Đồng Nai tăng cường chống thất thu, nợ đọng thuế

Tính đến cuối năm 2022, số tiền nợ thuế của tỉnh Đồng Nai là hơn 2.413 tỷ đồng, tương đương tổng thu ngân sách trong năm của một tỉnh ở khu vực miền núi của nước ta. Các ngành chức năng của tỉnh cần phối hợp chặt chẽ trong việc tăng cường các biện pháp thu hồi, chống thất thu, nợ đọng thuế.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai giám sát chống thất thu thuế tại Cục Thuế tỉnh Đồng Nai.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai giám sát chống thất thu thuế tại Cục Thuế tỉnh Đồng Nai.

Nợ thuế tăng qua các năm

Chi cục Thuế khu vực Biên Hòa-Vĩnh Cửu phụ trách thu thuế địa bàn thành phố Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu. Trong năm 2022, tổng thu thuế của đơn vị là hơn 4.433 tỷ đồng, tăng 119% so với cùng kỳ năm 2021. Số nợ thuế của chi cục là hơn 300 tỷ đồng; trong đó, nợ đọng kéo dài, khó đòi là 146 tỷ đồng.

Chi cục trưởng Thuế khu vực Biên Hòa-Vĩnh Cửu, Lê Hữu Nghĩa thẳng thắn nhìn nhận: Dù đã triển khai hàng loạt giải pháp xử lý thu nợ nhưng hiệu quả chưa cao; công tác quản lý nợ thuế thực hiện chưa đạt yêu cầu với tình hình hiện nay.

Nguyên nhân chính được xác định là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong hai năm qua và suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn đến thu nhập của người dân, doanh nghiệp giảm; từ đó, người nộp thuế không chấp hành nghĩa vụ nộp thuế và số nợ đọng thu hồi rất khó khăn. Về chủ quan là công chức quản lý nợ thuế còn thiếu kinh nghiệm trong giải quyết các vụ việc, nhất là phân tích nợ thuế để áp dụng các biện pháp phù hợp.

Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thuế tỉnh Đồng Nai, Nguyễn Toàn Thắng cho biết: Trong giai đoạn từ 2020 đến 2022, toàn ngành đã thu tổng số tiền hơn 131.000 tỷ đồng, vượt dự toán được giao. Tổng số nợ thuế tính đến thời điểm ngày 31/12/2022 là hơn 2.413 tỷ đồng, trong đó, nợ đọng khó đòi là hơn 329 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế nợ trên tổng số thu của tỉnh Đồng Nai ở mức 5,56%, bảo đảm chỉ tiêu không vượt quá 8% Tổng cục Thuế giao.

Đối với công tác xử lý nợ thuế, ba năm qua đã thu hồi được hơn 2.000 tỷ đồng. Riêng năm 2022, qua công tác thanh, kiểm tra 2.435 doanh nghiệp, kiến nghị thu, truy phạt, truy hoàn hơn 1.000 tỷ đồng, tăng 79% so với năm 2021. Tuy nhiên, số liệu cho thấy, số nợ thuế liên tục tăng qua các năm. Cụ thể, năm 2020 hơn 1.944 tỷ đồng, năm 2021 là 2.371 tỷ đồng và hơn 2.413 tỷ đồng trong năm 2022.

Lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Đồng Nai cho rằng, mặc dù các đơn vị trực thuộc đã quyết liệt đôn đốc và áp dụng các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ theo quy định, nhưng số nợ thuế vẫn còn ở mức cao và có chiều hướng gia tăng. Ngoài các giải pháp đang thực hiện, Cục Thuế tỉnh Đồng Nai kiến nghị lãnh đạo tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các sở, ban, ngành trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong công tác chống thất thu, xử lý thu hồi nợ thuế, nhất là hỗ trợ đầy đủ thông tin để xác định nghĩa vụ tài chính.

