Cân nhắc khi sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt

Việc thiết kế chính sách thuế cần những giải pháp hài hòa để giúp tăng thu ngân sách, nhưng vẫn hỗ trợ được doanh nghiệp trong nước phục hồi, phát triển và nuôi dưỡng nguồn thu trong tương lai.
0:00 / 0:00
0:00
Các loại hình game online thu hút nhiều người chơi, đặc biệt là giới trẻ. (Ảnh MINH TUẤN)
Các loại hình game online thu hút nhiều người chơi, đặc biệt là giới trẻ. (Ảnh MINH TUẤN)

Bộ Tài chính đã có tờ trình Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Trong đó có nội dung đưa các loại hàng hóa, dịch vụ như nước giải khát có đường, thức uống đại mạch, nước giải khát không cồn, kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng (game online)... vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; đồng thời điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, rượu, bia...

Doanh nghiệp lo thua lỗ ngay trên sân nhà

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, đại diện Liên minh Các nhà sản xuất và phát hành game Việt Nam cho biết, Đông Nam Á được xem là thị trường mới nổi của ngành game với số lượng người dùng internet lớn và đang tăng nhanh. Giai đoạn 2020-2025, ước tính doanh thu ngành game có mức tăng trưởng trung bình 8,2%/năm, riêng mức tăng trưởng của Việt Nam đạt khoảng 9%/năm. Tuy có tăng trưởng cao hơn mức độ trung bình của khu vực và có lượng người dùng lớn, nhưng doanh thu ngành game Việt Nam vẫn nhỏ so với tiềm năng thị trường.

Theo ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến VNGGames, một trong những lý do khiến ngành game Việt Nam chưa có chỗ đứng là vì trên thế giới, nhiều quốc gia đã phát triển ngành game là trụ cột trong ngành nội dung số, kinh tế số, thu hút khoảng 3,2 tỷ người chơi game, thúc đẩy xuất khẩu văn hóa và đem lại tổng doanh thu 184 tỷ USD vào năm 2022. Tại Việt Nam, xã hội và cộng đồng vẫn dành cho game cái nhìn thiếu thiện cảm và không được khuyến khích phát triển như các ngành giải trí, sáng tạo nội dung số.

Ông Thắng cho biết thêm, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trò chơi trực tuyến tại Việt Nam đang phải chịu sự cạnh tranh không lành mạnh từ các công ty nước ngoài. Bởi lẽ đây là ngành kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp trong nước phải đáp ứng các yêu cầu kiểm soát về nội dung và thuế nhưng game lậu từ nước ngoài vào không phải thực hiện bất cứ nghĩa vụ nào. Các doanh nghiệp game Việt Nam lo ngại nếu phải chịu thêm thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ dẫn tới "bảo hộ ngược", doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất hoàn toàn khả năng cạnh tranh trên chính sân nhà.

Không chỉ tác động lớn đến ngành nghề mới, việc điều chỉnh nội dung chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt còn có khả năng gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất rượu, bia có bề dày phát triển trăm năm với hệ thống các nhà máy trải dài trong cả nước, tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động trong chuỗi giá trị lên đến 9.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng với khoảng một triệu hộ kinh doanh.

Theo Hiệp hội Rượu, bia, nước giải khát Việt Nam, các doanh nghiệp trong ngành đang bị ảnh hưởng bởi lạm phát; giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng và thực hiện trách nhiệm tái chế bao bì từ đầu năm 2024. Trong bối cảnh đó, việc áp dụng sắc thuế mới theo hướng bổ sung thêm sản phẩm vào danh mục chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và tăng thuế suất đối với sản phẩm rượu, bia sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phục hồi của doanh nghiệp và mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế.

Cần có lộ trình phù hợp

Trước đề xuất của cơ quan soạn thảo về thay đổi phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, mỗi phương pháp tính thuế tuyệt đối, tương đối, hỗn hợp đều có những ưu, nhược điểm nhất định, cơ quan tham mưu cần nghiên cứu kỹ lưỡng về điều kiện cần và đủ, phân tích rõ và đánh giá bài toán lợi ích và chi phí... làm cơ sở đề xuất áp dụng phương pháp tính thuế phù hợp nhất trong từng giai đoạn phát triển.

Ông Phụng cảnh báo, đối với môi trường kinh doanh, thuế tuyệt đối có thể tạo cơ hội cho việc phát sinh các hành vi lũng đoạn thị trường, tình trạng "cá lớn nuốt cá bé" hoặc một số thương hiệu ngoại nhập có thể làm triệt tiêu một số mặt hàng, hoặc ngành nghề truyền thống của địa phương nếu như công tác quản lý thị trường còn hạn chế.

"Tôi đề xuất tiếp tục duy trì phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia theo tỷ lệ phần trăm và cân nhắc điều chỉnh tăng thuế suất theo lộ trình phù hợp với nhịp của thị trường và sức khỏe của doanh nghiệp", ông Nguyễn Văn Phụng nhận định.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) nếu được áp dụng thời điểm này sẽ khiến giá trị sản xuất của 21 ngành hàng liên quan giảm khoảng 0,008%. Trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn như hiện nay, việc áp thêm trách nhiệm thuế cho doanh nghiệp là chưa hợp lý.

Lo lắng việc thay đổi chính sách thuế sẽ có tác động làm phát sinh thêm thủ tục hành chính và tăng chi phí đầu vào, các doanh nghiệp trong ngành rượu, bia, nước giải khát đề nghị Chính phủ chưa nên đề xuất sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, ít nhất trong thời gian từ nay đến năm 2025 và ổn định chính sách thuế như hiện nay để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, hướng đến giai đoạn phục hồi và phát triển.

Trong khi đó, các doanh nghiệp ngành game kiến nghị không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với trò chơi trực tuyến. Đây cũng là cách làm phù hợp thông lệ quốc tế vì hiện không có quốc gia nào đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành game, thay vào đó là cơ chế kiểm soát về nội dung hoặc cơ chế kiểm soát thời gian chơi game. Chính sách này cũng phù hợp bối cảnh Việt Nam đang thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, đặt ra mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số đạt 20% GDP và tăng lên tỷ trọng 30% vào năm 2030.

Tại các cuộc tọa đàm khoa học lấy ý kiến xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) diễn ra gần đây, các chuyên gia kinh tế, đại diện doanh nghiệp các ngành hàng chịu tác động trực tiếp đều thống nhất cho rằng, việc thiết kế chính sách thuế cần những giải pháp hài hòa để vừa giúp tăng thu ngân sách, đồng thời vẫn hỗ trợ được doanh nghiệp trong nước phục hồi, phát triển và nuôi dưỡng nguồn thu trong tương lai.