Đưa Quảng Trị bứt phá đi lên

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020-2025, với sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành linh hoạt, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Quảng Trị đã đạt những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Quang Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về những kết quả nổi bật sau nửa nhiệm kỳ và nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng (thứ ba từ phải sang) trò chuyện với cử tri ở thị xã Quảng Trị.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng (thứ ba từ phải sang) trò chuyện với cử tri ở thị xã Quảng Trị.

Phóng viên: Nửa nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đi qua, đất nước cũng như địa phương đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Từ góc độ nhiệm vụ chính trị của địa phương, xin đồng chí cho biết Quảng Trị phát huy những lợi thế như thế nào để từng bước hiện thực hóa mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 đề ra?

Đồng chí Lê Quang Tùng: Từ đầu nhiệm kỳ, trong bối cảnh tình hình xuất hiện những khó khăn, bất lợi lớn hơn so với dự báo, để khắc phục những khó khăn, thách thức chưa từng có như đại dịch Covid-19; trận lũ lịch sử năm 2020, lũ trái mùa..., Đảng bộ tỉnh Quảng Trị và cả hệ thống chính trị đã quán triệt nghiêm túc và thực hiện kịp thời chủ trương, nghị quyết của Đảng, phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, cộng đồng trách nhiệm, sáng tạo; tập trung lãnh đạo, điều hành tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp linh hoạt, phù hợp với bối cảnh tình hình mới; phấn đấu thực hiện các mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Bức tranh tổng thể kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Trị trong 2,5 năm thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp tiếp tục có bước chuyển biến, các chương trình phục hồi kinh tế-xã hội được thực hiện hiệu quả. Cơ bản các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế-xã hội đều được triển khai theo kế hoạch, có 10 trong số 15 chỉ tiêu dự báo đạt và vượt, có 5 chỉ tiêu sẽ phấn đấu hoàn thành vào cuối nhiệm kỳ. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 7%/năm (mục tiêu bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 7,5-8%). Nhiều chương trình, dự án động lực, trọng điểm của tỉnh đang được triển khai thực hiện...

Tỉnh Quảng Trị đã từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế trên 3 trụ cột chính, đó là công nghiệp-xây dựng, nông nghiệp và dịch vụ; trong đó, nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và công nghiệp năng lượng là lĩnh vực đột phá.

Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 15-CT/TU, ngày 27/4/2021 triển khai thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định mục tiêu, các chỉ tiêu, giải pháp cụ thể để phát triển công nghiệp năng lượng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đề xuất bổ sung công nghiệp năng lượng trên địa bàn tỉnh vào quy hoạch điện VIII. Đến nay, tổng công suất phát điện thương mại các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh đã lên đến 1.060 MW, tăng gấp 3 lần so với đầu nhiệm kỳ.

Để khai thác tiềm năng, lợi thế, thu hút đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh Quảng Trị đã hoàn thiện nội dung báo cáo Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng quy định của pháp luật và đề cương, nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao chất lượng Đồ án Quy hoạch tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo, hợp tác với tổ chức Singapore Cooperation Enterprise để xây dựng “Báo cáo nghiên cứu định vị kinh tế cấp cao tỉnh Quảng Trị”; hợp tác với Sakae Advisory-Surbana Jurong xây dựng “Ý tưởng Quy hoạch tỉnh Quảng Trị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và Tổ chức AVSE Global để tham gia phản biện Quy hoạch tỉnh...

Chỉ đạo tổ chức lập các quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung xây dựng các đô thị mới, quy hoạch chung xây dựng khu vực ven biển tỉnh Quảng Trị, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng các đô thị trên địa bàn tỉnh, điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Đông Nam, phân khu Khu kinh tế Đông Nam giai đoạn 2...

Nhằm mở rộng không gian phát triển về phía tây, thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về “phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng-an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”, tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với tỉnh Savannakhet (Lào) xây dựng đề án thí điểm xây dựng khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo (Việt Nam)-Đensavan (Lào) trình Chính phủ hai nước.

Phối hợp tư vấn Singapore giúp các tỉnh Savannakhet, Salavan, Champasak nước CHDCND Lào trong xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội để tạo cơ hội hợp tác phát triển giữa các địa phương của hai nước. Tỉnh Quảng Trị đã chú trọng tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng và hiệu quả thu hút đầu tư, huy động các nguồn vốn để triển khai thực hiện nhiệm vụ đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm như Cảng nước sâu Mỹ Thủy, Cảng hàng không Quảng Trị, đường cao tốc Cam Lộ-Lao Bảo... và các hạ tầng kết nối các hành lang và vùng kinh tế trọng điểm trong khu vực và của tỉnh.

