Châu Âu đẩy mạnh nông nghiệp “xanh”

Ủy ban Nông nghiệp của Nghị viện châu Âu (EP) vừa thông qua các quy định về điều chỉnh các khoản trợ cấp nông nghiệp trị giá hàng trăm tỷ euro của Liên hiệp châu Âu (EU). Các quy định này nhằm khuyến khích nông dân châu Âu áp dụng các mô hình sản xuất thân thiện với môi trường, giúp nông nghiệp EU trở nên “xanh” hơn.

Cà chua tại Urban Farmers (Hà Lan) đến thời kỳ thu hoạch. (Ảnh: vov.vn)
Cà chua tại Urban Farmers (Hà Lan) đến thời kỳ thu hoạch. (Ảnh: vov.vn)

Ba điều luật mà Ủy ban Nông nghiệp của EP vừa thông qua nhằm cơ cấu lại các khoản chi tiêu trong một chương trình mang tên Chính sách nông nghiệp chung (CAP) của EU, trong đó nông dân là đối tượng được hưởng lợi. CAP dành 387 tỷ euro, chiếm hơn 30% ngân sách của EU, để hỗ trợ trực tiếp cho nông dân và phát triển nông thôn giai đoạn 2021 - 2027. Đây là một trong các nỗ lực của EU nhằm cắt giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính - một trong những tác nhân chính của tình trạng biến đổi khí hậu. Trong đó, riêng ngành nông nghiệp đã tạo ra 10% lượng khí thải của EU. CAP dành các khoản trợ cấp (còn gọi là “tiền thưởng”) để khuyến khích nông dân chuyển đổi mô hình sản xuất có hại cho môi trường sang mô hình canh tác thân thiện với thiên nhiên. Trong đó, chính phủ các nước thành viên EU có nghĩa vụ chi trả 20% khoản “tiền thưởng” này cho nông dân trong giai đoạn 2023 - 2024 và tăng lên 25% trong giai đoạn 2025 - 2027.

EU cũng quy định nâng diện tích đất canh tác dành cho nông nghiệp hữu cơ lên 25% vào năm 2030, so với 8,5% hiện nay. Ủy viên phụ trách Nông nghiệp của EU Janusz Wojciechowski nhấn mạnh, CAP khuyến khích thưởng tiền cho những nông dân tuân thủ nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường như chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ, giảm lượng nước thải ra môi trường và không để đất hoang hóa. Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra kế hoạch “Từ trang trại đến bàn ăn” nhằm cải thiện nguồn lương thực, đặc biệt bằng cách tăng tỷ trọng của nông nghiệp hữu cơ và tuân thủ đa dạng sinh học. Kế hoạch cũng đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm hữu cơ mang biểu tượng của EU bằng cách tăng cường sự hiện diện của chúng trong các nhà hàng, bếp ăn trường học và thị trường. Theo số liệu thống kê của EC, doanh số bán các sản phẩm hữu cơ tại châu Âu đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm, có nghĩa mỗi người tiêu dùng châu Âu chi 84 euro hằng năm cho các sản phẩm hữu cơ. 

EU sẽ áp dụng lộ trình truy nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm nông nghiệp theo hướng khuyến khích và tạo điều kiện cho các sản phẩm hữu cơ được dễ dàng tiêu thụ tại chợ và siêu thị. Ngược lại, sản phẩm của các doanh nghiệp hoặc trang trại chưa đáp ứng được tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường sẽ bị hạn chế đưa ra thị trường. Các nỗ lực của EU là nhằm mục tiêu đưa châu Âu trở nên xanh hơn.