<p>Nhân kỷ niệm 70 năm Báo Việt Nam Ðộc lập (1-8-1941 - 1-8-2011)</p>

Học tập Bác Hồ qua những trang Báo Việt Nam Ðộc lập

NDO - Trong những năm hoạt động cách mạng, Nguyễn Ái Quốc thường xuyên coi trọng công tác báo chí, coi báo chí là công cụ đắc lực để tuyên truyền giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin và đấu tranh với kẻ thù.

Năm 1941, Nguyễn Ái Quốc trở về nước, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng nước ta, họp Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng lần thứ VIII tại Pác Bó, Hà Quảng, Cao Bằng từ ngày 10 đến ngày 19-5-1941. Sau Hội nghị Trung ương VIII một thời gian, Nguyễn Ái Quốc sáng lập và phụ trách tờ báo Việt Nam Ðộc lập, làm cơ quan tuyên truyền của Mặt trận Việt Minh. Báo Việt Nam Ðộc lập (gọi tắt là Việt lập) có hai trang, khổ nhỏ, in đá. Mỗi tháng ra ba kỳ, mỗi kỳ hơn 400 số. Các bài viết ngắn gọn, dễ hiểu. Tờ báo đóng góp to lớn vào công việc tổ chức, hướng dẫn phong trào cách mạng của quần chúng.

Số đầu tiên Báo Việt Nam Ðộc lập (đánh số 101), ra ngày 1-8-1941. Nhiều thơ ca của Nguyễn Ái Quốc trong giai đoạn 1941- 1942 đã in lần đầu tiên trên báo này và ký nhiều tên khác nhau: Kim Oanh, Bé Con, Xung Phong...

Tính đến ngày 30-9-1945, Báo Việt Nam Ðộc lập ra được 129 số. Từ tháng 8-1942 đến tháng 5-1945, báo do đồng chí Phạm Văn Ðồng phụ trách.

Mặc dù rất bận công tác lãnh đạo cách mạng, nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn dành thời gian tập trung chỉ đạo tờ báo Việt Nam Ðộc lập. Người vừa là chủ bút, vừa là người trực tiếp viết nhiều tin, bài, là họa sĩ vẽ tranh, tham gia in báo trên mặt đá và vận động nhiều người mua báo.

Qua các trang báo Việt Nam Ðộc lập, người đọc cảm nhận rõ về tư tưởng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong nền báo chí cách mạng Việt Nam. Mỗi tin, bài đều chứa đựng sức mạnh cổ vũ, động viên cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, củng cố niềm tin vào thắng lợi ngày mai.

Hiện nay, toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta đang đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ðọc lại những tin, bài của Bác Hồ đăng Báo Việt Nam Ðộc lập, chúng ta học tập được ở Người rất nhiều điều giá trị.

Số báo đầu tiên (101) đăng xã luận: Tây cốt làm cho ta ngu, làm cho dân ta hèn. Nó không cho ta tự do báo chí. Nên trong nước và thiên hạ có việc gì, ta cũng không biết. Báo "Việt Nam Ðộc lập" cốt làm cho dân ta hết ngu hèn, biết các việc, biết đoàn kết đặng đánh Tây đánh Nhật, làm cho "Việt Nam độc lập", bình đẳng, tự do... Trong số báo này đăng ba bức tranh vẽ: Trẻ con đọc báo, đàn bà đọc báo, đàn ông đọc báo.

Số 115, ra ngày 10-1-1942, có bài: Mỗi một đồng chí Việt Minh phải giúp báo phát triển. Báo ta là bạn ta. Bọn thân Tây, thân Nhật có nhiều báo. Những báo ấy (như báo Ðông Pháp) là báo nói láo. Như: Tây và Nhật là kẻ thù của dân ta mà những báo ấy cố sức khen Tây với Nhật là tốt. Trái lại báo Việt Nam Ðộc lập lúc nào cũng nói điều hay lẽ phải cho chúng ta hiểu, chỉ con đường cứu mình cứu nước cho chúng ta theo, dạy cho ta phải đánh Tây đánh Nhật.

