Nâng cấp Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN để đáp ứng tình hình mới

NDO -

Việc nâng cấp Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) sẽ nâng cao vị thế của ASEAN trong chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm chi phí thương mại và đưa ASEAN vào con đường tăng trưởng kinh tế bền vững.

Tàu chở hàng cập cảng container quốc tế Cái Lân. (Ảnh: TTXVN)
Tàu chở hàng cập cảng container quốc tế Cái Lân. (Ảnh: TTXVN)

Ông Satvinder Singh, Phó Tổng thư ký phụ trách Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Ban Thư ký ASEAN mới đây đã có bài viết nêu bật những thành tựu cũng như nhu cầu cấp bách về việc phải nâng cấp Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN trong bối cảnh tình hình thế giới khu vực diễn biến phức tạp.

Theo ông Singh, năm 2009, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tồi tệ nhất kể từ cuộc đại suy thoái, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ký Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN nhằm tăng cường cam kết về một nền thương mại khu vực mở cửa và hội nhập.

Ngày 16/3/2022, khi đại dịch Covid-19 chưa từng có tiền lệ vẫn đang tiếp diễn và các cuộc khủng hoảng địa chính trị ngày càng gia tăng, Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN đã khởi động các cuộc đàm phán chiến lược để nâng cấp ATIGA.

Chính những dòng chảy các sự kiện lịch sử này đã tạo cơ hội cho ASEAN tăng cường hội nhập giữa những thách thức toàn cầu mới.

Tuy nhiên, nền kinh tế toàn cầu không chỉ đang dần hồi phục từ một cuộc khủng hoảng mà nó còn đang phát triển về mặt cấu trúc. Điều này là lý do tại sao cần nâng cấp ATIGA.

Với tư cách là hiệp định thương mại hàng đầu của ASEAN, ATIGA sẽ tạo ra cho ASEAN một vị thế kinh tế mạnh mẽ hơn để thích nghi với những chuyển dịch cơ cấu toàn cầu sắp tới do chuyển đổi công nghệ và quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn mang lại, giúp ASEAN thu được những lợi ích đáng kể; đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh và mức độ phù hợp của ASEAN trong lĩnh vực thương mại và đầu tư toàn cầu.

Do đó, các nước mong muốn đàm phán nâng cấp ATIGA để hiệp định này mang lại nhiều lợi ích hơn và có ảnh hưởng hơn so với các thỏa thuận khu vực hay những thỏa thuận ASEAN+ hiện có.

ATIGA - dấu ấn của sự hội nhập kinh tế của ASEAN

ATIGA phát triển từ các hiệp định thương mại trước đó của ASEAN. Chương trình thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung (CEPT), được ký kết năm 1992, là tiền thân trực tiếp của ATIGA. Sau khi sửa đổi CEPT vào năm 1995 và 2003, ASEAN đã nhất trí về một thỏa thuận mới, trở thành ATIGA.

Nâng cấp Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN để đáp ứng tình hình mới -0
 Ông Satvinder Singh, Phó Tổng Thư ký phụ trách Cộng đồng Kinh tế ASEAN. (Ảnh: TTXVN)

ATIGA được xây dựng dựa trên các mục tiêu của CEPT là xây dựng ASEAN như một thị trường và cơ sở sản xuất duy nhất, được đặc trưng bởi sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động có kỹ năng và vốn.

Hiệp định này đã cung cấp các biện pháp thương mại toàn diện, chẳng hạn như tự do hóa thuế quan, quy tắc xuất xứ, các biện pháp phi thuế quan, tạo thuận lợi thương mại và thủ tục hải quan giúp dễ dàng vận chuyển hàng hóa trong khu vực.

Thành công của ATIGA cho đến nay

Thành quả quan trọng nhất của ATIGA là giảm thuế quan thương mại nội khối ASEAN xuống mức 0 đối với hầu hết các loại hàng hóa. Đến nay, hơn 98% tất cả các dòng thuế có thuế suất bằng 0.

Quan trọng hơn, ATIGA đã thiết lập một loạt giải pháp để giúp các doanh nghiệp điều chỉnh các quy tắc thương mại.

Thí dụ, cơ chế một cửa ASEAN ngày nay cho phép trao đổi các tài liệu thương mại dưới dạng điện tử, chẳng hạn như giấy chứng nhận xuất xứ và tờ khai hải quan, cho tất cả các cơ quan Hải quan của 10 quốc gia thành viên ASEAN.

Một thí dụ khác là Kho Lưu trữ Thương mại ASEAN, đóng vai trò như một nguồn thông tin duy nhất về thuế quan, quy định và các thủ tục hành chính.

Các biện pháp này đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại ASEAN. Từ năm 2010 đến năm 2020, thương mại nội khối ASEAN đã tăng từ 500 tỷ USD lên 630 tỷ USD vào năm 2019, chiếm khoảng 24% tổng thương mại của khối.

Thị phần của ASEAN trong thương mại thế giới tăng đều đặn từ khoảng 6% năm 2010 lên 8% năm 2019, cho thấy tốc độ tăng trưởng thương mại nhanh hơn các khu vực khác và phản ánh bản chất hướng ngoại của hội nhập ASEAN.

Đồng thời, khu vực ASEAN vẫn là một trong những khu vực nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều nhất, chỉ đứng sau Trung Quốc.

