Thư ký điều hành UNFCCC: Các quốc gia phải hành động nhanh chóng sau COP26

NDO -

Thế giới phải nỗ lực nhanh chóng giảm lượng khí thải để hạn chế sự nóng lên 1,5 độ C - một mục tiêu vẫn còn trong tầm tay theo Hiệp ước khí hậu Glasgow, Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), bà Patricia Espinosa cho biết.

Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, bà Patricia Espinosa phát biểu trong cuộc phỏng vấn của Reuters ngày 7/12. Ảnh: Reuters.
Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, bà Patricia Espinosa phát biểu trong cuộc phỏng vấn của Reuters ngày 7/12. Ảnh: Reuters.

Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên kể từ khi Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 ở Glasgow kết thúc vào ngày 13/11, Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), bà Patricia Espinosa nói với Reuters rằng, các thỏa thuận và quyết định ở Glasgow đã đặt ra cho các quốc gia nhiều nhiệm vụ phải thực hiện trước khi diễn ra hội nghị khí hậu tiếp theo của Liên hợp quốc ở Sharm El. -Sheikh, Ai Cập, vào tháng 11/2022.

Bà nói: “Chúng ta có quá nhiều việc phải làm. Chúng ta thực sự có rất ít thời gian để các công việc đạt kết quả".

Hiệp ước khí hậu Glasgow được cam kết bởi gần 200 quốc gia, lần đầu tiên đặt mục tiêu về nhiên liệu hóa thạch - tác nhân lớn nhất gây ra sự nóng lên toàn cầu. Hiệp ước yêu cầu các chính phủ đẩy nhanh việc cắt giảm khí thải và hứa hẹn hỗ trợ nhiều tiền hơn cho các nước nghèo đang vật lộn để thích nghi với một thế giới đang nóng lên.

Tại Hội nghị COP26 kéo dài hai tuần, các quốc gia, công ty và nhà đầu tư cũng đưa ra cam kết từ về việc loại bỏ khí thải từ ô tô và máy bay, hạn chế khí mê-tan gây hiệu ứng nhà kính, bảo vệ rừng và tăng cường tài chính xanh.

Các cuộc đàm phán cũng đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc xác nhận rằng các quốc gia dễ bị tổn thương cần hỗ trợ tài chính nhiều hơn để chuyển đổi không sử dụng nhiên liệu hóa thạch và chuẩn bị cho các tác động khí hậu như bão và sóng nhiệt mạnh hơn.

Theo bà Espinosa, Hiệp ước Glasgow đề cập đến than và nhiên liệu hóa thạch là một thành tựu lớn, ngay cả khi một số các quốc gia phụ thuộc vào than đá yêu cầu thay đổi lời kêu gọi “loại bỏ” nhiệt điện than thành “giảm sử dụng theo từng giai đoạn”.

Bà Espinosa nói: “Điều này cho thấy có sự đồng thuận xung quanh quan điểm rằng chúng ta cần phải loại bỏ than đá, chúng ta cần phải loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, và cũng cần phải hiểu rõ ràng rằng điều này sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều".

Trong vài tháng tới, bà Espinosa cho biết sẽ làm việc với các quốc gia giàu có về kế hoạch thực hiện lời hứa cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm trong tài chính khí hậu. Bà sẽ làm việc với các quốc gia trên một khuôn khổ để tăng số lượng tiền hỗ trợ sau năm 2025.

Nhiệm vụ đó đặc biệt quan trọng, vì nó “sẽ mang lại nhiều niềm tin cho các nước đang phát triển trước khi COP27 bắt đầu tại Ai Cập.

Bà Espinosa, cho biết các nước cũng sẽ làm việc để khởi động Mạng lưới Santiago, ban thư ký mới trong UNFCCC được thành lập để giúp các nước phát triển các chiến lược nhằm giải quyết các tác động của mất mát và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.

Cũng theo kế hoạch, sẽ xây dựng một hệ thống mới để các quốc gia cập nhật các mục tiêu khí hậu của họ thường xuyên hơn.

Bà Espinosa cho biết sẽ hướng đến các ngân hàng phát triển và các tổ chức tài chính, vốn sẽ là trung tâm để bảo đảm cho các quốc gia đang phát triển và dễ bị tổn thương có thể tiếp cận các nguồn vốn cần thiết và các khoản vay chi phí thấp.

Trong những tuần tới, bà có kế hoạch thúc giục các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế ưu tiên đầu tư vào các dự án giúp các quốc gia đang phát triển loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và tăng cường khả năng phục hồi trước các tác động của khí hậu.

Bước dịch chuyển của thế giới nhằm chống biến đổi khí hậu