Nỗ lực xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ

Trong 5 năm qua, Tỉnh ủy Quảng Nam luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín. Ðến nay, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ các cấp được nâng lên, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng Ðảng và phát triển kinh tế-xã hội địa phương trong tình hình mới.
0:00 / 0:00
0:00
Khai giảng khóa bồi dưỡng tiếng Lào cho cán bộ công tác tại các cơ quan, đơn vị và địa phương tỉnh Quảng Nam.
Khai giảng khóa bồi dưỡng tiếng Lào cho cán bộ công tác tại các cơ quan, đơn vị và địa phương tỉnh Quảng Nam.

Xác định xây dựng đội ngũ cán bộ là công việc hệ trọng, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nên những năm gần đây, Tỉnh ủy Quảng Nam nỗ lực thực hiện nghiêm, nhất quán nguyên tắc Ðảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý cán bộ trong hệ thống chính trị.

Nâng cao chất lượng cán bộ

Thời gian qua, công tác nhận xét, đánh giá cán bộ ở Quảng Nam đã có những đổi mới rõ rệt về nội dung, phương pháp, trình tự, thủ tục; theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều; có tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát. Các cấp ủy đảng đã gợi ý kiểm điểm đối với 1.390 lượt cá nhân và thực hiện nghiêm chủ trương đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Ðây là căn cứ để xem xét đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên hằng năm.

Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Chín cho biết, công tác quy hoạch cán bộ của tỉnh Quảng Nam được triển khai thực hiện nền nếp, cụ thể hóa theo hướng coi trọng chất lượng; lấy quy hoạch chức danh cấp ủy làm cơ sở quy hoạch chức danh chính quyền, quy hoạch cấp dưới làm cơ sở quy hoạch cấp trên. Nhờ đó, công tác quy hoạch cán bộ đã bảo đảm các yêu cầu về tiêu chuẩn, điều kiện, số lượng; bảo đảm phương châm quy hoạch "động" và "mở", tạo sự chuyển tiếp liên tục giữa các thế hệ.

Ðáng nói, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện theo yêu cầu của từng giai đoạn, gắn với vị trí việc làm đã góp phần chuẩn hóa, nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Từ năm 2018 đến nay, số cán bộ, công chức, viên chức được tham gia các lớp đào tạo đại học chuyên môn 2.127 lượt, sau đại học 848 lượt; trung cấp, cao cấp, cử nhân lý luận chính trị 3.236 lượt; bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho 18 nghìn lượt cán bộ. Cùng với nguồn cán bộ đã qua đào tạo, từ năm 2018 đến nay, Quảng Nam đã tuyển dụng mới hơn 3.740 người và đa số đều có trình độ đại học trở lên.

Công tác bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, điều động, luân chuyển cán bộ được các cấp ủy đảng quan tâm. Việc bổ nhiệm cán bộ căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất, đạo đức, năng lực, uy tín của cán bộ; đồng thời, xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ; bảo đảm sự ổn định, kế thừa và phát triển liên tục của đội ngũ cán bộ, gắn với nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc.

Qua đó, đội ngũ cán bộ sau khi được bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử giữ chức vụ cao hơn, điều động, luân chuyển đã phát huy năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cán bộ trẻ được rèn luyện, thử thách trong thực tiễn, khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ.

Ngày 20/12/2021, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TU về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công tác cán bộ và kiện toàn tổ chức bộ máy giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Qua gần hai năm triển khai, đội ngũ cán bộ các cấp luôn nêu cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, tự học tập lý luận và kinh nghiệm thực tiễn để nâng cao trình độ, hoàn thiện các điều kiện, tiêu chuẩn; không ngừng rèn luyện năng lực lãnh đạo, bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp, góp phần giải quyết có hiệu quả những vấn đề thực tiễn đặt ra.

Các cấp ủy đảng luôn quan tâm phát hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số; đồng thời thực hiện cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ các cấp theo vị trí việc làm, khung năng lực, bảo đảm đúng người, đúng việc. Cùng với đó, vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân trong tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ được quan tâm.

Ðặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định số 455-QÐ/TU (ngày 22/2/2022) về chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị tỉnh. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương đã kịp thời cụ thể hóa bằng các quy định, kế hoạch để thực hiện. Tính đến tháng 12/2022, toàn tỉnh có 258 lượt cán bộ, công chức, viên chức chuyển đổi vị trí công tác.

Xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm, đủ tầm

Theo đồng chí Phan Việt Cường, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, việc tuyển dụng công chức, viên chức thời gian qua ở Quảng Nam vẫn chưa thật sự gắn với thu hút nhân tài, trí thức trẻ và người có trình độ cao; công tác đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu. Công tác quy hoạch cán bộ một số nơi thiếu tính tổng thể, chưa bảo đảm tính kế thừa, chất lượng chưa cao dẫn đến khi đề bạt, bổ nhiệm có nơi thiếu nguồn cán bộ.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ còn dàn trải, chưa theo yêu cầu của chức danh, vị trí công tác; việc bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử có nơi thực hiện chưa chặt chẽ. Công tác lựa chọn cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số về các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh để hướng dẫn, đào tạo theo lĩnh vực, ngành, nghề mà địa phương có nhu cầu, sau đó bố trí về lại huyện công tác chậm được triển khai.

Mặt khác, chế độ, chính sách đối với cán bộ chưa đồng bộ, nhất là chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động; chưa quan tâm hỗ trợ phụ cấp kiêm nhiệm các chức danh không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố đối với cán bộ, công chức cấp xã. Năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều, tính chuyên nghiệp chưa cao; tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, đơn vị, địa phương còn ít; cán bộ có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế chưa nhiều. Một số cán bộ chưa thật sự chủ động, linh hoạt, thiếu kỹ năng làm việc độc lập, kỹ năng xử lý tình huống, giải quyết vấn đề phát sinh từ thực tiễn; còn có cán bộ chưa thể hiện tính tiền phong gương mẫu, vi phạm pháp luật.

Ðể tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 và các văn bản của Trung ương về công tác cán bộ, Quảng Nam đang triển khai nhiều giải pháp: tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ; nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng tự trọng và danh dự của cán bộ để hình thành văn hóa không chạy chức, chạy quyền; triển khai có hiệu quả việc tự kiểm tra, rà soát, "tự soi, tự sửa"; đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, kiên quyết phê phán những quan điểm lệch lạc, sai trái, luận điệu xuyên tạc.

Tỉnh ủy sẽ tiếp tục nâng cao trách nhiệm của tập thể và người đứng đầu trong công tác xây dựng cán bộ; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ trong công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp. Trước hết, Quảng Nam sẽ xây dựng chế độ, chính sách nhằm động viên, tạo động lực cho cán bộ toàn tâm, toàn ý với công việc; ban hành chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện tinh giản biên chế và thôi việc giai đoạn 2023-2026, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động cán bộ, công chức, viên chức.

Hiện nay, Tỉnh ủy Quảng Nam yêu cầu các cấp ủy đảng chú trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ, nắm chắc lịch sử chính trị và tập trung vào vấn đề chính trị hiện nay của cán bộ; có kế hoạch sắp xếp, bố trí, tạo điều kiện, cơ hội phát triển cho cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số với chỉ tiêu và cơ cấu phù hợp; kịp thời phổ biến, nhân rộng những điển hình tiên tiến, cách làm hay, hiệu quả trong công tác cán bộ. Ðồng thời phát huy hơn nữa vai trò giám sát của cơ quan dân cử; tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân trong xây dựng đội ngũ cán bộ.

Cùng với đó, Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy đảng thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng, củng cố cơ quan tham mưu và đội ngũ làm công tác cán bộ thật sự trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, chuẩn hóa văn bản pháp quy, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cán bộ; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nguyên tắc lãnh đạo của Ðảng trong công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các khâu của công tác cán bộ; kịp thời khắc phục, chấn chỉnh những hạn chế, bất cập, ngăn chặn những tiêu cực trong công tác cán bộ.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành đề án, kế hoạch về bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước giai đoạn 2023-2025 và định hướng đến năm 2030; gắn với công tác quy hoạch cán bộ vào vị trí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và cơ chế phát hiện cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội, triển vọng phát triển, nhất là tạo điều kiện, cơ hội phát triển cho cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số.