Bối cảnh toàn cầu đang thay đổi

Một thập kỷ kể từ khi ATIGA được triển khai lần đầu tiên vào năm 2010, ASEAN đang nhận thấy những thay đổi về cơ cấu trong các mô hình thương mại toàn cầu và hội nhập khu vực.

Thứ nhất, mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là ở châu Á, đang chuyển dịch, một phần được kích hoạt bởi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Căng thẳng đã khiến nhiều công ty đa quốc gia, bao gồm cả các tập đoàn Trung Quốc, phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ mà không tập trung hoàn toàn ở Trung Quốc.

Hầu hết các công ty đang xem xét chiến lược "Trung Quốc+1" trong chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó ASEAN là một địa điểm thay thế nổi bật.

Kết hợp với những ảnh hưởng do thiên tai, đại dịch Covid-19, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và các cuộc xung đột quân sự hiện đang diễn ra ở châu Âu, các chuỗi cung ứng toàn cầu đang dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết.

Một ATIGA được nâng cấp cần phải đối phó với những thách thức này và củng cố ASEAN để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp toàn cầu.

Nâng cấp Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN để đáp ứng tình hình mới -0
 Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên tham dự Hội nghị kinh tế ASEAN tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Thứ hai, tiến bộ công nghệ nhanh chóng đang thúc đẩy các mô hình thương mại mới và dẫn đến các loại hàng hóa và dịch vụ mới. Giao dịch điện tử không thủ tục hành chính phức tạp (paperless trading) và thương mại điện tử đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hoạt động trao đổi thương mại các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số đòi hỏi phải có các quy định mới về các vấn đề như bảo vệ dữ liệu, luồng dữ liệu xuyên biên giới và các tiêu chuẩn kỹ thuật số.

Ngoài ra, ASEAN tiếp tục thúc đẩy chương trình nghị sự kinh tế chuyển đổi. Năm 2021, ASEAN đã thông qua Lộ trình Bandar Seri Begawan về chuyển đổi kỹ thuật số, bao gồm kế hoạch cho một thỏa thuận khung về nền kinh tế kỹ thuật số.

Cũng trong năm đó, ASEAN đã thông qua một khuôn khổ cho nền kinh tế tuần hoàn. Năm nay, ASEAN sẽ tiếp tục theo đuổi chương trình nghị sự về môi trường thông qua một kế hoạch chiến lược về việc trung hòa carbon.

Một ATIGA được nâng cấp cũng được hy vọng sẽ theo đuổi và giúp khu vực chuẩn bị cho một loại trung tâm thương mại mới nổi khác về các giải pháp khí hậu, vốn không chỉ tập trung vào thuế carbon xuyên biên giới, tín chỉ carbon, mà còn cấn tới các hiệp định FTA để thích nghi với nền kinh tế tuần hoàn.

Thứ ba, ASEAN đã mở rộng quy mô và phạm vi hội nhập bao gồm cả khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã bắt đầu có hiệu lực trong năm nay.

RCEP gắn kết ASEAN với Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand, đồng thời đưa ra các lĩnh vực hợp tác kinh tế mới, bao gồm thương mại điện tử, cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp vừa và nhỏ và mua sắm chính phủ.

Cùng với sự phát triển của RCEP, ASEAN hiện đang xem xét và nâng cấp các hiệp định kinh tế của riêng mình như ATIGA và một số Hiệp định ASEAN+1 để bảo đảm các hiệp định này tiếp tục phù hợp với các doanh nghiệp và các bên liên quan khác trong khu vực.

ATIGA hướng tới tương lai

Việc nâng cấp ATIGA kịp thời là điều thực sự cần thiết để đáp ứng và chuẩn bị trước cho những thay đổi toàn cầu này, đồng thời phù hợp với chương trình nghị sự mang tính chuyển đổi của ASEAN.

Một ATIGA được nâng cấp sẽ đơn giản hóa hơn nữa các quy tắc xuất xứ hàng hóa, mở rộng việc áp dụng các công nghệ thương mại và các tài liệu số hóa, đồng thời hài hòa hóa các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật.

ATIGA cũng sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa giải quyết các mối quan tâm về tính bền vững và tuần hoàn, cũng như thúc đẩy thương mại kỹ thuật số.

Một ATIGA được nâng cấp và hướng tới tương lai sẽ có những tác động đáng kể đến các doanh nghiệp và các bên liên quan khác.

Hiệp định này cũng sẽ nâng cao vị thế của ASEAN trong chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm chi phí thương mại, giảm các rào cản pháp lý, giải quyết các nút thắt hậu cần và đưa ASEAN vào con đường tăng trưởng kinh tế bền vững và mang tính bao trùm hơn.

Do đó, các doanh nghiệp có thể tận dụng vị thế của ASEAN như một thị trường và cơ sở sản xuất duy nhất để nâng cao khả năng cạnh tranh tổng thể của khu vực.

Việc ATIGA ký kết vào năm 2009 và khởi động đàm phán nâng cấp vào năm 2022 đều là những thời điểm lịch sử thế giới và khu vực nảy sinh những yếu tố khó lường, phức tạp.

Tuy nhiên, đó là cơ hội vàng để ASEAN củng cố vị thế của mình trong một thế giới đang thay đổi.