Thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: Chợ Rẫy là nơi bị các đối tượng lợi dụng để thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bởi đây là bệnh viện tuyến cuối. Khi xuất hiện những trường hợp bị lừa đầu tiên, chúng tôi đã báo cáo lãnh đạo, đồng thời, phát đi thông tin cảnh báo đến nhiều nơi nhưng rất tiếc vẫn có thêm nhiều người mắc bẫy chuyển tiền cho các đối tượng. Ông Lê Minh Hiển cho rằng, điều đầu tiên cũng là quan trọng nhất đối với cha mẹ học sinh là hãy bình tĩnh để dành vài phút kiểm chứng thông tin. Bởi ở các bệnh viện không bao giờ có chuyện thu tiền viện phí qua điện thoại. Các ca mổ, can thiệp y tế đều phải có sự phối hợp, cam kết giữa đội ngũ y tế và người nhà bệnh nhân.
Ở góc độ chuyên gia về an ninh mạng, ông Võ Ðỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena cho biết: Tội phạm công nghệ cao là những người có trình độ, nhất là về công nghệ. Việc chiếm đoạt một số tiền lớn đôi khi rất dễ cho nên đã trở thành động lực để chúng gia tăng việc lừa đảo. Mỗi ngày trung tâm an ninh mạng của công ty phát hiện khoảng năm nghìn cuộc tấn công bằng công nghệ. Việc lừa đảo cha mẹ học sinh không phải là vấn đề mới nhưng phương thức, thủ đoạn đã được các đối tượng "nâng cấp" lên rất tinh vi để thực hiện hành vi phạm pháp. Với sự phổ biến của công nghệ, mạng xã hội ngày nay, việc lộ, lọt thông tin cá nhân là điều rất dễ dàng. Thí dụ như con lấy điện thoại của cha mẹ để chơi game, tải các ứng dụng đã vô tình để lọt thông tin khiến các đối tượng có thể tấn công mạng bất cứ lúc nào. Học sinh sử dụng thiết bị công nghệ ngày càng nhiều nhưng chưa lường trước các cạm bẫy. Từ thực tế đó, ông Võ Ðỗ Thắng đề xuất giải pháp, Luật An ninh mạng, an toàn thông tin cần phải có trong chương trình giáo dục để nâng cao nhận thức của học sinh, từ đó phòng tránh hiệu quả các rủi ro. Các trường học, tổ chức cần cập nhật, bổ túc chương trình về an toàn thông tin mạng. Nhà trường mời những người có kiến thức chuyên môn về công nghệ để quản lý, áp dụng công nghệ nhằm mã hóa dữ liệu, phòng, tránh bị tấn công chiếm đoạt. Ở góc độ pháp lý, giảng viên Ðào Nguyên Phương Thảo, khoa Luật, Trường đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, pháp luật hiện hành đã quy định rõ ràng về các loại thông tin cần được bảo mật, mức xử lý. Người mạo danh giáo viên gọi điện cho cha mẹ để thông báo học sinh bị tai nạn nhập viện cấp cứu nhằm chiếm đoạt tài sản sẽ bị cải tạo không giam giữ từ ba tháng đến 20 năm hoặc chung thân. Tuy vậy, để không rơi vào "bẫy" của các đối tượng lừa đảo thì người dân cần chủ động nâng cao kiến thức, kỹ năng để phòng ngừa.
Sau những vụ việc đáng báo động, nhiều trường học trên địa bàn thành phố đã thực hiện các giải pháp kết nối tốt hơn, đồng thời nêu các giải pháp hiệu quả trong quản lý thông tin của học sinh, cha mẹ. Thầy Nguyễn Ðình Ðộ, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Thành Nhân cho biết: Việc bảo mật thông tin rất được nhà trường coi trọng. Trường chỉ giao một nhân viên được phép nhập hoặc lấy thông tin và quán triệt mức độ quan trọng của các thông tin cá nhân này. Nếu đề cao cảnh giác, làm tốt khâu bảo mật thì hoàn toàn có thể phòng ngừa việc lộ, lọt thông tin. Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn Du cho rằng, khi tuyển chọn người làm công tác quản lý thông tin, cần chú trọng yếu tố năng lực chuyên môn và có đạo đức nghiệp vụ nhằm đem đến sự tín nhiệm và an tâm ■
Không chia sẻ hình ảnh cá nhân, gia đình lên mạng
Việc nhiều cha mẹ thường xuyên chia sẻ hình ảnh, thông tin mang tính riêng tư về bản thân và con cháu của mình là một trong những thói quen tiêu cực để các đối tượng xấu có "dữ liệu" nhằm nghiên cứu hành vi, để từ đó lên phương án thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Tội phạm có thể dành một năm hoặc lâu hơn chỉ để nghiên cứu thói quen sinh hoạt của một gia đình. Sau đó, chúng sẽ lựa chọn phương án tấn công nhằm chiếm đoạt một số tài sản rất lớn.
Anh NGUYỄN HẢI NAM
Phó Chánh Văn phòng Trung ương Ðoàn