Khi chứng kiến những người dưới 18 tuổi đứng trước bục khai báo tại các phiên tòa, không ít người vừa giận, vừa thương và luôn để lại sự ám ảnh. Tìm giải pháp nhằm hạn chế tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật là vấn đề quan trọng được đặt ra không chỉ ở Kiên Giang…
Nhiều người trẻ vi phạm pháp luật
Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cho nên khi Tòa án đưa ra xét xử về tội “mua bán trái phép chất ma túy” thì L.T.M.H., ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang đã đủ 18 tuổi. Tuy nhiên, ở thời điểm phạm tội, L.T.M.H. chỉ 15 tuổi 7 tháng 27 ngày. L.T.M.T., ngụ cùng huyện, là đồng phạm với L.T.M.H., khi đưa ra xét xử mới được 14 tuổi; ở thời điểm phạm tội, T. chỉ 12 tuổi 2 tháng 17 ngày.
Tại tòa, một vị Hội thẩm nhân dân hỏi: “Bị cáo có biết ma túy là chất cấm? Người nào mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng ma túy đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, thậm chí tử hình, không?”. L.T.M.H. ngây ngô đáp: “Bị cáo biết người chơi ma túy sẽ rất thích thú, hưng phấn. Qua phân tích, bị cáo nhận thức được hậu quả việc làm của mình”.
Trong vụ án nêu trên, Đặng Tuyết Minh (22 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp) là người chủ mưu, dẫn dắt L.T.M.H. và L.T.M.T. vào con đường phạm tội và bị tuyên mức án 15 năm tù; L.T.M.H. bị phạt 5 năm tù. Trước đó, Minh thuê L.T.M.H. bán ma túy 36 lần; thuê T. bán ma túy 33 lần. Tổng số ma túy mà Minh, L.T.M.H., T. bán cho các con nghiện là 47,166 gam loại methamphetamine và 3,9310 gam heroin.
Bị cáo V.V.T. (phải) và bị cáo Võ Văn Huy tại phiên tòa. |
Cũng bị Tòa án đưa ra xét xử, nhưng với V.V.T., ngụ huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang là một câu chuyện khác. Mới 15 tuổi 9 tháng 12 ngày, khi người anh là Võ Văn Huy rủ đi đánh ghen, V.V.T. vác dao “xông pha” mà chẳng nghĩ tới hậu quả. Gây thương tích 63% cho người khác, Huy trả giá bằng 12 năm tù về tội “giết người” với tình tiết tăng nặng là xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội. V.V.T. là đồng phạm giết người bị phạt 6 năm tù.
Mới đây, nhiều người sửng sốt vì Trịnh Đình Hào (22 tuổi) ở xã Thuận Yên, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang và Trịnh Đình Phú (19 tuổi, em ruột Hào) thực hiện hành vi cướp tài sản rất liều lĩnh. Tại thời điểm phạm tội, Hào hơn 20 tuổi, còn Phú vừa bước qua tuổi 17, đang là học sinh trung học phổ thông…
Theo Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang, trong năm 2022, Tòa án hai cấp ở Kiên Giang giải quyết 1.643 vụ án hình sự với 2.132 bị cáo; so với năm 2021, án hình sự giải quyết tăng 615 vụ. Đáng chú ý, chỉ riêng Tòa án cấp tỉnh đã thụ lý, đưa ra xét xử 70 vụ án đối với người chưa thành niên, trong đó, người phạm tội dưới 18 tuổi là 29 bị cáo, bị hại dưới 18 tuổi là 41 người.
Thẩm phán Huỳnh Thị Út Mẫn, Tòa Gia đình và Người chưa thành niên, Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang cho biết, các vụ án mà tội phạm dưới 18 tuổi năm 2022 do đơn vị thụ lý, xét xử tăng hơn so với các năm trước.
