Giá vàng ngày 28/7 đột ngột lao dốc

NDO - Giá vàng hôm nay 28/7 giảm mạnh xuống 1.948 USD/ounce do một số dữ liệu lạc quan của kinh tế Mỹ vừa được công bố. Trong nước, giá vàng SJC giao dịch sát ngưỡng 67,3 triệu đồng/lượng.
0:00 / 0:00
0:00
(Ảnh: Reuters)
(Ảnh: Reuters)

Giá vàng trong nước hôm nay giảm cùng chiều thế giới

Giá vàng trong nước ngày 28/7 giảm cùng chiều thế giới, giao dịch quanh ngưỡng 67,2 triệu đồng/lượng.

Cụ thể, tính đến 15 giờ hôm nay, giá vàng DOJI tại Hà Nội niêm yết ở mức 66,55 triệu đồng/lượng mua vào và 67,25 triệu đồng/lượng bán ra, đứng yên so hôm trước.

Giá vàng ngày 28/7 đột ngột lao dốc ảnh 1
Thống kê giá vàng của Công ty cổ phần Dịch vụ trực tuyến Rồng Việt VDOS - Cập nhật lúc 15 giờ ngày 28/7/2023.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, giá vàng thương hiệu này, mua vào ở mức tương tự, song bán ra thấp hơn 50.000 đồng so khu vực Hà Nội.

Trong khi đó, giá vàng SJC sáng nay niêm yết mua vào-bán ra ở mức 66,65-67,27 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng so ngày hôm qua.

Vàng PNJ đang mua vào ở mức 56 triệu đồng/lượng và bán ra mức 57,1 triệu đồng/lượng, giảm lần lượt 300.000 đồng và 200.000 đồng so ngày trước đó.

Giá vàng thế giới hôm nay lao dốc

Giá vàng thế giới hôm nay 28/7 quay đầu giảm với vàng giao ngay giảm 23,7 USD xuống 1.948 USD/ounce. Vàng tương lai tháng 8 giao dịch lần cuối ở mức 1.946,1 USD/ounce giảm 26,4 USD so phiên giao dịch trước đó.

Giá vàng sáng 28/7 giảm mạnh, chạm mức thấp nhất 2 tuần, xóa sạch mức tăng khiêm tốn ngày hôm qua. Dữ liệu kinh tế lạc quan của Mỹ được công bố vào sáng nay đã đánh bại kỳ vọng của thị trường khiến vàng thế giới quay đầu giảm giá.

Giá vàng ngày 28/7 đột ngột lao dốc ảnh 2
Biểu đồ giá vàng sáng 28/7. (Ảnh: kitco.com)

Hôm qua, Bộ Thương mại Mỹ công bố số liệu Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2 cho thấy, nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt mức tăng trưởng 2,4% so cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so mức dự báo 2% mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của Dow Jones.

Trong khi đó, đơn đặt hàng hóa lâu bền của Mỹ tăng 4,7% trong tháng 6, cao hơn rất nhiều so kỳ vọng 1,5%. Ngoài ra, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hằng tuần của Mỹ thấp hơn dự kiến. Số liệu kinh tế tích cực đã khiến đồng USD tăng mạnh.

Báo cáo GDP cũng cho thấy sức ép giá cả tiếp tục dịu đi. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát được FED ưa chuộng, tăng 2,6% trong quý 2. Con số này thấp hơn mức dự báo tăng 3,2% mà các nhà kinh tế học đưa ra, và giảm mạnh so mức tăng 4,1% ghi nhận trong quý 1.

Dữ liệu kinh tế của Mỹ vào sáng nay cho thấy thị trường có thể cần thêm một đợt tăng lãi suất nữa để tiếp tục hạ nhiệt nền kinh tế. Kịch bản này sẽ đẩy “đồng bạc xanh” và lợi suất trái phiếu lên cao, đồng thời gây bất lợi cho kim loại quý.

Sau cuộc họp về chính sách tiền tệ ngày 25-26/7 vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã chính thức tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm (25 điểm cơ bản), nâng lãi suất cho vay cơ bản của FED lên ngưỡng 5,5%, mức cao nhất trong vòng 22 năm trở lại đây.

Chủ tịch FED Jerome Powell nói rằng, tại thời điểm này, FED có khả năng sẽ tăng hoặc giữ nguyên lãi suất vào tháng 9 tùy thuộc vào các dữ liệu kinh tế sắp tới. Thị trường vàng không có phản ứng lớn sau những bình luận trung lập của Chủ tịch FED. Quan điểm chính sách tiền tệ của FED được cho là không cứng rắn như các nhà đầu tư dự đoán.

Giá vàng ngày 28/7 đột ngột lao dốc ảnh 3 Giá vàng ngày 28/7 đột ngột lao dốc ảnh 4
Biểu đồ giá vàng trong nước và thế giới 30 ngày gần nhất. (Ảnh: SJC Hà Nội, Kitco News)

Chính vì vậy, đà tăng của giá vàng hôm qua nhanh chóng biến mất sau khi một số dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ vừa công bố đã cho thấy sự lạc quan, vượt qua kỳ vọng của thị trường.

Hôm nay, chỉ số USD-Index tăng 0,81% đạt mốc 101,69; chứng khoán Mỹ sụt giảm mạnh do thông tin tích cực từ nền kinh tế; giá dầu tăng lên mức cao nhất 4 tháng do nguồn cung khan hiếm và nhu cầu tăng cao.