảng trong gió là mùi mặn mòi từ đồ khô mà các gia đình trên đảo đem phơi, đa số là thủ công, chỉ đủ dùng và phục vụ nhu cầu kinh doanh du lịch.

Nằm giữa khu trung tâm xã đảo là điểm trường chính của Trường tiểu học và THCS Tiên Hải. Những gian phòng học khang trang được dựng lên, dần thay thế cho cơ sở vật chất đã cũ được xây khá lâu. Ngay khi đặt chân đến cổng trường, những người lạ mới đến đảo như chúng tôi đều dõi ánh mắt tò mò nhìn vào sân trường.

Ấn tượng đầu tiên là những cái khoanh tay, cúi đầu chào lễ phép và đáng mến từ các em học sinh đang trong giờ tập thể dục hay đang vui chơi trong khuôn viên trường dành cho những vị khách mới đến. Đón chúng tôi là thầy Châu Văn Nam, thầy Trương Tấn Hưng, cô Ngô Thị Thùy, họ là những giáo viên trẻ yêu nghề dạy học, tình nguyện xa gia đình và từ đất liền ra nơi đầu sóng ngọn gió dạy học cho học sinh trên xã đảo này.

Hôm nay là buổi họp của hội đồng nhà trường cho nên các thầy giáo, cô giáo sẽ về tập trung tại điểm chính để dự họp, chính vì vậy chúng tôi có dịp gặp thầy Trương Tấn Hưng đang phụ trách điểm lẻ ở Hòn Đước và cô Ngô Thị Thùy phụ trách đểm lẻ ở Hòn Giang.

Thầy Đỗ Quang Biên, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Tiên Hải cho biết: Hiện tại nhà trường đang quản lý 3 cấp học: Mầm non, tiểu học và THCS. Năm học 2022-2023 có 13 lớp, bao gồm mẫu giáo: 2 lớp với 58 cháu; tiểu học: 7 lớp với 134 học sinh; THCS: 4 lớp với 63 học sinh.

Ở hai điểm lẻ: Hòn Giang có 1 lớp ghép 4 trình độ 1+2+3+4: 20 học sinh; Hòn Đước có 1 lớp ghép 3 trình độ 1+3+4: 14 học sinh. Số giáo viên đang trực tiếp giảng dạy tại trường là 26 với 16 nữ. Hầu hết giáo viên đều có trình độ cao đẳng và đại học; trong đó 21 giáo viên từ đất liền vào dạy còn 5 giáo viên là người địa phương. Để thuận tiện cho công việc của giáo viên, trường có xây dựng 10 phòng công vụ dành cho cán bộ, giáo viên, mỗi phòng 2 người và hiện nay có 18 giáo viên đang ở, có 3 giáo viên đã lập gia đình và đang ở ngoài.

Theo thầy Châu Văn Nam, Tổng phụ trách nhà trường: Với 2 điểm trường lẻ, Ban Giám hiệu đang phân công những giáo viên là nam độc thân, nếu không còn giáo viên nam độc thân thì mới phân công giáo viên đã có gia đình và thay đổi theo năm, luân phiên các giáo viên trong trường. Hiện tại điểm trường Hòn Giang, nhà trường không đủ giáo viên nên ký hợp đồng với cô giáo Ngô Thị Thùy, một nữ tu Công giáo đạo Thiên chúa, tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Hà Nội về làm công tác giảng dạy. Ở điểm trường Hòn Đước phân công giáo viên Trương Tấn Hưng.

“Nhà trường được giao là 27 biên chế, tuy nhiên chính thức mới có 23 người. Hiện tại chúng tôi đang hợp đồng thêm được 3 giáo viên, trong đó 1 giáo viên mầm non và 2 giáo viên tiểu học. Cái khó nhất là không có giáo viên tình nguyện ra đảo để có thể ký hợp đồng giảng dạy. Năm học 2023-2024, trường dự kiến mở thêm ra 1 lớp ghép bên Hòn Giang nhưng tới thời điểm hiện tại chưa tìm được giáo viên để hợp đồng dạy”, thầy Quan Thanh Thắng, Phó Hiệu trưởng chia sẻ.

Hiện tại chúng tôi đang hợp đồng thêm được 3 giáo viên, trong đó 1 giáo viên mầm non và 2 giáo viên tiểu học. Cái khó nhất là không có giáo viên tình nguyện ra đảo để có thể ký hợp đồng giảng dạy. Năm học 2023-2024, trường dự kiến mở thêm ra 1 lớp ghép bên Hòn Giang nhưng tới thời điểm hiện tại chưa tìm được giáo viên để hợp đồng dạy.

