Xây dựng mô hình xử lý môi trường trong chăn nuôi bò sữa kết hợp mô hình du lịch sinh thái tại HTX Hiệp Thư-Phù Đổng Green Park, huyện Gia Lâm

Hiện nay, du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, du lịch ở các miền quê đang được coi là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho cư dân địa phương. Điểm du lịch tại địa phương không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái mà còn bảo tồn phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Xây dựng mô hình xử lý môi trường trong chăn nuôi bò sữa kết hợp mô hình du lịch sinh thái tại HTX Hiệp Thư-Phù Đổng Green Park, huyện Gia Lâm

Nằm ở phía bắc huyện Gia Lâm, xã Phù Đổng là vùng đất cổ trong hành lang “Tam Cổ” (Cổ Loa, Cổ Pháp, Cổ Bi). Nhờ đó, Phù Đổng mang trong mình lớp trầm tích văn hóa được bồi lắng qua nhiều thế hệ với những phong tục, tập quán truyền thống phong phú. Cùng bề dày văn hóa lịch sử, Phù Đổng sở hữu điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển du lịch.

Phù Đổng là quê hương của Đức Thánh Gióng-một trong “Tứ bất tử” theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Linh hồn của hệ thống di sản nơi đây là Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc đã được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2010) và được đánh giá là bảo tàng văn hóa của Việt Nam lưu giữ nhiều lớp phù sa văn hóa tín ngưỡng.

Phù Đổng là xã chăn nuôi bò sữa quy mô lớn (khoảng 2.000-3.000 con bò). Dù tốc độ đô thị hóa đang diễn ra chóng mặt nhưng người dân Phù Đổng vẫn giữ nguyên đàn bò sữa gây dựng hơn 20 năm nay nhờ nguồn thu ổn định mang lại. Tuy nhiên, hệ lụy của nghề nuôi bò sữa đối với môi trường không hề nhỏ khi lượng phân thải trong chăn nuôi bò sữa lên đến 15-20 tấn/ngày.

Trước đây, vấn đề chất thải từ đàn bò này luôn là nỗi lo của người dân và chính quyền địa phương. Ngoài một số hộ dân sử dụng hầm biogas, hầu hết lượng phân thải ra ao, hồ, mương, rãnh, ven đê gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan nghiêm trọng. Việc áp dụng các mô hình để xử lý dứt điểm lượng phân này là một đòi hỏi thiết yếu.

Xuất phát từ thực trạng đó, qua nghiên cứu, tìm hiểu, cuối năm 2014, một số người dân đã liên kết, thành lập hợp tác xã Phát triển nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Hiệp Thư (HTX Hiệp Thư).

Xây dựng mô hình xử lý môi trường trong chăn nuôi bò sữa kết hợp mô hình du lịch sinh thái tại HTX Hiệp Thư-Phù Đổng Green Park, huyện Gia Lâm ảnh 1

Ban đầu, dự án được triển khai với mục tiêu xử lý chất thải trong chăn nuôi bò sữa bằng nuôi giun quế với công nghệ khép kín để bảo vệ môi trường, sử dụng đất hiệu quả. Sau 3 năm đi vào hoạt động, HTX đã thu được những hiệu quả từ giun quế, tạo sản phẩm hữu cơ chất lượng cao, nâng cao chất lượng sử dụng đất, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, không những thế còn góp phần bảo vệ môi trường, tạo môi trường sống “xanh-sạch-đẹp” cho địa phương vì đã xử lý khối lượng lớn phân của đàn bò sữa.

Nhận thấy Phù Đổng có nhiều lợi thế để phát triển mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm học tập cho học sinh, từ 2016-2020 HTX Hiệp Thư đã xử lý cải tạo môi trường, đầu tư xây dựng khu vực ao, đầm lầy thôn Phù Dực 1, Phù Dực 2 thành Khu sinh thái Phù Đổng Green Park với quy mô 15,6ha nhằm phục vụ nhu cầu học tập, thăm quan trải nghiệm sinh thái kết hợp du lịch tâm linh di tích Đền Gióng Phù Đổng.

Phù Đổng Green Park được thực hiện trên tâm nguyện “Kết tinh trí tuệ-Trạo trọn yêu thương”, đem đến cho du khách chương trình du lịch trải nghiệm linh hoạt,du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, gắn kết chuỗi du lịch địa phương như Làng gốm Bát Tràng, Đền bà chúa Tấm, Khu di tích Đền Gióng-Phù Đổng, Làng nghề hoa giấy Phù Đổng, Làng nghề vải Ninh Hiệp, Đền Đô, chùa Phật Tích.

Xây dựng mô hình xử lý môi trường trong chăn nuôi bò sữa kết hợp mô hình du lịch sinh thái tại HTX Hiệp Thư-Phù Đổng Green Park, huyện Gia Lâm ảnh 2

Phù Đổng Green Park được triển khai trên khuôn viên rộng 15ha, với không gian gần gũi với thiên nhiên, thoáng đãng, trong lành, bao phủ bởi hệ thống cây xanh đến 90% diện tích, được ví như lá phổi xanh của Phù Đổng. Ẩm thực phong phú, đa dạng, tinh tế cùng với các món ăn dân gian địa phương, nổi bật là mâm cơm Làng Gióng. Là điểm đến tham quan trải nghiệm bổ ích cho hàng nghìn du khách thập phương, cũng là điểm thăm quan học tập trải nghiệm cho hàng vạn học sinh trong và ngoài tỉnh.

Tại đây có các khu chính: Khu giáo dục trải nghiệm dành cho học sinh, Khu trải nghiệm sinh thái dành cho các công ty, doanh nghiệp tổ chức sự kiện và Khu du lịch tâm linh kết nối với các di tích trên địa bàn, khu nuôi giun công nghệ cao, khu sản xuất hoa cao cấp trong nhà lưới, nhà kính. Khu sinh thái Phù Đổng Green Park góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, thúc đẩy việc phát triển các sản phẩm OCOP của xã.

Đây là mô hình kinh tế có quy mô phù hợp đặc điểm phát triển kinh tế của địa phương và đầu tư sản xuất để tạo ra các sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường.