Phấn đấu đến năm 2025 huyện Đắk Glong sẽ “thoát nghèo”

Trước thềm Đại hội Đảng bộ huyện Đắk Glong nhiệm kỳ 2020-2025, Báo Nhân Dân đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong Vũ Tá Long về những giải pháp đột phá, chiến lược của Đảng bộ, để phấn đấu đến năm 2025 đưa Đắk Glong thoát ra khỏi tình trạng của một huyện nghèo như hiện nay.

Hồ Tà Đùng, thuộc xã Đắk Som - điểm nhấn lý tưởng đối với các nhà đầu tư kinh doanh du lịch.
Hồ Tà Đùng, thuộc xã Đắk Som - điểm nhấn lý tưởng đối với các nhà đầu tư kinh doanh du lịch.

Phóng viên: Thưa đồng chí, so với chỉ tiêu Nghị quyết đặt ra, trong nhiệm kỳ vừa qua Đảng bộ huyện Đắk Glong đã đạt được những kết quả nỗi bật nào?

Đồng chí Vũ Tá Long, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong: Huyện Đắk Glong được thành lập theo Nghị định số 82/2005/NĐ-CP, ngày 27-6-2005 của Chính phủ, có tổng diện tích tự nhiên là 144.875,46 ha; tổng dân số khi thành lập là 20.504 người và hiện nay là 73.851 người; gồm 07 đơn vị hành chính cấp xã; toàn huyện có 30 dân tộc anh em sinh sống, dân tộc thiểu số chiếm 55,77%, trong đó dân tộc Mông chiếm đa số… Đắk Glong là huyện có diện tích tự nhiên rộng, tài nguyên rừng phong phú và đa dạng, trữ lượng khoáng sản dồi dào, đặc biệt là Bô-xít. Có nhiều sông suối, ao hồ, thuận lợi cho việc xây dựng thủy điện và phát triển du lịch sinh thái. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của huyện còn cao, theo kết quả rà soát hộ nghèo năm 2019 thì tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 40,9%, trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 79,3%; tỷ lệ hộ cận nghèo là 9,68%. Địa hình chia cắt mạnh bởi đồi núi và sông, suối; tạo độ dốc cao, giao thông đi lại khó khăn; đất đai khô cằn, chủ yếu là loại đất Bô-xít và đất Feralit nâu đỏ, do vậy đã hạn chế đến diện tích đất sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của người dân.

Đại hội Đảng bộ huyện Đắk Glong lần thứ 3, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra các mục tiêu kinh tế - xã hội, bảo đảm  quốc phòng - an ninh, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về mọi mặt, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, khắc phục khó khăn, tận dụng tối đa nguồn lực, khai thác triệt để tiềm năng nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đưa huyện Đắk Glong phát triển nhanh và bền vững.

Trong 13 nhóm chỉ tiêu (với 44 chỉ tiêu thành phần) về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị mà Nghị quyết Đại hội 3 đề ra, có bảy nhóm chỉ tiêu đạt và vượt; năm nhóm chỉ tiêu xấp xỉ đạt và một nhóm chỉ tiêu không đạt.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân tăng 14,21%/năm; Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 (theo giá hiện hành) đạt 30 triệu đồng/người/năm, đạt 114,46%, tăng bình quân 5,8%/năm.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong nhiệm kỳ đạt 8.770,5 tỷ đồng, đạt 162,21%. Tổng thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 6%/năm, đạt so với nghị quyết đề ra.

100% thôn, bon có 1 - 2 km đường được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 66% đường xã quản lý được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đạt 110%; Số hộ được sử dụng điện đạt 90%, đạt 100%; 95,08% thôn, bon có điện lưới quốc gia, đạt 100,08%.

Giải quyết việc làm cho gần 10 nghìn lao động, đạt 128,04%; tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm 5,21%, trong đó: dân tộc thiểu số là 5,6%.

Hệ thống y tế, giáo dục, công tác bảo tồn giá trị văn hóa, chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm đầu tư, kết quả đạt và vượt mục tiêu nghị quyết đề ra, đáp ứng được nhu cầu học tập, khám chữa bệnh, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân…

Phóng viên: Trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ huyện đã đề ra những giải pháp đột phá, trọng tâm nào để đưa Đắk Glong phát triển, sớm thoát khỏi tình trạng khó khăn của huyện 30a như hiện nay?

