Triển khai mô hình “Cảnh sát giao thông Vĩnh Phúc thân thiện, vì nhân dân phục vụ”

NDO -

Sáng 5/5, Công an tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức ra mắt và triển khai mô hình điểm “Cảnh sát giao thông Vĩnh Phúc thân thiện, vì nhân dân phục vụ”. Theo đó, cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh và Đội Cảnh sát giao thông Công an các huyện, thành phố sẽ thực hiện các việc làm cụ thể: Trong giao tiếp, ứng xử phải thực hiện “4 xin, 4 luôn” (xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ).

Cán bộ Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội tiếp công dân tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: Công an tỉnh Vĩnh Phúc)
Cán bộ Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội tiếp công dân tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: Công an tỉnh Vĩnh Phúc)

Khi thực hiện nhiệm vụ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm túc Quy chế, Điều lệnh Công an nhân dân, quy trình công tác; tôn trọng, lắng nghe, sẵn sàng giúp đỡ và phục vụ nhân dân. Cán bộ, chiến sĩ lực lượng cảnh sát giao thông không được vi phạm các quy định về đạo đức, nếp sống văn hóa; không vi phạm các nội quy, quy tắc nơi công cộng, các chuẩn mực thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa.

Ban Chỉ đạo mô hình điểm “Cảnh sát giao thông Vĩnh Phúc thân thiện, vì nhân dân phục vụ” đã phát động phong trào thi đua và tổ chức ký giao ước với các đơn vị thực hiện với 6 nhiệm vụ “3 xây, 3 chống”, gồm: Xây dựng tinh thần trách nhiệm, xây dựng đạo đức trong sáng, xây dựng quan hệ với quần chúng nhân dân đúng mực; chống tiêu cực, chống sách nhiễu nhân dân, chống vô kỷ luật, vi phạm quy chế, quy trình công tác, lối sống…

Bên cạnh đó, Công an tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức kế hoạch đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các đơn vị có chức năng giải quyết thủ tục hành chính năm 2022. Trong tháng 4 và tháng 5 năm 2022, Công an tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiến hành đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với các đơn vị: Phòng Quản lý xuất nhập cảnh; Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội; Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn; Phòng Cảnh sát giao thông; Công an các huyện, thành phố; Công an xã, phường, thị trấn.

Nội dung, tiêu chí đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức bao gồm: Tiếp cận dịch vụ hành chính công của cơ quan Công an; thủ tục hành chính; cán bộ giải quyết công việc; kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công; tiếp nhận, giải quyết góp ý, phản ánh, kiến nghị.

Việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức được tiến hành bằng 3 phương pháp: Điều tra xã hội học; Đo lường khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 do Bộ Công an cung cấp; trực tiếp thành lập Tổ công tác đến các đơn vị thực hiện nhiệm vụ đo lường. Sau khi kết thúc thời gian đo lường, Công an tỉnh sẽ thành lập đoàn tiến hành hậu kiểm, phúc tra kết quả đo lường.

Qua cách làm này, Công an tỉnh sẽ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tham mưu đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng phục vụ; từng bước nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức.