Trong bối cảnh dường như nhân loại không thể chậm trễ trong hành động, Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) do Ai Cập đăng cai tổ chức, được coi là sự kiện quan trọng để thế giới tìm kiếm một sự đồng thuận nhằm tập hợp sức mạnh cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, cuộc chiến không tiếng súng này vẫn đầy cam go, với những kỳ vọng, song cũng còn nhiều thách thức.
Thực trạng báo động
Biến đổi khí hậu đã gây ra các đợt nắng nóng thường xuyên, dữ dội hơn và những thảm họa thời tiết khắc nghiệt. Một báo cáo tổng hợp số liệu của các nước cho thấy, các đợt nắng nóng trong mùa hè vừa qua đã khiến số ca tử vong vượt dự báo tại châu Âu, với mức hơn 20.000 ca ở các nước Pháp, Ðức, Tây Ban Nha và Anh. Nhiệt độ trong ngày ở các khu vực từ Paris (Pháp) đến London (Anh) có lúc gần chạm ngưỡng 400C hoặc cao hơn.
Các nhà khoa học tại Tổ chức hợp tác quốc tế chuyên nghiên cứu về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu World Weather Attribution (WWA) cho rằng, mức nhiệt cao như vậy gần như sẽ không thể xảy ra nếu không phải do biến đổi khí hậu. Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết, trong ba mươi năm qua, mức độ ấm lên tại châu Âu cao gấp đôi so với phần còn lại của thế giới, trong khi Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) cho rằng, năm nay có mùa hè nóng nhất từ trước đến nay.
Trong khi đó, khu vực vùng Sừng châu Phi đang đối mặt tình trạng khẩn cấp do hạn hán chưa từng có với những hậu quả thảm khốc. Nhiều vùng đất rộng lớn ở Somalia, Ethiopia, Kenya phải đối mặt tình trạng hạn hán kéo dài, trong khi mùa mưa từ tháng 3 đến tháng 5/2022 là mùa mưa khô hạn nhất trong 70 năm qua. Những tháng cuối năm 2022, ít nhất 36,4 triệu người trên khắp vùng Sừng châu Phi bị ảnh hưởng do hạn hán.
Tại châu Á, lũ lụt đã nhấn chìm 30% diện tích của Pakistan, phá hủy mùa màng và cơ sở hạ tầng nông nghiệp, gây thiệt hại về kinh tế lên tới 30 tỷ USD. Tại châu Mỹ, thời tiết khắc nghiệt ở Guatemala làm giảm gần 80% sản lượng ngô, cũng như gây ra “cuộc khủng hoảng cà-phê” trong khu vực, ảnh hưởng nặng nề các cộng đồng dễ bị tổn thương và buộc nhiều người phải di cư đến Mỹ.
Tuy nhiên, trên thực tế tồn tại một nghịch lý là các quốc gia có ít tác động đến khí hậu nhất lại phải hứng chịu hậu quả nặng nề nhất. Các quốc gia công nghiệp phát triển, trong đó có các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), tạo ra hơn 75% lượng khí thải carbon của thế giới, trong khi 10 “điểm nóng về khí hậu” chỉ chiếm 0,13% lượng khí thải carbon. Châu Phi góp phần ít nhất vào cuộc khủng hoảng khí hậu, nhưng lại bị ảnh hưởng nặng nề nhất do những hiện tượng thời tiết toàn cầu bất thường. Sự tàn phá của biến đổi khí hậu kết hợp với các cuộc xung đột tạo ra những tác động sâu rộng trên khắp Lục địa Ðen.
