Thông tin từ Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc cho biết, tại Kỳ họp thứ 17 của Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, tổ chức mới đây tại Thủ đô Rabat, Maroc, hồ sơ "Nghệ thuật trà truyền thống và các phong tục liên quan đến trà của Trung Quốc" đã được công nhận và ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của UNESCO.
Nghệ thuật trà truyền thống và các phong tục liên quan đến trà của Trung Quốc là hệ thống kiến thức, quy trình kỹ thuật và thực hành liên quan đến quản lý vườn trà, thu hái lá trà, chế biến trà, cũng như thưởng thức và chia sẻ trà.
Theo đánh giá của UNESCO, nghệ thuật trà là câu chuyện từ lá trà đến chén trà, phản ánh văn hóa trà đã thấm sâu vào đời sống xã hội ở Trung Quốc, trở thành một phần không thể thiếu trong các sinh hoạt ở gia đình, công sở, quán trà, nhà hàng và cơ sở tôn giáo.
Các kiến thức này, đã được trao truyền trong phạm vi gia đình và việc học nghề qua các thế hệ, trong đó có các nhà sản xuất, nông dân trồng trà và nghệ nhân trà, cũng như những người chế biến các đồ ăn để thưởng thức cùng với trà.
Từ xa xưa, người Trung Quốc đã biết trồng, hái, chế biến và thưởng thức trà. Ban đầu được sử dụng như là một loại thuốc, trà dần trở thành một loại đồ uống, được sử dụng rộng rãi trong xã hội. Văn hóa trà manh nha từ thời Đường, hình thành vào đời Tống, cải cách vào đời Minh, phát triển cực thịnh vào đời nhà Thanh, tiếp tục duy trì ảnh hưởng sâu rộng tới tận ngày nay.
Tùy theo điều kiện tự nhiên và khí hậu của các vùng miền, người Trung Quốc đã sử dụng các kỹ thuật chính như khử trùng, ủ vàng, lên men, làm khô, ướp hương..., phát triển thành 6 chủng loại trà chủ yếu gồm trà xanh, trà vàng, trà đen, trà trắng, trà ô long, trà hồng và các loại trà hoa.
Thống kê cho thấy, trên phạm vi cả nước Trung Quốc, có hơn 2.000 sản phẩm trà khác nhau, phục vụ việc thưởng thức, chia sẻ giữa người dân, từ đó hình thành các phong tục, tập quán khác nhau, truyền từ đời này sang đời khác, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày, các sự kiện lễ hội và nghi thức trong xã hội.
Người Trung Quốc có câu "Mở cửa ra phải nghĩ đến 7 thứ: Củi, gạo, dầu, muối, tương, giấm, trà", đủ thấy vai trò của trà như một "nhu yếu phẩm" thiết yếu trong cuộc sống. Ngày nay, trong các nghi thức giao tiếp xã hội, thậm chí là nghi lễ ngoại giao tiếp đón khách nước ngoài, người Trung Quốc thường tổ chức các buổi tiệc trà, diễn ra trong thời gian ngắn, phạm vi nhỏ, để cả chủ và khách vừa thưởng thức trà và các đồ điểm tâm, vừa cùng đàm đạo, giao lưu, tăng cường hiểu biết và tình cảm gần gũi.
Các kỹ thuật chế biến trà chủ yếu tập trung ở 4 khu vực sản xuất trà lớn là Giang Nam, Giang Bắc, Tây Nam và Hoa Nam; các phong tục, tập quán liên quan đến trà có ở tất cả các địa phương của Trung Quốc, thể hiện sức sáng tạo và tính đa dạng văn hóa, truyền tải nhiều triết lý nhân sinh sâu sắc.
Đáng chú ý, thông qua các tuyến đường giao thông, kết nối với thế giới như Con đường tơ lụa, Con đường trà mã cổ đại, Con đường trà vạn lý..., nghệ thuật trà Trung Quốc đã sớm được giới thiệu với thế giới bên ngoài, trở thành nhịp cầu thúc đẩy trao đổi, giao lưu, học hỏi lẫn nhau giữa các nền văn minh, văn hóa trên thế giới, trở thành tài sản chung của nền văn minh nhân loại.
Hồ sơ Nghệ thuật trà truyền thống và các phong tục liên quan đến trà của Trung Quốc do 15 tỉnh, thành phố, khu tự trị như Phúc Kiến, Bắc Kinh, Chiết Giang, Vân Nam... cùng xây dựng, với sự tham gia của 83 nhóm cộng đồng, như doanh nghiệp, hiệp hội, thương hội trà; nghệ nhân trà, bảo tàng, cơ sở nghiên cứu... Đến nay, với tổng cộng 43 di sản được UNESCO ghi danh, Trung Quốc duy trì vị trí quốc gia có số lượng di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại nhiều nhất trên thế giới. Nước này đã xây dựng 23 khu bảo tồn sinh thái văn hóa cấp quốc gia, để thực hiện chương trình đào tạo và phát triển các di sản văn hóa phi vật thể, với khoảng 100.000 lượt nghệ nhân được đào tạo.