Ngày 4/3, kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia cấp THPT năm học 2021-2022 chính thức bắt đầu.
Về cơ bản, kỳ thi vẫn giữ ổn định về phương thức tổ chức như mọi năm. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn, thích ứng với bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định không tổ chức nội dung thi thực hành đối với các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học.
Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia với 12 môn thi gồm: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc. Phạm vi nội dung thi theo chương trình giáo dục THPT hiện hành và chương trình chuyên sâu các môn chuyên THPT.
Kỳ thi diễn ra ở 67 Hội đồng thi, gồm 63 Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục: Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Vinh và Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc. Số cán bộ, giáo viên, giảng viên được điều động tham gia tổ chức kỳ thi lên tới 1.558 người.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các đơn vị tổ chức coi thi ứng phó với dịch Covid-19, bảo đảm an toàn, nghiêm túc; trong đó có việc đề nghị ngành Y tế tăng cường phối hợp, hỗ trợ xử lý các tình huống bất thường do ảnh hưởng dịch bệnh tại Hội đồng coi thi.
Theo kế hoạch, công tác chấm thi được tiến hành từ ngày 8-17/3; công bố kết quả từ ngày 17-20/3; chấm phúc khảo từ ngày 2-5/4.
Liên quan công tác chọn lọc, bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi Việt Nam tham dự các kỳ thi quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định quy định kỳ thi chọn đội tuyển Olympic tổ chức vào 3 ngày, từ ngày 6-8/4; chấm thi từ ngày 9-16/4; công bố kết quả từ ngày 16/4.
Thời gian dự kiến tham dự kỳ Olympic Vật lý và Tin học châu Á-Thái Bình Dương trong tháng 5; tham dự các kỳ Olympic quốc tế trong tháng 7.