Sản phẩm OCOP thúc đẩy nông dân đổi mới, sáng tạo

Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, tỉnh Ninh Bình đã phát triển được 101 sản phẩm OCOP, trong đó có 68 sản phẩm 4 sao, 33 sản phẩm 3 sao. Chương trình OCOP đã làm thay đổi tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy nông dân đổi mới, sáng tạo với nhiều cách làm hay, cần nhân rộng.
0:00 / 0:00
0:00
Sản phẩm ruốc cá Ninh Bình đạt chứng nhận OCOP 4 sao. (Ảnh LÊ HỒNG)
Sản phẩm ruốc cá Ninh Bình đạt chứng nhận OCOP 4 sao. (Ảnh LÊ HỒNG)

Xã Đồng Phong là vùng bán sơn địa ở huyện Nho Quan (Ninh Bình), có đồng đất pha sỏi, độ phì nhiêu kém, sản xuất gặp nhiều khó khăn. Những năm gần đây, người dân nơi này đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ổi lê Đài Loan (Trung Quốc) theo hướng thương hiệu. Ban đầu, xã chỉ có bảy hộ trồng ổi với diện tích 2ha, mang lại thu nhập tăng tới 350 triệu đồng/ha, hơn hẳn trồng lúa, trồng màu.

Chất lượng canh tác vượt trội, hiệu quả kinh tế cao, người dân ở đây đã mở rộng quy mô trồng ổi lê Đài Loan lên 20ha, chỉ tính riêng năm 2022, tổng doanh thu đạt bảy tỷ đồng. Được hỗ trợ của chính quyền và ngành chức năng, sản phẩm ổi lê Đài Loan ở Đồng Phong đã được tỉnh Ninh Bình cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Phong, Đồng Văn Đông cho biết: Từ khi sản phẩm ổi lê Đài Loan ở Đồng Phong có thương hiệu OCOP 3 sao, được dán nhãn truy xuất nguồn gốc, đã nâng tầm giá trị nông sản của xã. Đó là “giấy thông hành” để sản phẩm chiếm lĩnh thị trường trong nước, gây dựng niềm tin với người tiêu dùng, mở ra hướng phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, hàng hóa cho huyện miền núi Nho Quan vốn còn nhiều khó khăn.

Sản phẩm OCOP khác đạt chứng nhận bốn sao là "Thịt chưng mắm tép Thanh Nguyễn". Chị Nguyễn Thị Lệ Thanh, chủ cơ sở sản xuất mắm tép Thanh Nguyễn cho biết: Qua tìm tòi, sáng tạo, cơ sở đã phát triển thành công sản phẩm, trở thành sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Ninh Bình. Hiện nay, "Thịt chưng mắm tép Thanh Nguyễn" có đủ điều kiện cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài tỉnh, được tiêu thụ với số lượng lớn. Cơ sở của chị Thanh đang xây dựng kế hoạch mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, góp phần hoàn thành một trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình, Phạm Văn Trung cho biết: Chương trình OCOP được tỉnh Ninh Bình triển khai một cách đồng bộ từ nhiều năm qua, theo hướng thực chất, hiệu quả.

Đáng chú ý là tỉnh Ninh Bình đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn giai đoạn 2022-2025, trong đó có chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP như: Hỗ trợ chi phí cho chủ thể chuẩn hóa, phát triển sản phẩm OCOP 3 sao là 75 triệu đồng/sản phẩm; OCOP 4 sao được hỗ trợ 85 triệu đồng/sản phẩm; OCOP 5 sao được hỗ trợ 100 triệu đồng/sản phẩm. Đối với sản phẩm nâng hạng sao, cũng được hỗ trợ theo các quy định phù hợp. Nhờ đó, 100% huyện, thành phố trong tỉnh đã có sản phẩm OCOP.

Các sản phẩm OCOP nhiều hơn, đa dạng hơn như sản phẩm OCOP thực phẩm, thảo dược, đồ uống; hàng thủ công, mỹ nghệ, trang trí; nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch, lễ hội truyền thống. Từ đó tạo thêm động lực thúc đẩy nông dân Ninh Bình không ngừng đổi mới, sáng tạo, làm ra nhiều sản phẩm chất lượng phục vụ đời sống xã hội. Dự kiến, trong năm 2023, tỉnh sẽ có 150 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Với kết quả nêu trên, Ninh Bình sẽ hoàn thành sớm mục tiêu kế hoạch thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2023-2025.

Theo nhiều chuyên gia về nông nghiệp, Ninh Bình có thuận lợi phát triển sản phẩm OCOP nhờ sự đa dạng về địa hình với ba vùng rõ rệt. Các sản phẩm OCOP của tỉnh hiện nay tuy đa dạng, phong phú nhưng phần lớn nhỏ lẻ. Số lượng sản phẩm OCOP của các huyện, thành phố không đồng đều. Mức độ quan tâm, nhận thức của người dân về xây dựng sản phẩm OCOP còn hạn chế.

Trước thực trạng trên, Ninh Bình cần quyết liệt hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản phẩm OCOP gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo ra các sản phẩm đặc trưng, đặc hữu, tạo lợi thế cạnh tranh.

Cùng với đó, kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, quyết tâm của người dân trong xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP phù hợp với từng vùng, miền, gắn với giá trị văn hóa, văn minh vùng nông thôn đồng bằng sông Hồng.