Ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại tại khu vực biên giới

Cứ vào dịp Tết Nguyên đán thì tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại (BL, GLTM) tại các tỉnh biên giới như An Giang, Quảng Trị, Lạng Sơn,… càng trở nên phức tạp. Để vận chuyển trót lọt hàng hóa trái phép qua biên giới, nhiều đối tượng thường lợi dụng những kẽ hở trong cơ chế, chính sách quản lý nhà nước về ưu đãi thuế; xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa,... Để ngăn chặn tình trạng này, lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP) đã chủ động phối hợp các lực lượng chức năng thực hiện nhiều giải pháp tích cực và hiệu quả.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh kiểm đếm hàng lậu. Ảnh: LA THÀNH
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh kiểm đếm hàng lậu. Ảnh: LA THÀNH

Vừa qua, tại xóm Vĩnh Đông, thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), Tổ công tác Đoàn 2, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh BĐBP) chủ trì, phối hợp Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo kiểm tra phát hiện ô-tô BKS 74D-00246 có biểu hiện nghi vấn. Tổ công tác ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra, phát hiện trên xe có 50 bao đường cát của Thái-lan (tương đương 2,5 tấn). Bước đầu, lái xe Lê Ngọc Tín (sinh năm 1974, trú tại huyện Hướng Hóa), thừa nhận đang vận chuyển về TP Đông Hà bán kiếm lời. Toàn bộ số hàng này lái xe Lê Ngọc Tín không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Tổ công tác đã lập biên bản, xử lý theo quy định. Cũng trong thời gian này, tại xã Tịch Khê (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi), BĐBP Quảng Ngãi đã kiểm tra xe ô-tô BKS 76C-04523. Qua kiểm tra, xác định bà Nguyễn Thị Tuyết, trú tại phường Trần Hưng Đạo (TP Quảng Ngãi) và ông Đào Thanh Sang, trú tại xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) đã sử dụng xe ô-tô nêu trên vận chuyển 300 thùng nước tăng lực nhãn hiệu Red Bull. Khi được hỏi các giấy tờ liên quan đến số hàng thì cả ông Sang và bà Tuyết đều không xuất trình được. Bà Tuyết thừa nhận đã mua số hàng này của một người tại tỉnh Hà Tĩnh qua điện thoại, trong lúc vận chuyển thì bị lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ.

Qua tìm hiểu, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, các mặt hàng như đồ điện tử, khoáng sản, lương thực, dược liệu, rượu, thuốc lá, quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng,… có sức tiêu thụ rất lớn. Nắm bắt được nhu cầu này, các đối tượng đã sử dụng nhiều chiêu trò, thủ đoạn để thu gom, vận chuyển hàng hóa qua biên giới và vào sâu nội địa tiêu thụ kiếm lời. Hơn nữa, nguyên nhân gia tăng tình trạng BL, GLTM là hàng hóa của nhiều nước thường đa dạng về chủng loại, mẫu mã và có sự chênh lệch lớn về giá cả với hàng hóa trong nước. Các loại hàng này thường được vận chuyển trái phép, trốn thuế, nếu tiêu thụ trót lọt sẽ mang lại lợi nhuận lớn hơn cho các chủ hàng. Ngoài ra, các đối tượng còn lợi dụng chính sách ưu đãi về thuế của Nhà nước trong trao đổi, mua bán hàng hóa đối với cư dân khu vực biên giới để thực hiện hành vi BL, GLTM,…

Trao đổi với Đại tá Bùi Văn Lua, Phó Cục trưởng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh BĐBP chúng tôi được biết, hiện nay các đường dây tội phạm BL, GLTM xuyên quốc gia xuất hiện ngày càng nhiều; quy mô và mức độ hoạt động gia tăng liên tục. Đáng chú ý, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội ngày càng tinh vi, manh động và nguy hiểm, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị bắt giữ. Để thực hiện trót lọt hành vi BL, GLTM và vận chuyển trái phép hàng hóa trên các tuyến biên giới, các đối tượng thường liên kết chặt chẽ với nhau thông qua mạng xã hội. Lợi dụng địa hình biên giới phức tạp, thường là bị chia cắt với nhiều đường mòn, lối mở và những sơ hở của các lực lượng chức năng để vận chuyển hàng hóa. Tinh vi hơn, một số chủ buôn lớn còn trộn lẫn hàng lậu với hàng hóa nhập khẩu chính ngạch trước khi vận chuyển vào nội địa, dùng bao bì có nhãn mác xuất xứ hàng hóa của Việt Nam. Thuê người mang sang bên kia biên giới trực tiếp đóng gói hàng lậu và sử dụng ghe, xuồng máy công suất lớn hoặc xe máy vận chuyển về Việt Nam. Sau đó, số hàng này thường được chia nhỏ và tập kết trong nhiều nhà dân khu vực biên giới, chờ thời cơ thuận lợi để vận chuyển vào nội địa tiêu thụ. Để tránh bị mất hàng hóa, nhiều chủ hàng lậu còn yêu cầu người vận chuyển thuê đặt cọc một khoản tiền tương đương trị giá hàng hóa nhận vận chuyển…

