Trong Thông điệp liên bang hôm 8/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhấn mạnh những điểm sáng trong bức tranh kinh tế Mỹ và khẳng định rằng, ông không tin nền kinh tế số một thế giới sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay hoặc năm tới. Các số liệu thống kê cho thấy, tình hình kinh tế trong những tháng gần đây đã chuyển biến theo hướng tích cực hơn, sau thời gian lạm phát tăng vọt lên mức cao nhất trong 40 năm vào mùa hè năm 2022.
Trước phát biểu của ông Biden, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trong phát biểu trên truyền hình ABC cũng khẳng định sẽ không có suy thoái kinh tế.
Bà Yellen tuyên bố: “Chúng ta sẽ không gặp tình trạng suy thoái kinh tế khi có 500.000 việc làm và tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong hơn 50 năm qua.
Những gì tôi đang chứng kiến là một hướng đi vững vàng với tỷ lệ lạm phát đang giảm đáng kể và nền kinh tế vẫn vững mạnh”. Theo bà, mặc dù lạm phát của Mỹ vẫn ở mức cao nhưng đã giảm liên tục trong sáu tháng qua và có thể giảm đáng kể do các biện pháp được chính quyền Tổng thống Biden áp dụng, bao gồm giảm chi phí xăng dầu và giá thuốc bán theo đơn.
Trước đó, Bộ Lao động Mỹ cho biết, tốc độ tăng trưởng việc làm tăng mạnh trong tháng 1/2023, với số lượng việc làm phi nông nghiệp tăng thêm 517.000 và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1969 là 3,4%.
Trong khi đó, cuối tháng 1 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ công bố số liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2022 vẫn đạt mức 2,1%, dù đã giảm tốc so với năm 2021.
Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý IV/2022 đạt 2,9% cao hơn mức dự báo 2,6% của giới chuyên gia và đây là quý thứ hai liên tiếp, kinh tế Mỹ ghi nhận tăng trưởng sau hai quý suy giảm.
Mặc dù kinh tế Mỹ đã có những chuyển biến tích cực và nguy cơ suy thoái kinh tế trong năm nay giảm đáng kể, nhưng giới chuyên gia đã cảnh báo nền kinh tế số 1 thế giới vẫn đối mặt không ít thách thức lớn. Trước mắt, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vẫn có khả năng phải tăng lãi suất trong năm nay.
Giới phân tích cho rằng, với tín hiệu khả quan từ thị trường việc làm mới được báo cáo gần đây, rất có thể FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong kỳ họp sắp tới vào tháng 3.
Ngày 7/2, Hãng tin AP dẫn lời Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cho biết, nếu thị trường việc làm của Mỹ được củng cố hơn trong những tháng tới, hoặc chỉ số lạm phát tăng nhanh, FED có thể sẽ buộc phải tăng lãi suất cơ bản cao hơn so với dự kiến hiện tại.
Các chuyên gia cho rằng, lạm phát dù đã hạ nhiệt, nhưng vẫn là một vấn đề lớn của kinh tế Mỹ. Năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng ở Mỹ đã tăng 6,5%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng cá nhân tăng 5%. Mục tiêu của FED là đưa tỷ lệ lạm phát hằng năm về mức 2%, nhưng một số nhà kinh tế tỏ ra nghi ngờ về khả năng FED đạt được mục tiêu này mà không khiến nền kinh tế lâm vào suy thoái.
Một vấn đề đáng lo ngại nữa là trần nợ công đang đè nặng lên nguy cơ vỡ nợ của Mỹ. Mỹ đã đạt đến giới hạn nợ liên bang vào tháng 1/2023, buộc Bộ Tài chính phải bắt đầu áp dụng các biện pháp đặc biệt để bảo đảm quốc gia không bị vỡ nợ.
Bộ trưởng Tài chính Yellen tuần trước đã kêu gọi Quốc hội nâng giới hạn trần nợ, cảnh báo rằng nếu không làm sẽ tạo ra “một thảm họa kinh tế và tài chính”. Ngoài ba thách thức nêu trên, những “cơn gió ngược” từ các vấn đề toàn cầu như căng thẳng quan hệ Mỹ-Trung Quốc; cuộc chiến Nga-Ukraine, khó khăn chung của kinh tế thế giới… cũng tiếp tục đặt ra nhiều thách thức nghiêm trọng đối với nền kinh tế Mỹ trong năm nay.
Triển vọng và những thách thức của nền kinh tế số 1 thế giới đang phần nào phản ánh bức tranh chung của kinh tế toàn cầu. Một khi nước Mỹ không xử lý tốt các vấn đề trong nước và quốc tế của mình để giảm những rủi ro nêu trên thì không chỉ kinh tế Mỹ lâm cảnh khó khăn mà kinh tế thế giới chắc chắn sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.