Còn theo Thẩm phán Nguyễn Thanh Phong, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, số vụ trẻ em vi phạm pháp luật phải đưa ra xét xử trên địa bàn huyện ngày càng tăng. Tội phạm ra tòa dần “trẻ hóa”. Người trẻ tuổi hiếu thắng, kéo nhau tụ tập rồi đánh nhau, trộm cắp, hoặc giao cấu với người từ 13 tuổi đến chưa đủ 16 tuổi ngày càng nhiều.
Qua nhiều vụ việc cho thấy, người trẻ phạm tội có nguyên nhân ảnh hưởng từ mạng xã hội. “Chúng ta không thể phủ nhận lợi ích của mạng xã hội, nhưng ẩn sau việc giải trí thì có những thông tin xấu độc “dẫn dắt” giới trẻ. Người chưa đủ 18 tuổi có thể chưa nhận thức hết tác hại của mạng xã hội nên bắt chước, làm theo mà không lường hậu quả”, Thẩm phán Huỳnh Thị Út Mẫn nói…
Kéo giảm tình trạng người trẻ phạm tội
Nhiều người cho rằng, trẻ em phạm tội là do cha mẹ không hạnh phúc, ly hôn hoặc ly thân, lo kiếm tiền, buông lỏng quản lý con cái. Ở lứa tuổi “nổi loạn”, nếu không có cha mẹ bên cạnh điều chỉnh hành vi thì trẻ em dễ bị lôi kéo, xúi giục dẫn đến các hành vi không kiểm soát.
Ở nhiều vùng nông thôn, vì điều kiện kinh tế khó khăn, cha mẹ về các thành phố lớn làm thuê, để trẻ con ở nhà cho người thân trông giữ…, dẫn đến các hậu quả đáng tiếc. “Thiếu cha mẹ cận kề, kèm cặp, trẻ em dễ hư hỏng tính nết. Tình trạng trẻ em bỏ học, chơi bời lêu lổng, tham gia vào các nhóm thanh niên hư hỏng đi trộm cắp tài sản không phải là chuyện hiếm…”, Thẩm phán Nguyễn Thanh Phong phân tích.
Để giảm tình trạng trẻ em phạm tội, các bậc cha mẹ cần tăng cường quản lý con cái, xã hội có giải pháp ngăn ngừa, tạo ra “sức đề kháng” cho giới trẻ… Cần một cuộc tuyên truyền sâu rộng đến các bậc cha mẹ về trách nhiệm với con cái.
“Nền tảng giáo dục của gia đình chính là sự chăm sóc, gần gũi thương yêu nhau, lắng nghe và chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn. Khi ngôi nhà thật sự là tổ ấm, nơi đó mỗi đứa trẻ nhận được đủ đầy sự yêu thương, chăm sóc về tinh thần và thể chất thì nhà trường sẽ có thêm những học sinh ngoan, xã hội sẽ có thêm những công dân tốt”, Thẩm phán Huỳnh Thị Út Mẫn phân tích.
Vụ 139 thanh, thiếu niên (nhiều em dưới 18 tuổi) sử dụng trái phép các chất ma túy tại một quán bar bị Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Kiên Giang triệt phá mới đây ở thành phố Rạch Giá đã gây hoang mang cho nhiều người. Người dân bức xúc vì mới đây, cũng tại quán bar này lực lượng chức năng đã phát hiện hàng trăm thanh, thiếu niên sử dụng ma túy.
Ông Nguyễn Thanh Bình ngụ thành phố Rạch Giá đề nghị cần truy trách nhiệm các đơn vị có liên quan trong quản lý, cấp phép quán bar, nhà hàng, cơ sở kinh doanh karaoke… để xảy ra sai phạm, có sử dụng ma túy.
“Bên cạnh việc cha mẹ tăng cường giáo dục con, thì địa phương cũng cần tăng cường quản lý nhà nước đối với các hoạt động nhạy cảm, xây dựng không gian vui chơi giải trí bổ ích cho thanh niên. Những công viên với nhiều trò chơi giải trí lành mạnh cần được khuyến khích đầu tư, giúp các em tránh xa những cám dỗ”, ông Bình đề xuất.