Cùng với phát triển kinh tế-xã hội, Quảng Trị đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội; Ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Phóng viên: Xin đồng chí chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần đưa Nghị quyết của Đảng thật sự thấm sâu vào đời sống xã hội?

Đồng chí Lê Quang Tùng: Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị và kết quả đạt được trong nửa nhiệm kỳ qua, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo như sau:

Thứ nhất, trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện phải có quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, sáng tạo, chú trọng đổi mới phương thức, phương pháp lãnh đạo. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu gắn với thực hiện cam kết trách nhiệm, phát huy tinh thần nêu gương, kiên định mục tiêu, nỗ lực vượt khó.

Thứ hai, năng động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp điều kiện thực tiễn địa phương; phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh để phát triển. Thực hiện tốt phương châm “Nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng”. Tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương. Vận dụng linh hoạt các cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước để tập trung cải thiện môi trường đầu tư, khai thác tốt tiềm năng và huy động các nguồn lực của các thành phần kinh tế. Kết hợp phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo đảm quốc phòng-an ninh, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, chăm lo tốt hơn nữa đời sống của nhân dân.

Thứ ba, tăng cường hoạt động đối ngoại, mở rộng hợp tác kinh tế trong và ngoài nước nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đặc biệt là lợi thế của tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây là yếu tố cơ bản lâu dài để phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế sâu hơn.

Thứ tư, phát huy sức mạnh tổng hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội, bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị đề ra. Điều quan trọng là phải thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng bộ, củng cố hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong sạch, vững mạnh; chú trọng đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, bảo đảm yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.

Phóng viên: Vậy, đâu là những giải pháp để đạt được mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 đề ra, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Quang Tùng: Tuy Quảng Trị đã có nhiều cố gắng nhưng do vị trí địa kinh tế không được thuận lợi, xuất phát điểm thấp cho nên những kết quả kinh tế-xã hội của tỉnh vẫn chưa được như mong muốn. Vì vậy, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện có kết quả một số nhiệm vụ trọng tâm có tính chi phối, quyết định như sau góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội và tạo tiền đề cho nhiệm kỳ tới.

Kế thừa và phát huy những thành quả đạt được trong hơn hai năm qua, thời gian tới, tiếp tục quán triệt sâu sắc, thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, các nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Đẩy mạnh hơn nữa thực hiện 9 nhóm chương trình, dự án trọng điểm, ngành, lĩnh vực ưu tiên mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã xác định để tập trung hoàn thành.

Tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, để người dân thực sự thụ hưởng từ thành quả của công cuộc đổi mới và phát triển. Tập trung hoàn thành các giải pháp cần thiết để đạt các chỉ tiêu kinh tế-xã hội; củng cố vững chắc quốc phòng-an ninh. Thực hiện tinh thần chính quyền địa phương kiến tạo, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường chuyển đổi số.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai và giải ngân các dự án đầu tư. Trong đó, ưu tiên sớm triển khai thi công các dự án giao thông có tính kết nối, nhất là các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh như Khu bến cảng Mỹ Thủy, Quốc lộ 15D, đường cao tốc Cam Lộ-Lao Bảo, đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông-Tây, đường tránh phía đông thành phố Đông Hà, Cảng hàng không Quảng Trị... Thực hiện bảo đảm tiến độ triển khai dự án cao tốc đoạn Cam Lộ-Vạn Ninh. Tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư để khởi công và sớm đưa Khu công nghiệp Quảng Trị vào hoạt động...

Đồng thời tăng cường xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh toàn diện. Tiếp tục phát huy cao độ các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng hào hùng của quê hương, khơi dậy khát vọng vươn lên, như lời nhắn nhủ tâm huyết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị trong một lần về thăm tỉnh, đó là: “Với Quảng Trị, truyền thống cách mạng anh hùng cũng là một nguồn lực, động lực để thúc đẩy phát triển; Đảng bộ tỉnh phải thực sự là hạt nhân, là đầu tàu, phải là một “lũy thép” vững vàng, đoàn kết thống nhất cao để đưa Quảng Trị bứt phá đi lên”. Đó là cơ sở, niềm tin để quyết tâm phấn đấu xây dựng Quảng Trị sớm trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước vào năm 2025, tỉnh khá vào năm 2030 như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã xác định.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!