Tuy nhiên, bên cạnh sự quyết liệt phòng, chống BL, GLTM thì các đơn vị BĐBP cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, nước ta có các tuyến biên giới trên đất liền dài, với nhiều đường mòn, lối mở; vùng biển rộng, thời tiết phức tạp, việc cơ động lực lượng trên biển gặp nhiều khó khăn; số vụ chống người thi hành công vụ khi bị phát hiện, thu giữ hàng hóa ngày một nhiều. Ngoài ra, sự hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống BL, GLTM và hàng giả giữa các nước có chung đường biên giới với Việt Nam còn hạn chế. Quan điểm về công tác đấu tranh phòng, chống BL, GLTM của lực lượng chức năng của mỗi nước có nhiều khác biệt. Các quy định đối với hàng hóa tạm nhập, tái xuất và thuế xuất nhập khẩu của mỗi nước cũng khác nhau…

Đại tá Bùi Văn Lua cho biết, để góp phần thực hiện tốt công tác phòng, chống tội phạm BL, GLTM ở khu vực biên giới, cửa khẩu, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm đã tham mưu Bộ Tư lệnh BĐBP mở đợt cao điểm đấu tranh, bắt giữ, xử lý tội phạm vi phạm pháp luật, trong dịp Tết Nguyên đán. Cụ thể, Bộ Tư lệnh BĐBP chỉ đạo các đơn vị quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Quốc phòng,... về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên khu vực biên giới, vùng biển. Đối với tội phạm ma túy, phải lấy phòng ngừa, ngăn chặn là chính và đặt chỉ tiêu an toàn tuyệt đối cho cán bộ, chiến sĩ lên hàng đầu khi thực hiện các chuyên án. Trong đấu tranh chống buôn lậu, phải quyết liệt và triệt để hơn nữa, không có vùng cấm, chống bị câu móc dưới mọi hình thức. Thành lập các tổ công tác đặc biệt để triển khai nắm tình hình địa bàn; thanh tra, kiểm tra, đôn đốc chấn chỉnh các đơn vị BĐBP trong thực hiện đợt cao điểm này. Xác định rõ các địa bàn trọng yếu, nhóm đối tượng cần tập trung đấu tranh để đề ra những giải pháp cụ thể đối với từng loại tội phạm. Mỗi đơn vị có địa bàn trọng yếu phải xác lập, đấu tranh thành công từ một đến hai chuyên án (ma túy, buôn lậu) trở lên. Kiên quyết ngăn chặn các hoạt động lợi dụng đường mòn, lối mở và cánh gà cửa khẩu để BL, GLTM. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, quản lý thị trường, hải quan,… nhằm kiên quyết ngăn chặn không cho hàng hóa nhập lậu, xuất lậu ở khu vực biên giới; trong nội địa, kiên quyết không cho hàng hóa nhập lậu lưu thông trên thị trường. Tăng cường công tác vận động, tuyên truyền nhân dân khu vực biên giới không tham gia mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Xử lý nghiêm các cán bộ, chiến sĩ BĐBP tham gia tiếp tay, “bảo kê’’ cho hoạt động BL, GLTM...

Để công tác phòng, chống BL, GLTM ở khu vực biên giới đạt hiệu quả cao, cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng cần tăng cường vận động, tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ tác hại và không tiếp tay cho các hoạt động này. Qua đó, tạo phòng tuyến vững chắc trong phòng, chống tội phạm nói chung và BL, GLTM nói riêng. Ngoài ra, cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu, lấy kết quả đấu tranh chống BL, GLTM làm tiêu chí đánh giá, xếp loại kết quả công tác của người chỉ huy và xét thi đua khen thưởng đối với đơn vị, nhất là các đồn biên phòng.

Đại tá NGUYỄN VĂN THÁI

Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Lào Cai