Thầy Quan Thanh Thắng, Phó Hiệu trưởng

Để giải quyết những khó khăn hiện tại, ông Nguyễn Văn Ba, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Tiên cho biết: Phòng sẽ tiếp tục tạo điều kiện để giáo viên mầm non của trường được tham gia tất cả các lớp tập huấn, bồi dưỡng do ngành tổ chức chuẩn bị cho năm học 2023-2024.

Trước mắt, nhà trường cần xây dựng đề án biên chế việc làm của đơn vị để Phòng tham mưu với UBND thành phố Hà Tiên tuyển đủ số giáo viên bảo đảm thực hiện nhiệm vụ. Phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên về nhu cầu cần tuyển dụng các vị trí việc làm còn thiếu của Trường tiểu học và THCS Tiên Hải để có nguồn tổ chức thi tuyển dự kiến vào tháng 9 tới. Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu với UBND thành phố Hà Tiên tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 1 nhà đa năng, 8 phòng học trong năm học 2023-2024 để bảo đảm đạt chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2 theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Những lớp học đặc biệt

Sơ Ngô Thị Thùy, nữ tu Công giáo đạo Thiên chúa, giáo viên đứng lớp điểm trường lẻ Hòn Giang, chia sẻ với chúng tôi về cơ duyên cô gắn bó với điểm lẻ này: “Gia đình tôi không có ai theo nghề giáo viên, nhưng mọi người rất ủng hộ tôi theo học ngành này. Tôi chọn làm cô giáo vì ước mơ dấn thân vào công việc giáo dục. Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Hà Nội, tôi mong muốn đem kiến thức của mình để dạy những trẻ em nghèo, vùng dân tộc thiểu số được biết chữ và có cơ hội thăng tiến trong cuộc sống sau này. Tháng 5/2022, tôi có cơ hội được trải nghiệm sinh hoạt với các em ở Hòn Giang. Khi nghe tin năm học 2022-2023, điểm trường lẻ Hòn Giang không có giáo viên, người dân sợ các em không được đi học cho nên đã nhờ đến Cha xứ Hà Tiên. Cha đã gọi lên nhà Dòng chúng tôi và nhà Dòng nhận thấy nhu cầu cần thiết nên đã cử tôi đến đây và tôi bắt đầu công việc này như thế”.

Năm học 2022-2023, điểm trường Hòn Giang có 22 học sinh chính thức. Ngoài ra còn có thêm một số em mầm non và một số em đã quá tuổi nhưng rất mong ước được học. Vì vậy sơ Thùy cũng tranh thủ để giúp thêm các em. Địa hình xã đảo Tiên Hải khá phức tạp và phụ thuộc vào thời tiết rất nhiều. Muốn đi từ điểm trường chính đến điểm lẻ Hòn Giang phải đi xuồng máy tầm 30 phút.

Giáo viên ở các điểm lẻ hằng tuần, hằng tháng di chuyển sang điểm chính để họp và tham gia một số sinh hoạt của trường. Vào mùa mưa bão hay những ngày biển động mà theo ngôn ngữ của người dân địa phương là “trời thổi” thì việc đến lớp của các em đều bị ảnh hưởng. Hiện tại điểm trường Hòn Giang có 3 em bên Hòn Ụ, xã Tiên Hải sang học.

Theo sơ Thùy, lớp học của cô rất đặc biệt do phải đảm nhận nhiều trình độ trong một lớp cho nên cô phải soạn giáo án nhiều, sáng tạo và uyển chuyển trong cách tổ chức giờ học. “Vì đứng lớp cả ngày nên thời gian buổi tối hay ngày nghỉ, tôi tận dụng để soạn giáo án và hoàn thành một số nhiệm vụ của giáo viên. Các em học lớp ghép có nhiều thiệt thòi, các em lớp 1 cần nhiều sự quan tâm và hướng dẫn thì việc học lớp ghép mới bảo đảm chất lượng. Trình độ nào cũng có em học chậm hơn nên giáo viên cũng cần quan tâm những em học sinh đó”, sơ Thùy cho biết.

Trước khi ra xã đảo dạy học, sơ Thùy đã nghe nhiều về những khó khăn với giáo viên trước mình dạy học lớp ghép nơi đây, nhưng khi đi vào thực tế, sơ càng thấu hiểu những khó khăn của các thầy cô đã trải qua. “Các em đã chịu sự thiệt thòi của lớp ghép nên chắc chắn các em sẽ có những giới hạn và khả năng nhận thức. Với lương tâm của một nhà giáo, tôi sẽ cố gắng hết mình để giúp các em. Chính tinh thần ham học của các em, sự kiên nhẫn và tình thương tôi dành cho các em giúp tôi vượt qua khó khăn này”, sơ Ngô Thị Thùy chia sẻ.

