Nghề đan lờ, lọp mùa nước nổi

Thị trường tiêu thụ là 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt nhất là các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, các vùng có dừa nước tiêu thụ rất mạnh. Mấy năm gần đây, các tỉnh miền đông như Tây Ninh, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có đến đặt hàng.

Lờ, lọp có nhiều chủng loại, nào là lờ tôm, lờ cua, lờ cá. Lờ tôm và cua cứng ít tốn công. Còn lờ cá mềm trau chuốt, nan vót mỏng, nhuyễn nên tốn công nhiều. Lọp có lọp tôm lớn, bề hoành cả thước tây; lọp tép nhỏ có hai loại: lọp thường và lọp bóng. Ðối với loại lọp bóng hiện nay dệt bằng khung, gọn nhẹ chớ không đan như trước. Nguyên liệu dệt bằng dây gân thay thế cho dây làm bằng đồng, giá tương đối rẻ hơn. Lờ làm bằng trúc, lọp làm bằng tre. Nguyên liệu được các khách hàng chở từ Cà Mau, Kiên Giang về bán, bà con ít phải vất vả đi mua, vì ở địa phương có ghe chở cát xuống miệt dưới bán, rồi mua tre trúc chở về, hàng đi có hàng về, rất tiện lợi cho ghe buôn.

Ðan lờ, lọp là nghề truyền thống có từ rất lâu ở xã Kiến Thành giúp dân địa phương giải quyết công ăn việc làm trong lúc nông nhàn.

Một cây trúc loại nhất giá 2.000 đồng, đan được năm cái lờ. Một cái lờ giá 1.000 đồng, giá đặt có thể cao hơn giá lờ thường. Anh Trương Văn Phiên ngụ ấp Kiến Quới cho biết, gia đình có bốn người, đan trong hai ngày được 100 cái lờ, bình quân 100 cái thu được 100.000 đồng trừ chi phí nguyên liệu 40.000 đồng còn lời 60.000 đồng tiền công. Hai người dệt mướn một ngày 100 mẻ lọp bóng, tiền công 30.000 đồng.

Do lấy công làm lời nên việc đan lờ, lọp tuy tiền công không cao, nhưng rất tiện là làm tại nhà.

Những hộ chuyên sản xuất lờ lọp, có vốn, sau vụ lúa đông xuân, họ chuẩn bị tích trữ nguồn nguyên liệu sẵn và bắt đầu đan dần, giá nguyên liệu vừa rẻ mà họ có điều kiện đan trước con nước lên, nên lờ lọp kịp tung ra bán đúng thời điểm. Còn những hộ không vốn chờ đến mùa nước, giá nguyên liệu vừa cao, nhân công tăng vọt còn phải chịu sức ép của chủ vựa nên bị thiệt thòi đủ điều. Ðiển hình như một cái lọp thường hiện giá 1.000 đồng/cái nhưng nhận tiền trước chỉ có giá 800 đồng/cái. Một cái lọp bóng giá 5.000 đồng/cái nhận tiền trước chỉ có giá 4.000 đồng/cái. Vì vậy, người nghèo bao giờ cũng chịu thiệt thòi, còn người giàu họ giàu thêm. Ðồng chí Nguyễn Văn Chẳng, Bí thư xã Kiến Thành cho biết, hiện trong xã có 50% dân lao động đan lờ lọp cần vốn. Ðể hỗ trợ vốn cho bà con sản xuất đan dác nói chung, từ năm 1995 đến nay Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm đã rót xuống 700 triệu đồng đáp ứng phần nào khó khăn về vốn cho bà con làm nghề đan dác. Tuy nhiên bà con vẫn cần Nhà nước hỗ trợ thêm để dân lao động có điều kiện làm ăn, xóa đói, giảm nghèo tránh "nhàn cư vi bất thiện".