Tháng 12-2020, Thượng viện Ác-hen-ti-na thông qua đạo luật quy định thu thuế tài sản một lần đối với những cá nhân sở hữu tài sản từ 200 triệu pê-xô (2,4 triệu USD) trở lên, nhằm tăng nguồn thu ngân sách phục vụ công tác phòng, chống đại dịch và phục hồi nền kinh tế. Ở Ác-hen-ti-na, mức thuế tài sản, hay còn được gọi là “thuế triệu phú”, sẽ được thu một lần duy nhất là 2% trên tổng tài sản. Theo ước tính, khoảng 12 nghìn người Ác-hen-ti-na sẽ chịu mức thuế trên và Chính phủ nước này sẽ thu về thêm gần 3,7 tỷ USD cho ngân sách. Theo chân Ác-hen-ti-na, Bô-li-vi-a cũng sẽ thu thuế những cá nhân có tài sản hơn 4,3 triệu USD từ năm 2021 và nhiều chính phủ Mỹ la-tinh khác như Pê-ru, Chi-lê... cũng đang lấy ý kiến về việc áp dụng “thuế triệu phú”.
Tài sản của 500 người giàu nhất thế giới, theo bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg, đã tăng thêm 7.600 tỷ USD trong năm 2020, càng làm nới rộng bất bình đẳng thu nhập và khoảng cách giàu - nghèo ở các quốc gia. Trong bối cảnh đại dịch hoành hành, phương án thu thuế giới siêu giàu được bàn luận như một giải pháp khắc phục tình trạng thâm hụt tài khóa do các chính phủ mất đi nguồn thu thuế từ các hoạt động kinh tế, trong khi các khoản chi cho y tế, hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân tăng cao. Các chính trị gia cánh tả cho rằng, chính sách thuế thu nhập phổ thông hiện nay vẫn chưa đạt hiệu quả mong đợi trong việc thu hẹp bất bình đẳng xã hội.
Trong quá khứ, tại châu Âu, nhiều quốc gia từng áp dụng thuế tài sản vào những năm của thập niên 1990 nhưng đến nay chỉ còn bốn nước duy trì là: Bỉ, Tây Ban Nha, Na Uy và Thụy Sĩ. Gần đây nhất, năm 2017, chính quyền Tổng thống E.Ma-crông khi xóa bỏ đạo luật thu thuế tài sản ở Pháp cũng đã vấp phải nhiều chỉ trích, ông E.Ma-crông còn bị gọi với biệt danh là “Tổng thống của người giàu”. Các chuyên gia kinh tế Pháp ủng hộ xóa bỏ thuế tài sản lập luận, khoản thu này chỉ đóng góp 2% tổng thu ngân sách từ thuế nhưng làm giảm lượng vốn có thể được tái đầu tư vào nền kinh tế và khiến cho nhiều tài sản của Pháp “chảy máu” ra nước ngoài với mục đích trốn thuế. Thực tế, nhiều quốc gia châu Âu hủy bỏ quy định áp thuế tài sản cá nhân vì những lỗ hổng pháp lý và nguồn thu này còn khá nhỏ, phần lớn các chính phủ chỉ tập trung vào việc áp thuế trên thu nhập hằng năm.
Trong tình hình “bình thường mới”, đại dịch Covid-19 đang làm nóng lại cuộc tranh luận thu thuế tài sản. Trong giai đoạn 2020-2021, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, nợ công của những nước phát triển tăng gần 20% và ở các nước đang phát triển là 10%. Cùng giai đoạn này, số người bị đẩy vào tình trạng đói nghèo trên thế giới lên đến 250 triệu người. Thuế tài sản vì vậy được xem như một phương án có thể góp phần thu hẹp khoảng cách xã hội, tăng khoản ngân sách cho chính phủ chi tiêu vì những mục đích xã hội. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, việc lựa chọn giữa cách áp thuế tài sản một lần hay hằng năm và giữa các loại, mức tài sản cần được cân nhắc để bảo đảm tính công bằng và vẫn chia sẻ lợi ích xã hội hài hòa.
Sau đại dịch, nền kinh tế thế giới giảm tốc sẽ khiến các chính phủ phải xem xét nhiều phương án chính sách tài khóa hơn. Lịch sử của những lần “thuế triệu phú” được áp dụng trước đây chưa thể chứng minh được lợi ích tuyệt đối mà chính sách này có thể đem lại. Thuế tài sản có thể sẽ là “con dao hai lưỡi” trong tiến trình phục hồi của các quốc gia.
“Thuế triệu phú”
Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã khiến hàng trăm triệu người bị mất thu nhập, giảm thu nhập trên khắp thế giới, kết quả xóa đói nghèo của nhiều quốc gia bị đảo ngược. Tài sản của những người giàu nhất thế giới, bất chấp tình hình kinh tế chung suy giảm, vẫn tăng trưởng kỷ lục. Phương án tính thuế dựa trên tổng tài sản đang được nhiều chính phủ cân nhắc áp dụng.
Sự chênh lệch giàu nghèo tại thủ đô Bu-ê-nốt Ai-rét (Ác-hen-ti-na). Ảnh The Bubble |