Phải giúp báo. Báo là rất cần thiết quý báu cho chúng ta. Vậy chúng ta phải hết sức giúp cho báo phát triển. Muốn cho báo phát triển, mỗi đồng chí Việt Minh nhất là mỗi cán bộ Việt Minh phải: Tìm thêm người đọc báo. Tìm thêm người mua báo. Tìm thêm người quyên tiền mua báo. Tổ chức hội đọc báo, giảng báo... gởi tin tức cho báo.

... Báo ta phát triển, tức là đoàn thể ta phát triển, tức là sự nghiệp giải phóng chóng thành công.

Số 126, ra ngày 21-5-1942, có bài Cán bộ. "Người giao thông, kẻ viết báo, người huấn luyện, kẻ đi tuyên truyền... Những người công tác cho đoàn thể tức là cán bộ. Ðoàn thể là như cái xe, cán bộ là như bánh xe. Bánh xe tốt thì xe chạy mau. Bánh xe xấu thì xe chạy chậm. Cán bộ giỏi thì đoàn thể mau phát triển. Cán bộ xoàng thì đoàn thể chậm phát triển.

... Ðoàn thể là như cây

Quần chúng là như đất

Tổ trưởng là như rễ

Có đất cây mới sống được

Rễ tốt thời cây mới tươi".

Số 153, ra ngày 21-2-1943, có bài: Giá trị của báo Việt Nam Ðộc lập. "Tờ báo V.N.Ð.L của chúng ta rất quý.

... Vậy các đồng chí xem báo phải biết quý trọng tờ báo. Xem phải xem đi xem lại, nghiên cứu cẩn thận cho hiểu cho nhớ. Mỗi địa phương phải có ban giảng báo giảng cho tiểu tổ nghe. Người nào chưa vào hội, nhưng có cảm tình với cách mệnh cũng nên đưa báo cho họ xem... Xem xong còn phải tìm chỗ bí mật cất để dành lúc nào cần lấy ra xem lại...".

Số 185 ra ngày 11-11-1944 đăng bài: 1944. "Năm 1944 quyết là năm Nga, Anh, Mỹ đánh đổ bọn phát-xít Ðức. Nếu quân Anh, Mỹ, Tàu đánh mạnh thì Nhật sẽ nguy. Vậy năm 1944 sẽ là năm tranh đấu quyết liệt của chúng ta. Chúng ta phải chuẩn bị hy sinh phấn đấu".

Số 226, ngày 20-8-1945 đăng bài: Giờ khởi nghĩa đã đến. "Ngày giải phóng của 25 triệu đồng bào đã tới! Hỡi hết thảy đồng bào! Hỡi những ai biết yêu nước thương nòi! Hãy mau hưởng ứng Việt Minh dưới ngọn cờ đỏ chỉ đạo sao vàng năm cạnh, mau đứng lên Cướp chính quyền thành lập một Chính phủ Lâm thời Nhân dân hết sức rộng rãi trên nền tự do Tân dân chủ. Lúc này ai còn do dự là đắc tội với quốc dân. Chúng ta phải tự quyết định sự giải phóng của chúng ta...".

Số 228, ra ngày 20-9-1945, có bài viết: Kiên quyết chống mọi âm mưu xâm lược. "Ðã 80 năm nay dân Việt Nam rên xiết dưới gót sắt của Ðế quốc Pháp. Bao nhiêu chiến sĩ trung thành, con yêu của nước đã hy sinh tính mạng". Trong số báo này cũng đăng nhiều tin tức quan trọng như: Vua Bảo Ðại đã thoái vị, giao chính quyền cho Việt Minh. Khắp xứ tổ chức những cuộc biểu tình khổng lồ hoan nghênh chính phủ lâm thời. 

Mỗi bài, tin đăng trên Báo Việt Nam Ðộc lập là bài học cho người viết báo hôm nay và ngày mai, nhất là cách viết súc tích, ngắn gọn, dễ hiểu và có tính cổ vũ tuyên truyền mạnh mẽ. Báo Việt Nam Ðộc lập đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh mãi mãi là người thầy của nền báo chí cách mạng Việt Nam, đóng góp công lao to lớn xây móng đắp nền cho sự nghiệp báo chí cách mạng dân tộc ta.