Ở điểm trường lẻ, giáo viên được thu xếp 1 căn phòng để sinh hoạt hằng ngày, đặc thù trường ở đảo điều kiện khó khăn, hầu hết giáo viên chỉ có dạy và ở nhà làm việc gia đình chứ không làm việc gì thêm. Vì sống cùng với các em học sinh trên Hòn Giang cho nên gần như cả ngày các em đến với sơ Thùy.

Sơ cho biết, mình thấy vui và gần gũi khi cùng các em ở trường học bài, hoặc những lúc cùng các em đi bắt ốc, bơi chem chép, tập những bài múa hát sinh hoạt tập thể. Dù gắn bó chưa lâu nhưng điều đáng quý nhất mà cô cảm nhận được là sự đơn sơ, thân thiện của các em. “Những ngày mưa gió, các em vẫn mặc áo mưa đi học làm tôi rất cảm phục, ước muốn đi học của các em chính là động lực rất lớn để tôi thêm quyết tâm ở lại nơi đây. Tôi luôn trân trọng tình cảm của người dân, mỗi khi họ đi biển về được con cá, con mực,... họ mang đến biếu cô giáo. Họ đón nhận chúng tôi như là thành viên của gia đình vậy”, sơ Thùy nói.

Còn thầy Trương Tấn Hưng, giáo viên phụ trách điểm trường lẻ Hòn Đước cho biết mình thích nghề dạy học. Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Hà Nội năm 2016, thầy chuyển công tác ra đảo làm giáo viên tại Trường tiểu học và THCS Tiên Hải. Từ tháng 10/2022 thầy Hưng được điều động ra dạy lớp ghép 3 trình độ lớp 1+3+4 cho 14 em học sinh.

“Việc dạy học ở đảo khác và khó khăn hơn nhiều so với đất liền, 1 lớp học 3 trình độ. Chuyện đi lại, chỗ ở, ăn uống, còn khó khăn. Từ điểm lẻ Hòn Giang sang đây mất hơn 20 phút vượt sóng mới đến điểm lẻ Hòn Đước. Điểm lẻ này chơi vơi một phòng học duy nhất hướng ra biển. Mỗi lần về điểm chính để họp tôi phải đi nhờ sang đó, còn không thì phải thuê người chở sang trường chi phí cũng đến 100 nghìn đồng/lượt. Tuy nhiên, sau những lần đến gia đình học trò thăm khi các em không đến lớp, tôi thấy học sinh của mình còn khó khăn hơn mình bội phần. Có thể vì đồng cảm thầy trò “còn nhiều khó khăn” nên mình thương học trò nhiều lắm. Thấy các em đến lớp đều đặn, ham học, mừng muốn rơi nước mắt”, thầy Hưng nói.

Sau những lần đến gia đình học trò thăm khi các em không đến lớp, tôi thấy học sinh của mình còn khó khăn hơn mình bội phần. Có thể vì đồng cảm thầy trò “còn nhiều khó khăn” nên mình thương học trò nhiều lắm. Thấy các em đến lớp đều đặn, ham học, mừng muốn rơi nước mắt.

Thầy Trương Tấn Hưng, giáo viên phụ trách điểm trường lẻ Hòn Đước

“Do điểm lẻ có một phòng nghỉ ngay bên cạnh trường cho nên tôi sinh hoạt luôn ở đây sau những giờ trên lớp. Ban đêm tại điểm trường Hòn Đước rất cô quạnh do hầu hết nhà các em học sinh cách xa; ban đêm chỉ nghe tiếng chim kêu nên càng buồn hơn”, thầy Hưng cho biết.

“Mong muốn lớn nhất của chúng tôi lúc này là điểm trường được tu sửa lại cho khang trang hơn, hỗ trợ thêm đồ chơi ngoài trời, vì hơi nước mặn làm cho đồ chơi đang dần hư hại; các em ở điểm lẻ sau khi học xong tiểu học sẽ được tạo điều kiện để tiếp tục theo học lên cấp hai tại điểm trường chính, các em mầm non cũng có điều kiện học tốt hơn. Mỗi điểm trường lẻ cần có thêm một giáo viên để việc học có chất lượng hơn và bảo đảm sức khỏe cho giáo viên, cũng như được Nhà nước quan tâm hơn đến chế độ lương của giáo viên nơi biển đảo”, thầy Đỗ Quang Biên, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.