Phải hứng chịu từ hạn hán kỷ lục đến lũ lụt thảm khốc, những điểm nóng về khí hậu tồi tệ nhất trên thế giới đang chứng kiến tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng. Báo cáo phân tích “Nạn đói trong một thế giới đang nóng lên” của Oxford cho thấy, nạn đói cấp tính (xảy ra đột ngột trong một thời gian ngắn và nghiêm trọng) đã tăng 123% trong sáu năm qua ở 10 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của các hình thái thời tiết cực đoan. Các quốc gia gồm Somalia, Haiti, Djibouti, Kenya, Niger, Afghanistan, Guatemala, Madagascar, Burkina Faso và Zimbabwe đã liên tục hứng chịu thời tiết khắc nghiệt trong hai mươi năm qua, ước tính có khoảng 48 triệu người ở những nước này thuộc diện đói cấp tính.
Theo đánh giá của Paris Equity Check, các chính sách về khí hậu của hầu hết các nước giàu và nhiều nền kinh tế mới nổi có phát thải cao có thể khiến nhiệt độ toàn cầu vượt quá mức tăng 1,50C. Cụ thể, các chính sách về khí hậu mà các quốc gia giàu có như Mỹ, Canada và EU đang thực hiện có thể khiến nhiệt độ toàn cầu tăng từ 2,10C đến 3,40C, ngay cả khi các nước này mở rộng tham vọng về giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính trong 18 tháng qua. Trong khi đó, phần lớn các quốc gia nghèo nhất thế giới đang trong lộ trình duy trì mức tăng nhiệt trái đất trong phạm vi giới hạn 1,50C.
Bước đột phá về vấn đề gai góc
Sau các cuộc đàm phán căng thẳng và kéo dài, tại thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập, các nước đã thông qua thỏa thuận khí hậu tổng quát cuối cùng của Hội nghị COP27. Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập kiêm Chủ tịch COP27 Sameh Shoukry (X.Su-cri) đã gõ búa để biểu thị văn kiện thỏa thuận chính trị của COP27 đã được thông qua bằng sự đồng thuận.
Ðáng chú ý, trước khi đạt thỏa thuận cuối cùng, các nước tham dự Hội nghị COP27 đã thông qua điều khoản của thỏa thuận liên quan việc thành lập một quỹ đặc biệt để bù đắp những tổn thất và thiệt hại mà các quốc gia dễ bị tổn thương phải gánh chịu do tác động của sự nóng lên toàn cầu.
Theo đó, các nước giàu có lượng phát thải lớn phải bồi thường những tổn thất và thiệt hại mà các nước đang phát triển phải gánh chịu do các hình thái thời tiết cực đoan. Các nước phát triển được yêu cầu đóng góp vào quỹ đền bù, cùng với các nguồn kinh phí tư nhân và quỹ công khác như các thể chế tài chính quốc tế.
Nội dung liên quan quỹ “tổn thất và thiệt hại” không nằm trong chương trình nghị sự chính thức ban đầu của Hội nghị COP27, song việc đạt được thỏa thuận về quỹ này là nỗ lực của các nước đang phát triển đã biến đây thành chủ đề được quan tâm nhất. Theo các nhà chuyên môn, thỏa thuận về quỹ “tổn thất và thiệt hại” mang tính đột phá về vấn đề gai góc nhất, là bước tiến lịch sử, bước đột phá để đi tới thỏa thuận cuối cùng. Ðiều này vô cùng cần thiết, mở đường cho các hành động cấp bách nhằm chống biến đổi khí hậu.
Vẫn còn những thách thức
Hội nghị COP27 được kỳ vọng có thể thúc đẩy mạnh mẽ hành động chống biến đổi khí hậu toàn cầu trước khi quá muộn. Nhiều báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) đã nhận định, thập kỷ hiện tại sẽ mang tính quyết định để hạn chế sự nóng lên ở mức không quá 1,50C. Tuy nhiên, thỏa thuận cuối cùng được thông qua tại Hội nghị COP27 chưa được như mong muốn, thậm chí nhiều người tỏ ra thất vọng khi cho rằng thỏa thuận không đủ để bảo đảm rằng những nước thải ra nhiều CO2 nhất sẽ đẩy nhanh việc giảm lượng khí thải.
