Cùng với đó, tỉnh tổ chức rà soát các cấp độ quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng đã được lập, phê duyệt trên địa bàn đồng thời với việc rà soát các dự án chậm triển khai, dự án đã bị thu hồi để điều chỉnh quy hoạch theo quy định pháp luật; rà soát, bổ sung nội dung về quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị (nếu có); bảo đảm sự thống nhất giữa các cấp độ quy hoạch để thực hiện quản lý phát triển đô thị và lập dự án đầu tư xây dựng hiệu quả, đồng bộ.
Đồng thời, tỉnh khẩn trương tổ chức lập, phê duyệt, trình phê duyệt các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo quy định pháp luật, làm cơ sở đề xuất và lập dự án đầu tư xây dựng.
Có thể thấy rằng Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có chỉ đạo cần thiết và kịp thời trong bối cảnh công tác quy hoạch và quản lý xây dựng trên địa bàn đã và đang gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, dù đã đạt được khá nhiều kết quả tích cực nhưng theo Sở Xây dựng tỉnh, công tác quản lý quy hoạch xây dựng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập như: Việc lập, trình phê duyệt một số đồ án quy hoạch xây dựng và hồ sơ khu vực phát triển đô thị còn chậm, chưa bảo đảm tiến độ yêu cầu; năng lực của các đơn vị tư vấn còn yếu cho nên chất lượng sản phẩm hạn chế, phải chỉnh sửa nhiều lần; quy trình thông qua các cấp còn phức tạp...
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều trở ngại trong các thủ tục thực hiện báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế-kỹ thuật, kiểm tra công tác quản lý chất lượng hoặc nghiệm thu công trình xây dựng, công tác bảo hành, bảo trì, sử dụng công trình... Những vướng mắc này vẫn chưa được khắc phục, gây chậm trễ tiến độ công việc, tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng.
Cùng với đó, tình trạng chồng chéo giữa các loại quy hoạch (quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch nông thôn mới...); vẫn còn không ít “dự án treo”, “quy hoạch treo” kéo dài nhiều năm; khiến nhiều người dân rơi vào cảnh khốn khổ, bức bách trong cuộc sống, không được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp.
Theo Bộ Xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng là căn cứ quan trọng để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển cho các đô thị, nông thôn và khu chức năng. Quản lý tốt công tác quy hoạch và xây dựng sẽ tạo thuận lợi cho việc khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh của từng ngành, từng địa phương trong nhiệm vụ thu hút các nguồn lực phục vụ đầu tư phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Trong đó, việc làm tốt công tác quy hoạch xây dựng sẽ góp phần đáng kể vào việc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 469/CĐ-TTg ngày 25/5/2023.
Vì vậy, việc lập, điều chỉnh, phê duyệt các cấp độ quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng cần có sự đồng bộ, thống nhất, như: Phạm vi, quy mô khu vực phát triển đô thị được lập, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết cần phù hợp với định hướng phát triển không gian theo quy hoạch chung đã được phê duyệt; chỉ tiêu sử dụng đất tại quy hoạch chung phải phù hợp với quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng; vị trí, quy mô hệ thống công trình dịch vụ-công cộng, nhất là hệ thống công viên cây xanh công cộng, cần thống nhất giữa các cấp độ quy hoạch; quy mô dân số tại quy hoạch chi tiết phải phù hợp với chỉ tiêu dân số được phân bổ tại quy hoạch phân khu; cần đề xuất cụ thể nội dung về quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị...
Bên cạnh đó, phải chọn được các đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm (thông qua thi tuyển thiết kế hoặc đấu thầu) để thực hiện nhiệm vụ lập đồ án quy hoạch; đồng thời, chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học-công nghệ vào công tác quản lý quy hoạch xây dựng. Ngoài ra, công tác lập và công bố quy hoạch phải minh bạch, công khai; không để lợi dụng trục lợi, lợi ích nhóm... trong việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy hoạch được duyệt.