Ðầu tháng 5, Ðại sứ quán Jordan tại Sudan cũng đã bị các phần tử lạ mặt đột nhập và phá hoại. Trong những tuần gần đây, đại sứ quán của các nước Qatar, Saudi Arabia, Kuwait, Oman và Thổ Nhĩ Kỳ tại Sudan cũng bị tấn công.
Trong khi đó, ngày 26/5, Saudi Arabia và Mỹ ra tuyên bố chung cho biết, các bên tại Sudan tuân thủ tốt thỏa thuận ngừng bắn, dù có một số cuộc giao tranh rải rác ở khu dân cư tại thủ đô Khartoum và đụng độ ở một số nơi. Hiện Mỹ và Saudi Arabia đang đảm nhận vai trò giám sát thỏa thuận ngừng bắn 7 ngày giữa Quân đội Sudan và Lực lượng phản ứng nhanh bán quân sự (RSF), nhằm cho phép các hoạt động hỗ trợ nhân đạo và các dịch vụ cơ bản.
Trong hai tuần qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác nhận 8 báo cáo mới về các vụ tấn công nhằm vào các cơ sở y tế, nâng tổng số các vụ tấn công như vậy lên 38 kể từ khi đợt giao tranh này bùng phát ở Sudan hôm 15/4 vừa qua. Liên hợp quốc (LHQ) cho biết, vẫn xảy ra một số vụ đụng độ bất chấp thỏa thuận ngừng bắn.
Cùng ngày, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Sudan kêu gọi các binh sĩ đã giải ngũ và bất kỳ ai có khả năng mang vũ khí đến căn cứ quân sự gần nhất để trang bị vũ khí nhằm mục đích tự vệ. Ông cũng nhấn mạnh cam kết của quân đội Sudan đối với thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo nhằm bảo vệ dân thường, đồng thời cáo buộc nhóm RSF tiếp tục vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.
Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM) cho biết, cuộc xung đột tại Sudan đã khiến hơn 1,36 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, trong đó có gần 320.000 người đã trốn sang các quốc gia láng giềng. Bộ Y tế Sudan thông báo, ít nhất 730 người đã thiệt mạng, dù con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Những người ở lại Khartoum đang phải chịu cảnh thiếu điện và nước sinh hoạt, không có dịch vụ chăm sóc sức khỏe.