Bộ trưởng Năng lượng Pháp cho rằng, Hội nghị COP27 đạt tiến triển rõ rệt trong vấn đề cung cấp vốn cho các nước dễ bị tổn thương, nhưng thỏa thuận khí hậu chưa đủ tham vọng, cũng như không có tiến bộ trong việc tăng cường nỗ lực giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và cấm sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Thỏa thuận đạt được vẫn duy trì một điều cốt yếu là mục tiêu hạn chế mức nhiệt tăng toàn cầu ở 1,50C so với thời kỳ trước Cách mạng công nghiệp, song có thể sẽ không đáp ứng những tham vọng của Pháp và EU.
Trong khi đó, dù hoan nghênh thỏa thuận khí hậu đã nhất trí về việc thiết lập quỹ hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương khắc phục thiệt hại do biến đổi khí hậu, nhưng Văn phòng Môi trường Liên bang Thụy Sĩ cho rằng, còn rất nhiều câu hỏi chung quanh quỹ này cần được các bên tìm lời giải, như những nước nên tham gia đóng góp cho quỹ, cách phân bổ tiền hỗ trợ và đơn vị quản lý quỹ.
Ngoài ra, Thụy Sĩ cũng lấy làm tiếc khi thỏa thuận không nêu rõ các nghĩa vụ mà những nước phát thải nhiều nhất phải thực hiện. Thụy Sĩ cũng cho rằng, hội nghị chưa thể thông qua những nghị quyết nhằm xóa bỏ than đá, giảm trợ cấp cho ngành khai thác dầu mỏ và khí đốt. Bộ trưởng Khí hậu Bỉ nhận định, các biện pháp giảm phát thải dường như đã bị gạt sang một bên, sự thiếu tin tưởng giữa các bên còn quá lớn.
Thách thức đối với khu vực phía nam bán cầu (gọi chung cho các nước đang phát triển ở Nam Mỹ, châu Phi và châu Á) là duy trì phát thải thấp sau năm 2030. Các nhà nghiên cứu cảnh báo, các quốc gia nghèo hơn cần được các nước giàu hỗ trợ tài chính để duy trì sự phát triển phát thải thấp sau năm 2030. Khoản hỗ trợ tài chính 100 tỷ USD mỗi năm mà các nước phát triển cam kết cung cấp cho các nước đang phát triển hiện nay không đủ để giải quyết vấn đề. Các nước đang phát triển cần nguồn tài chính khí hậu từ 140-300 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030, và con số này có thể lên tới 280-500 tỷ USD/năm vào năm 2050.
Nhiệt độ trái đất đến nay tăng lên 1,20C, gây ra một loạt hiện tượng thời tiết cực đoan, từ các đợt nắng nóng và hạn hán đến lũ lụt và các cơn bão nhiệt đới có sức tàn phá lớn hơn do nước biển dâng. Khủng hoảng khí hậu kéo theo vấn đề an ninh lương thực. Hiện có khoảng 770 triệu người, tức gần 10% dân số thế giới bị đói.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), 48 quốc gia trên thế giới phải đối mặt khủng hoảng lương thực và trong số đó có 10 đến 20 quốc gia có khả năng sẽ yêu cầu viện trợ khẩn cấp, phần lớn thuộc khu vực tiểu Sahara ở châu Phi. Biến đổi khí hậu đang tác động tới mọi mặt của đời sống xã hội, để lại những hệ lụy khôn lường, cản trở lộ trình đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) chủ chốt vào năm 2030.
Thời tiết khắc nghiệt đang ngày càng ảnh hưởng đến những người nghèo, nhất là ở các nước thu nhập thấp. Ðã đến lúc không thể chậm trễ hơn, các nước giàu phải giảm mạnh lượng khí phát thải, đồng thời thể hiện trách nhiệm giúp các nước nghèo vốn phải hứng chịu quá nhiều tổn thất giảm bớt thiệt hại do tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra.