Tỉnh chỉ đạo các cấp ủy, ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy thực hiện công tác luân chuyển nêu trên bảo đảm đúng quy trình, bám sát những yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn. Ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy thường xuyên quan tâm, chú trọng luân chuyển đội ngũ cán bộ có trình độ, kinh nghiệm và uy tín về cơ sở, nhằm hướng đến các mục tiêu đào tạo, rèn luyện để đội ngũ cán bộ trưởng thành qua môi trường thực tiễn; đồng thời giúp cơ sở khắc phục khó khăn, kiện toàn đội ngũ cán bộ chủ chốt bằng nguồn nhân lực chất lượng. Việc luân chuyển cũng đã góp phần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo để tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm; giải quyết những vấn đề vướng mắc, nổi cộm, bức xúc phát sinh như: Giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai, tài chính, xây dựng cơ bản…; góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở.
* Giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Ninh Thuận đề ra mục tiêu đào tạo nghề cho 45.000 lao động, trong đó đào tạo ở trình độ cao đẳng, trung cấp cho 6.500 người; đào tạo nghề ngắn hạn 38.500 người. Tỉnh tiếp tục ưu tiên đào tạo nghề cho lao động tham gia các nhóm ngành phát triển kinh tế trụ cột: Năng lượng tái tạo, xây dựng và kinh doanh bất động sản, nông - lâm - thủy sản, du lịch, công nghiệp, giáo dục và đào tạo. Xây dựng danh mục đào tạo nghề gồm 110 nghề nông nghiệp, chín nghề phi nông nghiệp, 24 nghề thương mại dịch vụ, 14 nghề tiểu thủ công nghiệp, 35 nghề đặc thù. Tập trung thực hiện hoạt động giới thiệu việc làm, khảo sát, cập nhật thông tin về thị trường lao động; điều tra nhu cầu học nghề, nhu cầu tuyển dụng lao động của các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, quy hoạch phát triển sản xuất của các địa phương để từ đó đưa ra giải pháp đào tạo, giáo dục nghề nghiệp phù hợp nhu cầu tuyển dụng thực tế.
Tỉnh hiện có 21 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo 17 nghề ở trình độ cao đẳng, 10 nghề trình độ trung cấp, 187 nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới ba tháng với quy mô đào tạo nguồn nhân lực 8.500 người/năm. Giai đoạn 2010 - 2019, tỉnh đã đào tạo nghề cho gần 90.000 người, trong đó đào tạo nghề dài hạn bậc cao đẳng, trung cấp hơn 10.000 người; đào tạo nghề ngắn hạn cho hơn 79.000 người (trong đó có hơn 32.600 lao động nông thôn), với tổng kinh phí hơn 55,4 tỷ đồng.