Việt Nam-Pháp: Nửa thế kỷ vun đắp tình hữu nghị

Năm 2023 đánh một dấu mốc đặc biệt trong quan hệ giữa Việt Nam và Pháp khi hai nước kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược.
0:00 / 0:00
0:00
Một chương trình giao lưu nhân Ngày Quốc tế Pháp ngữ. (Ảnh: Viện Pháp tại Huế)
Một chương trình giao lưu nhân Ngày Quốc tế Pháp ngữ. (Ảnh: Viện Pháp tại Huế)

Trong bối cảnh tình hình thế giới xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, việc làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam-Pháp là một yêu cầu khách quan và tất yếu, vì lợi ích của nhân dân hai nước.

Nhìn lại chặng đường nửa thế kỷ vun đắp tình hữu nghị, hợp tác giữa hai quốc gia ở hai châu lục, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery (N.Oa-nơ-ri) chia sẻ, mối quan hệ gần gũi giữa Việt Nam và Pháp là kết quả của hành trình cùng nhau nỗ lực làm việc, duy trì và kết nối trong mọi lĩnh vực, ở mọi cấp độ giữa hai bên, từ các cơ quan trung ương, các cơ quan địa phương, các trường đại học, bệnh viện... cho đến giới doanh nghiệp và người dân. Để nhấn mạnh sự gần gũi này, hai nước đã chọn khẩu hiệu “Văn hóa sẻ chia” cho dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.

Những dấu ấn văn hóa Pháp vẫn đang hiện hữu đậm nét trong đời sống của người dân Việt Nam và ngược lại. Ngày nay, các công trình kiến trúc của người Pháp ở Hà Nội luôn được coi là những tinh hoa của thành phố, tạo một điểm nhấn trong kiến trúc đô thị và góp phần làm nên diện mạo riêng cho thủ đô Hà Nội, vừa cổ kính vừa hiện đại. Còn ở thủ đô Paris - nơi có đông đảo cộng đồng người Việt sinh sống -

các tiết mục nghệ thuật do các nghệ sĩ gốc Việt biểu diễn cùng những trò chơi dân gian, món ăn truyền thống của Việt Nam dần trở thành một phần không thể thiếu trong các lễ hội giao lưu văn hóa, ẩm thực tại Pháp. Những buổi triển lãm như “Không gian di sản Hoàng thành Thăng Long” tại đô thị cổ Provins, chuyến đi “Theo dấu chân Bác” tại thành phố cảng Le Havre và Sainte-Adresse, triển lãm tranh “Việt Nam và môi trường” tại ngoại ô Paris... đã góp phần lan tỏa vẻ đẹp văn hóa Việt Nam đến với đông đảo bạn bè Pháp.

Ngoại giao văn hóa là một trong ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện Việt Nam, bên cạnh ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế. Và nước Pháp chính là một “điểm sáng” về ngoại giao văn hóa mà Việt Nam đẩy mạnh triển khai thời gian qua. Theo TTXVN, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng chia sẻ, thành công của ngoại giao văn hóa tại Pháp một phần đến từ sự tích cực của cộng đồng người Việt tại đây trong việc xây dựng cầu nối lan tỏa văn hóa Việt Nam đến với bạn bè Pháp, cũng như việc người dân Pháp luôn coi trọng, đề cao văn hóa và ưa thích khám phá các nền văn hóa trên thế giới. Với tình yêu, niềm tự hào và sự gắn bó với quê hương, cộng đồng kiều bào tại Pháp đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa như mở lớp dạy tiếng Việt, võ cổ truyền, âm nhạc dân tộc cho các thế hệ Việt kiều thứ hai, thứ ba; chiếu phim tài liệu về âm nhạc Việt Nam...

Trong thời gian dịch Covid-19 hoành hành, tinh thần sẻ chia giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Pháp càng tỏa sáng. Tinh thần đó được minh chứng qua các đợt viện trợ khẩu trang y tế mà Việt Nam dành cho Pháp vào năm 2020, với rất nhiều lô khẩu trang được tập kết tại Đại sứ quán Pháp ở Hà Nội trước khi gửi sang Pháp, và sau đó là các gói viện trợ vắc-xin ngừa Covid-19 của Pháp cho Việt Nam thông qua các kênh hợp tác song phương, cơ chế COVAX trong giai đoạn 2021-2022. Về hợp tác giáo dục-đào tạo, hằng năm, Chính phủ Pháp dành 80 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam sang Pháp học tập. Số lượng sinh viên Việt Nam du học tại Pháp tăng khoảng 40% trong vòng 10 năm qua và hiện có hơn 10.000 sinh viên.

Chặng đường 50 năm qua cho thấy bề dày lịch sử trong quan hệ Việt Nam-Pháp, mối quan hệ tốt đẹp được xây dựng trên nền tảng vững chắc là sự kết nối, giao lưu văn hóa và tinh thần sẻ chia, đoàn kết giữa hai dân tộc. Tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Pháp còn rất lớn, đòi hỏi hai nước tiếp tục có sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả trên tất cả các kênh hợp tác.

Điểm nhấn trong quan hệ hợp tác

5: Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ năm của Việt Nam.

5,3 tỷ USD: Kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt 5,3 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021.

3,787 tỷ USD: Pháp có 549 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 3,787 tỷ USD.

2: Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước hưởng hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Pháp tại châu Á.

5 triệu euro: Chính phủ Pháp hằng năm dành khoảng 5 triệu euro cho ngân sách hợp tác văn hóa với Việt Nam.

40.000: Hiện có khoảng 40.000 Việt kiều có trình độ đại học hoặc trên đại học thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau tại Pháp, chiếm 12% cộng đồng người Việt Nam tại Pháp.

(Nguồn: Bộ Ngoại giao)