Chuyển biến tích cực trong chuyển đổi số ở Bình Phước

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ 11 xác định: Một trong những nhiệm vụ đột phá chiến lược đưa Bình Phước chuyển từ vị trí “dự trữ phát triển” thành “động lực phát triển” thật sự của vùng Đông Nam Bộ là tập trung cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao tính tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập và xã hội hóa dịch vụ công…
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn viên thanh niên tỉnh Bình Phước hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng định danh điện tử.
Đoàn viên thanh niên tỉnh Bình Phước hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng định danh điện tử.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt được những kết quả tích cực, nhất là hai kế hoạch cao điểm: Chiến dịch “50 ngày đêm” năm 2021 đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và Chiến dịch “92 ngày đêm” năm 2022 nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng 24 dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển chính quyền số.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh cho biết: Qua các chiến dịch, từ kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia ở vị trí thứ 47/63 tỉnh, thành phố, tỉnh đã rà soát, kết nối thành công 1.468 dịch vụ công lên Cổng dịch vụ công quốc gia và hiện xếp thứ tư cả nước. Về cấp bản sao chứng thực điện tử, từ tỉnh chưa có hồ sơ cấp bản sao chứng thực điện tử từ bản chính thành công, chỉ từ đầu tháng 4/2021 đến giữa tháng 5/2021 Bình Phước đã cấp được hơn 1.400 hồ sơ chứng thực điện tử, trở thành tỉnh có kết quả tốt thứ 2 trong số 63 tỉnh, thành phố về cung cấp dịch vụ này.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bình Phước đã tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính đạt hơn 98%; tỷ lệ giải quyết dịch vụ công trực tuyến phát sinh đạt mức xấp xỉ 100%. Bình Phước cũng tự hào khi là tỉnh biên giới nhưng đã thực hiện thanh toán trực tuyến, đạt tỷ lệ cao, trong tất cả dịch vụ công của tỉnh đã tích hợp thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Nhờ thực hiện cải cách cho nên các thủ tục hành chính được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết, công khai, minh bạch, nhất là các thủ tục liên quan đến đầu tư sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã thu hút đầu tư trong nước được 157 dự án/tổng số vốn đăng ký 28.929 tỷ đồng; thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) được 110 dự án/tổng số vốn 1.272 triệu USD, lũy kế toàn tỉnh có 378 dự án FDI, với tổng số vốn hơn bốn tỷ USD.

Theo ông Nguyễn Minh Chiến, Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Phước, tỉnh không chỉ hấp dẫn nhà đầu tư bởi các yếu tố khách quan như mặt bằng, vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh mà đang dần thu hút bởi những chính sách đầu tư hấp dẫn, thông thoáng và an toàn. Tỉnh quy hoạch các vùng công khai rộng rãi để doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI biết, lựa chọn lĩnh vực đầu tư phù hợp. Cải cách thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn, hiện đại, rút ngắn tối đa thời gian giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi nhất khi doanh nghiệp đến đầu tư tại tỉnh.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bình Phước thu hút được hơn 630 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, lọt vào tốp 10 địa phương thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước. Đáng chú ý, trong bối cảnh hiện nay, Bình Phước đón một dự án vốn FDI lên đến 500 triệu USD, đây là một trong những tín hiệu tích cực trong thu hút đầu tư của tỉnh.

Trên nền tảng cổng dịch vụ công duy nhất dùng chung có ba cấp, kết nối đồng bộ hồ sơ với Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% các trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, huyện và một cửa điện tử 111 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có bố trí đầy đủ trang thiết bị cơ sở vật chất các quầy cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính.

Nhờ đó, người dân và doanh nghiệp rất hài lòng khi thực hiện các thủ tục; cán bộ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả hết sức thuận lợi. Tuy nhiên, do trình độ chuyên môn và các yếu tố khách quan cho nên vẫn còn tình trạng hồ sơ thủ tục hành chính trễ hẹn, hồ sơ còn bị trả hoặc bổ sung, nhất là cấp huyện.

Tính từ đầu tháng 1/2020 đến hết tháng 6/2023, một số đơn vị đang có hồ sơ giải quyết quá hạn nhiều như: Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Đồng Phú trễ hẹn 10.870 hồ sơ; Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Chơn Thành trễ 10.607 hồ sơ. Bên cạnh đó, một số bộ phận một cửa chưa nghiêm túc thực hiện số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên hệ thống dịch vụ công, dẫn đến tỷ lệ số hóa hồ sơ thấp.

Để giải quyết những khó khăn, hạn chế trong chuyển đổi số, Bình Phước đang chỉ đạo các cấp đẩy mạnh kiểm soát thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; nâng cao hiệu quả tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả cho người dân, doanh nghiệp, bảo đảm không để tình trạng hồ sơ trễ hạn.

Đồng thời, tỉnh yêu cầu người đứng đầu các đơn vị kịp thời biểu dương, khen thưởng cũng như xử lý khi có sai phạm trong thực hiện nhiệm vụ về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp theo hướng việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời. Đẩy mạnh chuyển đổi số, giải quyết thủ tục hành chính trên nền tảng số đang giúp Bình Phước gỡ bỏ những rào cản, nút thắt trong thu hút đầu tư và đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư vốn FDI.