Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội đáp ứng nhu cầu nhân lực lĩnh vực khoa học-công nghệ

NDO -

Chiều 9/12, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức lễ ra mắt Hội đồng Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) nhiệm kỳ 2021-2026, trao Quyết định công nhận Chủ tịch Hội đồng trường và trao Quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng chính của trường. 

Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Tham dự có Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery.

Hội đồng trường nhiệm kỳ 2021-2026 có 20 thành viên, trong đó có 10 người Pháp và 10 người Việt Nam đại diện cho Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam; Bộ Giáo dục Đại học, Nghiên cứu và Đổi mới Pháp; Bộ châu Âu và Ngoại giao Pháp; Liên minh vì sự phát triển của USTH (USTH Consortium) cùng các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp  là đối tác chiến lược trong đào tạo và nghiên cứu của trường.

Chủ tịch Hội đồng trường là PGS, TS Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Hiệu trưởng chính là Giáo sư Jean-Marc Lavest, một nhà khoa học giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực khoa học máy tính và tự động hóa.

Phát biểu tại buổi lễ, Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới Chính phủ Pháp và cá nhân ngài Đại sứ vì sự ủng hộ nhiệt tình cho Trường USTH trong suốt 12 năm hình thành và phát triển. Đồng thời cho biết, USTH là một trong những trường đại học tiên phong tại Việt Nam có Hội đồng trường, với 10 thành viên người Pháp và 10 thành viên người Việt Nam. Hội đồng trường có vai trò quan trọng trong việc quyết định phương hướng hoạt động của trường, xác định chiến lược phát triển dài hạn cho nhà trường trên các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, định hướng học thuật, tài chính và hợp tác với doanh nghiệp.

Đến nay, Trường USTH đã có sự phát triển vượt bậc, gặt hái được nhiều thành công. Số lượng sinh viên tuyển sinh liên tục tăng qua các năm. Trong năm học 2020-2021, trường đã mở những ngành đào tạo mới nhằm đáp ứng nhu cầu cao về nhân lực trong lĩnh vực khoa học công nghệ tại Việt Nam. Trường USTH có số lượng bài báo, công bố khoa học đứng thứ 3 trong các cơ sở nghiên cứu trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh lưu ý, giai đoạn 2021-2026 là giai đoạn mở rộng và phát triển bền vững của USTH, với mục tiêu trở thành trường đại học nghiên cứu uy tín được công nhận trong khu vực và trên thế giới, do đó chủ tịch Hội đồng trường cần lãnh đạo Hội đồng trường để đưa ra những quyết sách quan trọng để hỗ trợ cho USTH thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: triển khai cấp bằng đôi cho các chương trình đào tạo hệ đại học (chương trình đào tạo chuẩn theo hệ thống đào tạo của Pháp và bằng được hệ thống các trường đại học của Pháp công nhận); làm việc với các tổ chức quốc tế uy tín về việc thẩm định các chương trình đào tạo của trường; nghiên cứu mở một số ngành đào tạo mới đáp ứng nhu cầu của thị trường Việt Nam và tận dụng thế mạnh của các đối tác Pháp; khai thác hiệu quả nguồn lực và sự hỗ trợ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong công tác đào tạo, nghiên cứu của nhà trường. Nhà trường cần đẩy mạnh hơn nữa các thế mạnh của USTH, khắc phục những khó khăn và bắt nhịp vào Chiến lược Phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2022-2030 và tầm nhìn 2045 nhằm bảo đảm sự phát triển về mọi mặt của USTH trong giai đoạn mới.

Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội đáp ứng nhu cầu nhân lực lĩnh vực khoa học-công nghệ -0
 Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery.

Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery nhấn mạnh, ngoài đại diện của các cơ quan cấp bộ là Bộ Ngoại giao và Bộ Giáo dục Đại học, Nghiên cứu và Đổi mới, các thành viên trong Hội đồng trường USTH còn có các đại diện khối doanh nghiệp và trong lĩnh vực khoa học để có những tầm nhìn gần nhất có thể với sự đổi mới và nhu cầu của thị trường lao động. Đó là  Airbus, một tập đoàn có lịch sử hợp tác lâu đời với USTH, hai doanh nghiệp lớn mới tại Việt Nam là Laboratoires Pierre Fabre và Schneider Electric, có thể đưa ra các đề xuất trong lĩnh vực y tế và năng lượng tái tạo là lĩnh vực hoạt động của hai doanh nghiệp này.

Ngoài ra, với sự tham gia của liên minh USTH Consortium gồm các trường đại học lớn của Pháp, Viện Nghiên cứu phát triển IRD với vai trò là viện nghiên cứu chính của Pháp tại Việt Nam và CNES, một trong những cơ quan vũ trụ chính trên thế giới, Hội đồng trường nhiệm kỳ này sẽ mang tính khoa học rất cao, dẫn dắt nhà trường phát triển trong môi trường nghiên cứu nhiều cạnh tranh hiện nay.

Trường USTH được thành lập trong khuôn khổ Hiệp định Liên chính phủ giữa Việt Nam và Pháp năm 2009 và được đánh giá là dự án hợp tác giáo dục đại học lớn và tham vọng nhất của Chính phủ Pháp tại nước ngoài, minh chứng điển hình cho mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam-Pháp. Năm 2016, trường chuyển từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Trải qua 12 năm xây dựng và phát triển, USTH trở thành trường đại học uy tín trong đào tạo các lĩnh vực khoa học-công nghệ, khẳng định được vị thế trong hệ thống giáo dục Việt Nam và quốc tế, thể hiện ở số lượng sinh viên nhập học các hệ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ liên tục tăng qua các năm. Đặc biệt, năm học 2021-2022, số lượng sinh viên bậc cử nhân đã tăng 74%, số lượng thạc sĩ tăng 133%.