Khai thác giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số Nam Trung Bộ

Bài 2: Quan tâm công tác bảo tồn, tập trung vào giải pháp hiệu quả

Tuy đã đạt nhiều kết quả khích lệ, công tác bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc thiểu số Nam Trung Bộ cần được quan tâm hơn nữa và tập trung nhiều giải pháp, nhằm nâng cao hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội các địa phương.

0:00 / 0:00
0:00
Đấu chiêng, bộ môn nghệ thuật có giá trị đặc sắc nổi bật, riêng có của dân tộc Co, Trà Bồng (Quảng Ngãi). (Ảnh: HIỂN CỪ).
Đấu chiêng, bộ môn nghệ thuật có giá trị đặc sắc nổi bật, riêng có của dân tộc Co, Trà Bồng (Quảng Ngãi). (Ảnh: HIỂN CỪ).

Giữ lửa truyền thống

Đã ở độ tuổi bảy mươi, Nghệ nhân Nhân dân Hồ Ngọc An vẫn được dân làng yêu mến bầu giữ chức Chủ nhiệm Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Co tại thôn 2, xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi. Nhiều năm qua, ông còn miệt mài lặn lội đến nhiều bản làng người Co để truyền dạy văn hóa cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trà Bồng, Hồ Ngọc Thịnh, đến nay, trên địa bàn huyện có gần 2.000 bộ cồng chiêng; hơn 1.500 hộ gia đình có truyền thống về cồng chiêng và hơn 2.600 người biết đánh chiêng và chỉnh chiêng. Các địa phương trong huyện thành lập 60 đội cồng chiêng. Hằng năm, huyện còn tổ chức nhiều lớp truyền dạy đánh chiêng, đàn và hát dân ca của đồng bào Co cho thanh thiếu niên.

Tại huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, nhiều câu lạc bộ nhạc cụ truyền thống dân tộc Chăm được thành lập ở các khu phố Mỹ Nghiệp và Bàu Trúc thị trấn Phước Dân; thôn Tân Đức và Hữu Đức, xã Phước Hữu; thôn Hiếu Lễ, xã Phước Hậu... Các nghệ nhân dân gian Chăm đã tâm huyết chế tác, biểu diễn nhạc cụ và truyền dạy cho thanh thiếu niên giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Nhiều nhà nghiên cứu của Viện Âm nhạc thuộc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đến tìm hiểu, xem trình diễn và đánh giá cao chất lượng hòa tấu nhạc cụ truyền thống, gồm trống ghi năng, trống baranưng, lục lạc, chiêng, kèn saranai và các điệu hát dân ca, dân vũ Chăm.

Được truyền nghề từ nghệ nhân Vạn Sổ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhạc cụ Chăm thôn Hiếu Lễ, đến nay hàng chục học viên biểu diễn trống Ghi năng xuất sắc được cộng đồng dân tộc Chăm tin yêu. Ngoài việc truyền dạy sử dụng nhạc cụ, câu lạc bộ thành lập hai đội múa truyền thống, có hơn 20 thành viên nữ thường xuyên luyện tập, phục vụ các hoạt động văn hóa của địa phương. Hiện các trường học cấp trung học cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Chăm, Ra Glai trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đều có chương trình dạy ngoại khóa về sử dụng nhạc cụ dân tộc Chăm, Ra Glai cho học sinh.

Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số Nam Trung Bộ được thực hiện bằng nhiều hình thức, phù hợp tình hình thực tế, đặc biệt chú trọng địa bàn các dân tộc thiểu số có nguy cơ văn hóa bị mai một ở mức cao.

Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số Nam Trung Bộ được thực hiện bằng nhiều hình thức, phù hợp tình hình thực tế, đặc biệt chú trọng địa bàn các dân tộc thiểu số có nguy cơ văn hóa bị mai một ở mức cao. Tại Bình Định, chữ viết của ba dân tộc Chăm Hroi, Bana Kriêm và Hrê trên địa bàn đã được nghiên cứu, biên soạn, đưa vào khai thác giảng dạy trong các trường dân tộc nội trú. Đây được coi là hoạt động có nhiều ý nghĩa trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc nêu trên. Bên cạnh đó, một số làng dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc thiểu số Bình Định đã được khôi phục, phát huy như làng dệt thổ cẩm Hà Ri của người Bana Kriêm ở huyện Vĩnh Thạnh, làng dệt thổ cẩm Hòn Mẽ của người Chăm Hroi ở huyện Vân Canh, làng dệt thổ cẩm An Vinh của người Hrê ở huyện An Lão...

Cuối năm 2019, tỉnh Quảng Nam ban hành đề án “Hỗ trợ bảo tồn, phát huy một số loại hình văn hóa các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2020-2025”. Theo đó, tỉnh bố trí hơn 245 tỷ đồng để triển khai thực hiện đề án. Thực hiện đề án, nhiều địa phương có cách làm thiết thực, chẳng hạn như huyện Bắc Trà My tổ chức quy hoạch, phục dựng Làng văn hóa truyền thống Xa Rơ, ở thôn 2, xã Trà Bui, với nhà sàn truyền thống, cây nêu, máng nước, mô hình vườn truyền thống... nhằm bảo tồn văn hóa dân tộc Ca Dong; mỗi xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển ít nhất một sản phẩm đặc trưng địa phương, từng bước phát huy tiềm năng du lịch cộng đồng.

Nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, các chính sách liên quan đến việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đúng mức, vừa góp phần giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống, vừa làm phong phú hơn đời sống tinh thần của người dân. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, Đinh Văn Thiệu cho biết, tỉnh vừa ban hành kế hoạch triển khai dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” giai đoạn 2021-2025. Theo đó, từ năm 2022 đến năm 2024, tỉnh khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; đề xuất công tác, biện pháp bảo vệ di sản văn hóa truyền thống, tập huấn cho cộng đồng, tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể...; khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch.

Quyết tâm giữ gìn bản sắc văn hóa trong âm nhạc, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022-2030” trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2022-2025 là thực hiện kiểm kê và cập nhật kiểm kê hằng năm nhằm đánh giá thực trạng và phân loại; lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian gồm dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số; có 10% di sản thuộc loại hình này được đưa vào Danh mục quốc gia.

Vẫn còn không ít khó khăn

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, Bùi Văn Tiến, trong bối cảnh hiện nay, việc giao lưu văn hóa và hội nhập quốc tế đang diễn ra một cách sâu rộng trên mọi mặt của đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn Quảng Ngãi bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập; một số nét văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số có nguy cơ bị mai một nhanh chóng.

Có những di sản là tinh hoa của dân tộc như nhà sàn cổ truyền của dân tộc Co đã biến mất từ hơn 30 năm qua trên toàn địa hạt dân tộc Co; nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Hrê vốn phổ biến khắp nơi, nay chỉ còn ở làng Teng thuộc huyện miền núi Ba Tơ; việc sử dụng tiếng mẹ đẻ các dân tộc Hrê, Co, Ca Dong đang có sự suy giảm dần theo thời gian, nhất là ở lớp trẻ; dân ca, dân nhạc, dân vũ ít người biết; cồng chiêng các dân tộc giảm về số lượng; số người biết sử dụng ngày càng ít hơn, ảnh hưởng không tốt đến việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cổ truyền.

Theo lãnh đạo ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch các tỉnh Nam Trung Bộ, hiện nay, những nghệ nhân, bậc cao niên chưa có điều kiện thuận lợi trong việc trao truyền văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ. Nguồn kinh phí Nhà nước cấp, đầu tư cho bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số còn ít, trong khi số lượng các di sản văn hóa khá đa dạng, phong phú về loại hình và mức độ mai một dần theo thời gian ngày càng lớn.

Chữ viết, trang phục là những yếu tố quan trọng để nhận diện và phân biệt rõ ràng đặc trưng của dân tộc này với dân tộc khác. Thế nhưng hiện nay, thực trạng về chữ viết, trang phục của đồng bào Ra Glai trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang đặt ra những vấn đề cần được quan tâm.

Đồng bào Ra Glai ở Khánh Hòa vốn chỉ có tiếng nói, không có chữ viết. Năm 1993, các nhà nghiên cứu văn hóa Trần Vũ và Mấu Quốc Tiến thực hiện thành công đề tài Sưu tầm, nghiên cứu và hoàn thiện chữ viết tiếng Ra Glai. Cuốn từ vựng tiếng Ra Glai-Việt với 6.000 từ và sách giáo khoa dạy chữ viết Ra Glai ra đời. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các lớp dạy học tiếng nói, chữ viết Ra Glai ở các địa phương không duy trì được.

Số lượng người Ra Glai theo học rất ít. Chính vì vậy, mặc dù đồng bào Ra Glai ở các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm và thành phố Cam Ranh vẫn nói tiếng của dân tộc mình, nhưng lại không có mấy người biết viết những câu nói của mình ra văn bản. Học sinh người dân tộc Ra Glai cũng không được học chữ viết để ghi tiếng nói của dân tộc mình. Do vậy, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Ra Glai ở đây gặp nhiều khó khăn.

Dự ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi thật sự băn khoăn khi thấy trang phục người Ra Glai ở huyện Khánh Sơn không giống ở huyện Khánh Vĩnh, lại càng không giống trang phục của Cam Lâm, thành phố Cam Ranh. Thậm chí, ngay ở huyện Khánh Sơn, trang phục của người Ra Glai ở mỗi xã cũng khác nhau.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Khánh Sơn Nguyễn Văn Nhuận, trước mắt cần nghiên cứu, thực hiện những công trình nghiên cứu về chữ viết, trang phục của đồng bào Ra Glai để đi tới thống nhất trên cả nước.

Theo lãnh đạo ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch các tỉnh Nam Trung Bộ, hiện nay, những nghệ nhân, bậc cao niên chưa có điều kiện thuận lợi trong việc trao truyền văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ. Nguồn kinh phí Nhà nước cấp, đầu tư cho bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số còn ít, trong khi số lượng các di sản văn hóa khá đa dạng, phong phú về loại hình và mức độ mai một dần theo thời gian ngày càng lớn. Do đó, cần có chính sách, chế độ đãi ngộ thỏa đáng, khuyến khích người uy tín, các già làng, nghệ nhân nhiệt huyết, có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác bảo tồn, phát triển văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số.

Thực tế cho thấy, những nét bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số được du khách hết sức ưa chuộng trong trải nghiệm du lịch là âm nhạc, vũ đạo, trang phục, lễ hội. Bên cạnh trách nhiệm của các cấp chính quyền, khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia công tác bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng; khôi phục các loại hình văn hóa phi vật thể đặc sắc đang có nguy cơ mai một sẽ là một giải pháp hữu hiệu góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số Nam Trung Bộ.

Bài 1: Đa dạng sắc màu văn hóa