Quảng Ninh vươn lên từ ý chí tự lực, tự cường

NDO - Mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn do dịch bệnh, thiên tai, nhưng trong năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động triển khai toàn diện, quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, huy động sức mạnh của hệ thống chính trị, chung sức, đồng lòng, kiên trì nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giữ vững địa bàn an toàn, ổn định chính trị và kinh tế-xã hội có bước tăng trưởng vững chắc.
0:00 / 0:00
0:00
Thành phố Hạ Long ngày càng phát triển trở thành đô thị văn minh, hiện đại.
Thành phố Hạ Long ngày càng phát triển trở thành đô thị văn minh, hiện đại.

Tỉnh Quảng Ninh luôn xác định, giữ vững sự ổn định, an toàn, an ninh, an dân chính là đòn bẩy quan trọng để giữ vững ổn định, đạt được những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm an sinh xã hội.

Năm 2022, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục duy trì ổn định về chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được tăng cường và đi vào chiều sâu.

Quảng Ninh tiếp tục vươn lên, giữ vững vị trí một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới, sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía bắc.

Chính từ sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ cùng với tinh thần đổi mới, sáng tạo, đột phá, ý chí tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn thử thách, vì lợi ích nhân dân mà trong năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của Quảng Ninh đạt hơn 10%, đứng thứ 4 trong vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Cả 3 khu vực kinh tế gồm dịch vụ, công nghiệp-xây dựng, nông-lâm-ngư nghiệp đều tăng so năm 2021. Trong đó, khu vực dịch vụ phục hồi mạnh mẽ, đạt tốc độ tăng trưởng cao (tăng 14,37%) trở thành động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế với mức đóng góp 4,51 điểm % trong GRDP, bù đắp cho các ngành, lĩnh vực khác. Quy mô nền kinh tế đạt 269.000 tỷ đồng, tăng 17,4% so quy mô năm 2022, GRDP bình quân đầu người ước đạt 197,6 triệu đồng/người.

Đây cũng là năm thứ 7 liên tiếp (2016-2022) tỉnh Quảng Ninh đạt mức tăng trưởng 2 con số, được đánh giá là một kỳ tích trong giai đoạn đổi mới mà tỉnh Quảng Ninh đã quyết liệt thực hiện.

Đặc biệt, với những quyết sách đúng đắn, kịp thời, đúng thời điểm đã phục hồi vững chắc ngành du lịch, là nhân tố mang tính quyết định cho tăng trưởng của năm 2022, với tổng lượt khách đạt gần 12 triệu lượt, tăng gấp 2,6 lần so năm 2021.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng quan tâm giữ vững sự ổn định, phát triển của ngành than, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và cả nước.

Quảng Ninh vươn lên từ ý chí tự lực, tự cường ảnh 1

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh kiểm tra tiến độ dự án cảng Vạn Ninh, thành phố Móng Cái.

Một trong những đột phá mang tính bản lề của Quảng Ninh trong năm 2022 là việc đầu tư xây dựng các công trình động lực chiến lược phục vụ cho phát triển kinh tế không riêng của tỉnh mà còn vươn ra cả khu vực và vùng, miền. Hàng loạt các dự án giao thông động lực như: Cầu tình yêu, đường bao biển Hạ Long-Cẩm Phả, cao tốc Vân Đồn-Móng Cái… đã phát huy hiệu quả mạnh mẽ, góp phần đưa tỉnh Quảng Ninh có số kilômét cao tốc lớn nhất cả nước hiện nay.

Song song với đó, tỉnh không ngừng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao các chỉ số điều hành của các cấp chính quyền và năng lực cạnh tranh, thúc đẩy thu hút đầu tư trong nước và ở nước ngoài vào Quảng Ninh, tập trung mạnh mẽ cho công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ cao, ưu tiên các dự án lớn và tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục triển khai các dự án tại các khu công nghiệp trên địa bàn.

Đặc biệt, năm 2022, Quảng Ninh có 4 địa phương cấp huyện hoàn thành Chương tình xây dựng nông thôn mới, đưa tỉnh Quảng Ninh cán đích nông thôn mới cấp tỉnh, bước vào giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đô thị hóa, người dân ngày càng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, phát triển con người, giáo dục, y tế, nhất là đầu tư phát triển giáo dục đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tỉnh quan tâm, đầu tư thỏa đáng, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo quốc gia được giữ vững. Mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân ngày càng được gắn bó, góp phần củng cố và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững mạnh.

Phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của Vùng mỏ cùng với ý chí tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, đổi mới tư duy, sáng tạo và quyết liệt trong điều hành đã được trao truyền qua các thế hệ lãnh đạo chính là động lực để tỉnh Quảng Ninh tiếp tục nỗ lực giữ vững đà tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng an ninh trong năm 2023, với quyết tâm đạt mức tăng trưởng GRDP hơn 10%; tổng thu ngân sách nhà nước đạt hơn 53.062 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng hơn 10%, thu hút vốn FDI ít nhất đạt 1 tỷ USD và phát triển mới ít nhất 2.000 doanh nghiệp; phấn đấu hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và xây dựng triển khai chuẩn nghèo mới. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược; gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh với phát triển con người, xây dựng văn hóa giàu bản sắc.