Với Đồng Nai, trong khi thuế nội địa nợ số tiền lớn thì thuế xuất nhập khẩu ba năm qua không phát sinh các khoản nợ khó thu. Phó Cục trưởng Hải quan tỉnh Đồng Nai, Nguyễn Phúc Thọ cho biết: Đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, thu thuế xuất nhập khẩu địa bàn hai tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận. Riêng năm 2022 thu thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu là hơn 19.555 tỷ đồng, không phát sinh nợ thuế quá hạn.

Lũy kế dư nợ khó thu đến thời điểm này là hơn 16,5 tỷ đồng, số tiền này đều phát sinh từ 10 năm trở về trước. Theo Phó Cục trưởng Nguyễn Phúc Thọ, dù đơn vị đã áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế nhưng vẫn không xóa nợ được. Nguyên nhân chính do Điều 65, Luật Quản lý thuế chỉ quy định trường hợp doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản mới thực hiện xóa nợ tiền thuế, trong khi với các khoản nợ khó thu tại Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai, doanh nghiệp làm thủ tục đề nghị tòa án mở thủ tục phá sản nhưng đều không được thụ lý hồ sơ.

Quyết liệt thực hiện các giải pháp

Mới đây, qua đợt giám sát về quản lý thu, chống thất thu thuế giai đoạn từ năm 2020 đến 2022 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tại các đơn vị liên quan, nhiều ý kiến đề nghị cần phải làm rõ các nguyên nhân nợ đọng thuế, vì nợ ba năm của tỉnh Đồng Nai đều tăng.

Ngành thuế cần thực hiện quyết liệt các giải pháp để chống thất thu thuế, thu hồi số nợ thuế, bởi, dù so với tổng thu số nợ thuế vẫn trong ngưỡng bảo đảm chỉ tiêu được giao, nhưng con số nợ thuế là rất lớn, tương đương thu ngân sách của cả một tỉnh miền núi trong một năm và gấp hơn ba lần địa phương có tổng thu ngân sách trong một năm thấp nhất cả nước hiện nay.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, thuế là lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, do đó, ngoài các quy định chung cần phải có cơ chế kiểm soát, bảo đảm cán bộ thuế không thể và không dám tiêu cực. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, các đối tượng lợi dụng để trốn thuế nên các đơn vị liên quan cần chú trọng hơn để phòng, chống.

Ngoài ra, ngành thuế cần có giải pháp kịp thời để bảo đảm không thất thu thuế ở lĩnh vực thương mại điện tử. Đồng chí Quản Minh Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho rằng, trong tổng số nợ thuế, ngoài doanh nghiệp phá sản, chắc chắn chiếm không nhỏ là hành vi trốn thuế. Cơ quan chức năng cần làm rõ nguyên nhân, có giải pháp quyết liệt hơn để chống nợ thuế, thất thu thuế.

Ngoài hơn 300 tỷ đồng nợ đọng khó đòi, số còn lại ngành thuế đã xác định được là nợ có khả năng thu nên cần phân loại, có lộ trình quyết tâm thực hiện thu. Trường hợp nợ thuế có dấu hiệu tội phạm phải chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý làm điểm, tạo sự răn đe chung. Cùng với đó, cần phối hợp tốt với các sở, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về thuế để doanh nghiệp, người dân chấp hành và tăng cường thanh, kiểm tra chống thất thu, nợ đọng thuế.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cũng lưu ý các ngành thuế, hải quan phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh với các doanh nghiệp nước ngoài chuyển giá, trốn thuế, làm thất thu ngân sách nhà nước. Song song đó, phải tăng cường giáo dục đạo đức, xây dựng sự liêm chính trong đội ngũ cán bộ, công chức.

“Cán bộ thuế, hải quan phải là những người có bàn tay sạch, cái đầu lạnh, trái tim nóng, hiểu biết sâu rộng kiến thức pháp luật và nâng cao đạo đức cách mạng. Đầu lạnh đó là trí tuệ, sự sắc bén, điềm đạm, bình tĩnh, trong ứng xử phải linh hoạt, sáng tạo, đúng pháp luật, từ đó tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và đất nước”, đồng chí Quản Minh Cường nói.