Đồng chí Vũ Tá Long: Với xuất phát điểm thấp, nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, trong khi đó đầu ra của sản phẩm, giá cả các mặt hàng nông nghiệp bấp bênh nên chưa tạo được chuỗi giá trị bền vững, thu nhập của người dân không ổn định. Mặt khác, do trình độ dân trí còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo cao; vẫn chưa kiểm soát được tình hình dân di cư ngoài quy hoạch từ các tỉnh phía Bắc đến địa bàn sinh sống. Tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng và khai thác khoáng sản trái phép diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Cơ sở hạ tầng tuy được quan tâm đầu tư nhưng thiếu đồng bộ do nguồn kinh phí không đáp ứng nhu cầu. Số lượng học sinh tăng nhanh, đội ngũ giáo viên còn thiếu so với quy định, cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu dạy và học chưa đáp ứng được yêu cầu…

Để khắc phục được thực trạng nêu trên, Đảng bộ huyện Đắk Glong đã đề ra hai tập trung và hai đột phá trong nhiệm kỳ tới đó là: Tập trung quản lý bảo vệ rừng, quản lý đất đai gắn với dân cư, trong đó chú trọng: xây dựng quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng, đất đai, xây dựng; huy động mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới.

Tập trung nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính kế thừa, liên tục; tập trung cải cách hành chính, chú trọng cải cách thủ tục hành chính bảo đảm  thông suốt, đúng pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức và cá nhân.

Đột phá trong phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, liên kết thị trường. Đột phá trong phát huy hiệu quả mọi nguồn lực để thực hiện tốt công cuộc xóa đói giảm nghèo cho người dân một cách bền vững, phấn đấu đến năm 2025 huyện Đắk Glong thoát nghèo. 

Các giải pháp bảo đảm  thực hiện thành công cho hai tập trung và hai đột phá nêu trên được đảng bộ xác định đó là: Khai thác tối đa những tiềm năng, lợi thế của địa phương như: khí hậu, thổ nhưỡng, tài nguyên khoáng sản, nguồn nhân lực... để phát triển ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ - du lịch. Tập trung phát triển các vùng chuyên canh theo hình thức trang trại, gia trại, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích các hình thức chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Quản lý tốt quy hoạch, thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển lâm nghiệp nhằm khai thác triệt để diện tích lâm nghiệp trên địa bàn, tăng độ che phủ rừng, nâng cao đời sống của người dân sống bằng nghề rừng. Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn”.

Phấn đấu đến năm 2025 huyện Đắk Glong sẽ “thoát nghèo” -0
Khuyến khích người dân phát triển kinh tế theo hướng công nghệ cao, tạo ra chuỗi giá trị liên kết trong sản xuất. 

Tạo điều kiện và môi trường thuận lợi nhằm thu hút tối đa các nguồn lực đầu tư cho phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trên các lĩnh vực. Phấn đấu tăng thu ngân sách hàng năm bình quân trên 7%; tiếp tục nâng cao năng lực hoạt động tín dụng, đáp ứng nhu cầu về vốn phục vụ nhu cầu kinh tế - xã hội. Chi ngân sách bảo đảm  tiết kiệm, đúng nguyên tắc, đúng pháp luật. Tập trung nguồn lực thực hiện các dự án ổn dịnh dân di cư tự do đã phê duyệt; quản lý, thực hiện tốt quy hoạch ba loại rừng, phối hợp quản lý các diện tích đất của các Công ty lâm nghiệp giải thể bàn giao cho địa phương quản lý. Phát triển hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, bảo đảm hạ tầng cấp điện, cấp nước và chiếu sáng đô thị, thông tin liên lạc thông suốt.

Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và bổ sung giáo viên, đáp ứng yêu cầu dạy và học. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục và đào tạo, xây dựng xã hội học tập. Quy hoạch và phấn đấu xây dựng các trường học từng bước theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia. Thực hiện tốt công tác BHYT, công tác y tế dự phòng và các chương trình, mục tiêu y tế quốc gia. Thực hiện có hiệu quả các chính sách về y tế, dân số, kế hoạch hoá gia đình. Tiếp tục phát triển các lĩnh vực văn hóa, thông tin, thể thao, gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện tốt phong trào xây dựng đời sống văn hóa sâu rộng trong nhân dân. Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Chăm lo bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, thực hiện tốt các chính sách đối với người có công. Chú trọng công tác xóa đói, giảm nghèo; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, dự án và các giải pháp, chính sách an sinh xã hội để hỗ trợ sản xuất, ổn định đời sống đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.

