Vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an thành phố Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận) tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam hai tháng đối với Vũ Thành Nam (trú tại phường Phủ Hà, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm) về hành vi cố ý gây thương tích. Nguyên nhân sự việc, ông Hồ Đắc Văn là kiểm sát viên công tác tại Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Thuận điều khiển xe máy trên đường 21 tháng 8, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, và dừng xe chờ tín hiệu đèn.
Thấy vậy, Vũ Thành Nam đang điều khiển xe ô-tô chờ đèn đỏ liền xuống xe, dùng tay đánh nhiều lần vào mặt ông Hồ Đắc Văn, gây thương tích 4%. Việc đối tượng Nam tấn công ông Văn là do Nam bị Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận tuyên phạt 8 năm tù giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ông Hồ Đắc Văn là kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa. Trong thời gian bị cáo Vũ Thành Nam được tại ngoại chờ phiên xét xử phúc thẩm thì xảy ra sự việc.
Trước đó, vào ngày 25/10/2021, tại tổ 7, khu Tân Lập 1, phường Cẩm Thủy, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh do mâu thuẫn trong nợ tiền mua bán con hàu, cho nên bà Đặng Thị Thanh và ông Tô Việt Đức đã cãi nhau, dẫn đến xô xát. Cụ thể, ông Đức đã dùng tay, chân đánh bà Thanh phải vào bệnh viện điều trị với các thương tích như vết sưng nề, bầm tím đỉnh phải; sưng nề, bầm tím 1/3 trên ngoài cánh tay phải; vết bầm tím 1/3 giữa mặt ngoài cánh tay phải; vết bầm tím lưng phải,… Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 192/22/TgT ngày 15/3/2022 của Trung tâm Pháp y-Sở Y tế Quảng Ninh, kết luận: Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại đối với bà Đặng Thị Thanh là 0%. Căn cứ khoản 1, 2 Điều 157 Bộ luật Tố tụng Hình sự, ngày 21/4/2022, Cơ quan CSĐT Công an thành phố Cẩm Phả đã ra Quyết định không khởi tố hình sự đối với vụ việc nêu trên và chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm vụ án hành chính.
Mặc dù vào ngày 29/4/2022, ông Đức bị cơ quan chức năng phường Cẩm Thủy xử phạt về hành vi “Xâm hại đến sức khỏe của người khác” được quy định tại điểm e khoản 3 Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ, tuy nhiên nhiều người dân chứng kiến vụ việc không khỏi bức xúc, bởi ngay sau khi bị hành hung, bà Thanh đã trình báo Công an phường nhưng không được giải quyết kịp thời, thỏa đáng ngay tại thời điểm đó.
Sự việc chỉ được Công an thành phố Cẩm Phả xác minh, giải quyết và kết luận vụ việc vào ngày 21/4/2022, sau khi bà Thanh gửi đơn tố cáo ông Đức đến Báo Nhân Dân và Báo đã gửi Công văn số 1275-CV/BND-BBĐ yêu cầu người đứng đầu các cơ quan công an, viện kiểm sát nhân dân, UBND thành phố Cẩm Phả xử lý, giải quyết và thông tin bằng văn bản kết quả chính thức để trả lời bạn đọc. Sau hơn năm tháng, khi các vết thương đã lành thì bà Thanh mới được đi giám định thương tích với tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên chỉ còn là 0%.
Trong khi tại thời điểm bị hành hung và điều trị tại bệnh viện, các bác sĩ cũng đã nêu rõ tình trạng các vết thương trong bệnh án. Bà Thanh cho rằng, vào thời điểm đó mà các cơ quan chức năng giải quyết rốt ráo như bây giờ thì ông Đức sẽ không thể bị phạt hành chính. Hiện bà Thanh đang hoàn tất các thủ tục để khởi kiện ông Đức ra TAND thành phố Cẩm Phả theo quy định.
Theo Luật sư Lã Thị Ánh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), đối với vụ việc thứ nhất, Cơ quan CSĐT Công an thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận đã khởi tố, bắt tạm giam đối tượng là kịp thời và đúng theo quy định của pháp luật. Với vụ việc thứ hai xảy ra ở thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh), việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền còn chậm trễ và không thỏa đáng, khiến dư luận bức xúc. Căn cứ theo Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), hành vi cố ý gây thương tích đối với tỷ lệ thương tích của người bị hại từ 11% trở lên hoặc dưới 11%, nhưng dùng hung khí nguy hiểm hoặc các thủ đoạn khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu hành vi hành hung chưa gây thương tích hoặc gây thương tích cho người bị hại dưới 11% có thể xem xét, xử lý ở tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015. Ngoài ra, các cơ quan chức năng có thể căn cứ theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ mà xử phạt vi phạm hành chính cho phù hợp.
Những vụ việc cố ý gây thương tích chủ yếu do các cá nhân không giải quyết được mâu thuẫn trong cuộc sống, nhất là những mâu thuẫn trong gia đình. Do môi trường giáo dục của gia đình chưa tốt; cha, mẹ chưa quan tâm đến việc giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống, nhân cách cho con cái. Do thiếu hiểu biết pháp luật và việc thực thi pháp luật còn hạn chế. Bạo lực gia đình hoặc do định kiến về giới, hiếu thắng, cho nên dù là mâu thuẫn nhỏ cũng dễ dẫn đến xô xát. Ngoài ra, còn do tinh thần, ý chí cá nhân nằm ngoài tầm kiểm soát, không tỉnh táo, dễ bị kích động dẫn đến việc phạm tội.
NGUYỄN THỊ THƯỢC Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang
Để ngăn chặn có hiệu quả với tội phạm cố ý gây thương tích, cấp ủy, chính quyền địa phương,… cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến các tầng lớp nhân dân. Phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phát huy vai trò của các tổ an ninh tự quản, tổ hòa giải nhân dân,... tại các khu dân cư. Cần quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục nhân cách con người, nhất là những học sinh, sinh viên tại các nhà trường. Tăng cường vận động người thân tránh xa rượu, bia, các chất kích thích và các tệ nạn xã hội. Xét xử lưu động các vụ án cố ý gây thương tích tại địa phương để tăng cường giáo dục phòng ngừa chung.
Thượng tá NGÔ ĐỨC THÀNH, Trưởng Công an thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