IEA: Cần đẩy mạnh công nghệ năng lượng sạch để đạt phát thải ròng bằng 0

NDO -

Chỉ có 2 trong số 46 công nghệ và lĩnh vực năng lượng đang “đi đúng hướng” với Kịch bản Phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), đặt ra yêu cầu phải tăng cường hơn nữa những nỗ lực trên tất cả các lĩnh vực để duy trì tính khả thi của mục tiêu trên.

Quá trình khử carbon nhanh chóng hệ thống điện đóng vai trò quan trọng cho sự thành công của quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. (Ảnh: ABC)
Quá trình khử carbon nhanh chóng hệ thống điện đóng vai trò quan trọng cho sự thành công của quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. (Ảnh: ABC)

Ngày 4/11, IEA công bố báo cáo “Theo dõi Tiến độ Năng lượng Sạch (TCEP)”, trong đó đưa ra những đánh giá toàn diện và cập nhật nhất về tiến độ công nghệ năng lượng sạch toàn cầu.

Theo đó, chỉ có 2 trong số 46 công nghệ và lĩnh vực năng lượng được đánh giá là đang đi đúng hướng với lộ trình Phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của IEA. Những phát hiện mới này được đưa ra sau khi IEA tiến hành phân tích và nhận thấy, lượng phát thải CO2 trong ngành năng lượng toàn cầu sẽ tăng lên mức cao thứ 2 trong lịch sử vào năm nay, trong khi đầu tư vào năng lượng sạch mới chỉ chiếm 3% chi tiêu phục hồi kinh tế toàn cầu.

Bất chấp sự gián đoạn từ cuộc khủng hoảng Covid-19, một số công nghệ năng lượng sạch tiếp tục cho thấy sự tiến bộ và vẫn “đi đúng hướng” với tham vọng phát thải ròng bằng 0. Năm 2020, doanh số ô tô điện của thế giới tăng 40% và đạt kỷ lục 3 triệu chiếc, mặc dù doanh số ô-tô nói chung giảm 16% do ảnh hưởng của đại dịch. Dữ liệu ban đầu năm 2021 tiếp tục cho thấy sự tăng trưởng cao hơn. Công nghệ chiếu sáng tiếp đà tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó đèn LED chiếm hơn 50% thị trường chiếu sáng toàn cầu.

Một số công nghệ mới nổi cũng ghi nhận tiến bộ đáng khích lệ, tuy nhiên những xu hướng tích cực này cần phải được đẩy mạnh hơn nữa trong thập kỷ hiện tại để đạt mức độ triển khai phù hợp với quỹ đạo phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Việc bổ sung dung lượng pin lưu trữ đã tăng 50% trong năm ngoái lên mức cao nhất từ trước đến nay, trong khi nhiên liệu khí hydro chứng kiến một năm kỷ lục về hành động chính sách và sản xuất carbon thấp. Động lực đằng sau việc thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon đã tăng lên trong những năm gần đây, tuy nhiên việc triển khai công nghệ này còn thấp so với mức cần thiết trong lộ trình đạt mục tiêu trên.

Theo báo cáo TCEP, tổng cộng có 18 lĩnh vực công nghệ cần cải thiện thêm, trong khi 26 lĩnh vực “không đi đúng hướng” với Kịch bản Phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Một trong những ngành quan trọng nhất không đi đúng hướng là sản xuất điện, với lượng phát thải thải giảm 3% năm 2020 nhờ các biện pháp hạn chế Covid-19 cùng tỷ trọng năng lượng tái tạo tăng cao kỷ lục, nhưng được dự báo sẽ phục hồi vào năm nay do nhu cầu điện và sản xuất nhiệt điện than tăng. Quá trình khử carbon nhanh chóng hệ thống điện đóng vai trò rất quan trọng cho sự thành công của quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, bởi sản xuất điện chiếm 40% lượng phát thải CO2 trong ngành năng lượng, và điện đang được sử dụng ngày càng nhiều để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong các ngành nghề then chốt của nền kinh tế.

Ngoài ra, phát thải khí methane từ các hoạt động khai thác dầu khí - nguyên nhân gây ra khoảng 7% lượng phát thải khí nhà kính của ngành năng lượng toàn cầu - dự kiến sẽ tăng trở lại trong năm 2021 cùng với việc tăng sản lượng dầu và khí đốt. Theo tính toán trong Kịch bản Phát thải ròng bằng 0 của IEA, lượng phát thải methane phải giảm 75% vào năm 2030 so với mức hiện nay thì mới đạt yêu cầu.

Phân tích trong báo cáo TCEP được tiến hành dựa trên những hiểu biết độc quyền của IEA về thị trường, mô hình, công nghệ và số liệu trong ngành năng lượng để theo dõi và đánh giá tiến độ triển khai, hiệu suất, đầu tư, chính sách và đổi mới công nghệ. Mạng lưới công nghệ toàn cầu rộng lớn của IEA, gồm hơn 6.000 chuyên gia trong Chương trình Hợp tác Công nghệ (TCP), cũng đóng góp một phần không nhỏ.

Trước tính khẩn cấp và quy mô hành động cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch trên toàn thế giới, TCEP đưa ra một danh sách toàn diện các khuyến nghị hành động cho các chính phủ, ngành công nghiệp và các thành phần chủ chốt khác trong hệ thống năng lượng toàn cầu.

Báo cáo TCEP là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của IEA nhằm theo dõi các quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu, từ đó giúp các nhà hoạch định chính sách và công chúng biết được lĩnh vực nào cần tập trung đổi mới, đầu tư để có thể đạt được các mục tiêu về khí hậu và phát triển bền vững.