Giá vàng ngày 28/6 đồng loạt giảm trước áp lực lạm phát

NDO - Trước áp lực lạm phát và các đợt tăng lãi suất vào tháng 7 tới, giá vàng hôm nay (28/6) giảm xuống 1.915,3 USD/ounce. Trong nước, giá vàng mất mốc 67 triệu đồng/lượng ngày thứ 2 liên tiếp.
0:00 / 0:00
0:00
(Ảnh: THÀNH ĐẠT)
(Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Giá vàng trong nước hôm nay

Giá vàng trong nước sáng nay giao dịch dưới mốc 67 triệu đồng/lượng.

Cụ thể, tính đến 9 giờ 30 phút sáng nay, giá vàng thương hiệu DOJI tại Hà Nội niêm yết ở mức 66,35 triệu đồng/lượng mua vào và 66,95 triệu đồng/lượng bán ra. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, vàng thương hiệu này đang mua vào mức tương tự nhưng bán ra thấp hơn 50.000 đồng/lượng so khu vực Hà Nội.

Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh đang mua vào mức 66,35 triệu đồng/lượng.

Ở chiều bán ra, tại Hà Nội và Đà Nẵng, vàng SJC đang giao dịch ở mức 66,97 triệu đồng/lượng, cao hơn 20.000 đồng (66,95 triệu đồng/lượng) so giá giao dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Vàng PNJ đang mua vào ở mức 55,3 triệu đồng/lượng và bán ra mức 56,45 triệu đồng/lượng, giảm 150.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so ngày hôm trước.

Giá vàng thế giới hôm nay

Sáng nay, giá vàng thế giới niêm yết trên Kitco diễn biến đảo chiều với vàng giao ngay giảm 7,5 USD/ounce xuống 1.915,3 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 1.923,8 USD/ounce, giảm 9,2 USD so sáng hôm qua.

Giá vàng có nguy cơ xuống dưới 1.900 USD trong ngắn hạn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng cường cuộc chiến lạm phát với các đợt tăng lãi suất vào tháng 7 tới.

Giá vàng ngày 28/6 đồng loạt giảm trước áp lực lạm phát ảnh 1
Biểu đồ giá vàng ngày 28/6. (Ảnh: kitco.com)

Dữ liệu vĩ mô mới nhất của Mỹ đã củng cố khả năng tăng lãi suất của FED. Cụ thể, báo cáo niềm tin người tiêu dùng của Conference Board trong tháng 6 đã tăng lên 109,7, mức cao nhất kể từ tháng 1/2022. Điều này đã đẩy các dự báo về suy thoái kinh tế ra xa hơn, hỗ trợ cho một đợt tăng 25 điểm cơ bản khác của Fed.

Các dữ liệu khác, bao gồm các đơn đặt hàng hóa lâu bền của Hoa Kỳ tăng nhiều hơn dự kiến và doanh số bán nhà mới tăng vọt trong tháng 5, cũng là cơ sở khẳng định khả năng FED sẽ tăng lãi suất trong tương lai.

Công cụ CME FedWatch cho thấy, 77% khả năng FED sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào tháng 7. Các chuyên gia kinh tế cho biết, mức tăng trong tháng 7 sẽ thấp hơn đáng kể so mức dự báo trước đó.

Tại châu Âu, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde cảnh báo rằng, lạm phát hiện đang ở giai đoạn mới và có thể kéo dài trong một thời gian, báo hiệu nhiều đợt tăng lãi suất sắp tới.

Trừ phi có thay đổi quan trọng đối với triển vọng kinh tế, nếu không chúng tôi sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 7 này, bà Christine Lagarde cho biết thêm.

Kỳ vọng của thị trường cho thấy lãi suất của ECB đạt mức cao nhất là 4%, điều đó có nghĩa là có thể có thêm đợt tăng lãi suất vào mùa hè và mùa thu tới.

Nhà phân tích Thu Lan Nguyen của Commerzbank cho biết: “Kỳ vọng về các đợt tăng lãi suất tiếp theo, đặc biệt là ở Mỹ, có thể sẽ tiếp tục làm giảm tâm lý trên thị trường vàng”.

Ngoài ra, tại Hội nghị ngân hàng Trung ương diễn ra tại thành phố Sintra, Bồ Đào Nha vào tuần này, Chủ tịch FED Jerome Powell có thể sẽ tiếp tục quan điểm cứng rắn về chính sách tiền tệ.

Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA cho biết, tình hình khá xấu đối với vàng kể từ đầu tháng 5 và nếu FED tiếp tục lộ trình thắt chặt tiền tệ, giá vàng có thể bị đẩy xuống mốc 1.900 USD/ounce.