Tập trung xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân; lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, công tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm; xây dựng cơ quan tư pháp trong sạch vững mạnh. Đẩy mạnh công tác thanh tra, giám sát và phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng trong toàn Đảng bộ. Chỉ đạo, thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị.

Phóng viên: So với nhiều địa phương khác, Đắk Glong là huyện có tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số cao, thực trạng dân di cư tự do sống không tập trung chủ yếu ở khu vực vùng sâu, vùng xa, sống không hợp pháp trên đất lâm nghiệp, đời sống gặp nhiều khó khăn... Trong nhiệm kỳ này, Đắk Glong sẽ có những giải pháp nào để giải quyết các vấn đề nêu trên, góp phần nâng cao đời sống cho người đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực này?

Đồng chí Vũ Tá Long: Hoạt động sản xuất của đại đa số đồng bào dân di cư tự do đến địa bàn là sản xuất nông nghiệp, trình độ canh tác lạc hậu, các biện pháp khoa học kỹ thuật chưa được áp dụng nhiều vào trong sản xuất; do sống biệt lập, kết cấu hạ tầng nông thôn yếu và thiếu, nhất là đường giao thông nên sản xuất chưa phát triển và còn nhiều hình thức tự cung tự cấp, đời sống vật chất tinh thần của người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân di cư tự do rất cao tập trung chủ yếu vào dân di cư tự do là đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 68%) nhất là ở các khu vực chưa được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Mặc dù trong cộng đồng dân di cư tự do đã khai hoang, chặt phá rừng đốt nương làm rẫy, trong đó hầu hết diện tích đất canh tác chủ yếu trồng cây sắn nên thu nhập không cao, đời sống kinh tế bấp bênh, không bền vững, thu nhập bình quân 4 - 6 triệu đồng/người/năm.

Điều kiện sống và sản xuất khó khăn, hoạt động y tế tại các cụm dân cư hạn chế, người dân không có đủ điều kiện khám chữa bệnh. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi được đến trường thấp, tỷ lệ người thất học, mù chữ cao, nhiều hủ tục lạc hậu vẫn tồn tại, tình trạng du canh, du cư vẫn diễn ra thường xuyên, các hoạt động văn hóa thể thao chưa được quan tâm. Công tác dân số chưa phát huy hiệu quả, tỷ lệ sinh con thứ 3, nạn tảo hôn chưa được kiểm soát…

Trước thực trạng đó, trong nhiệm kỳ tới Đảng bộ Đắk Glong sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do theo Chỉ thị số 39/2004/CT-TTg, ngày 12-11-2004 của Thủ tướng Chính phủ; công tác quản lý bảo vệ rừng theo Chỉ thị số 1685/CT-TTg, ngày 27-9-2011 của Thủ tướng Chính phủ.

 Kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết những tồn tại về đất sản xuất nông nghiệp trên diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp của người dân; đặc biệt là ở khu vực dân di cư tự do.

 Thống kê, quản lý chặt chẽ dân cư trên địa bàn, tiến hành đăng ký hộ tịch, hộ khẩu và đăng ký tạm trú, tạm vắng theo quy định.

Tiếp tục thực hiện đầu tư các dự án đã được UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt và thực hiện bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do đã đến từ các năm trước vào các vùng quy hoạch.

Thực hiện các chính sách hộ trợ như: hỗ trợ di chuyển, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ phát triển sản xuất… đối với các hộ dân di cư tự do chấp hành theo sự bố trí, sắp xếp của địa phương.

Phối hợp các tỉnh thường xuyên có dân di cư tự do thực hiện tuyên truyền, vận động người dân kết hợp với việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đời sống và sản xuất cho người dân ở các vùng quê cũ để họ yên tâm định cư, không di cư tự do.

Hiện nay huyện Đắk Glong đã lập “Dự án ổn định dân di cư tự do cho đồng bào H’Mông xã Quảng Hòa, Đắk R’Măng huyện Đắk  Glong, tỉnh Đắk  Nông”, và đề nghị cấp trên xem xét bố trí vốn cho triển khai thực hiện nhằm ổn định và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho dân di cư tự do trên địa bàn; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, phát huy thế mạnh về tiềm năng đất đai, lao động làm tiền đề để tạo điều kiện nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, giảm dần cách biệt về chất lượng sống của người dân giữa các vùng dân cư, từng bước xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có nền kinh tế phát triển bền vững, tăng cường được công tác quản lý Nhà nước, củng cố an ninh chính trị trong khu vực, bảo vệ được tài nguyên và môi trường; phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.

Cảm ơn đồng chí!