Ghép lụa vụn thắp sáng ước mơ

Từ những mảnh lụa vụn tưởng chừng không còn giá trị sử dụng, qua bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú, sáng tạo cùng nỗ lực vượt lên chính mình của những người khuyết tật đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam. Đó cũng chính là cách Hợp tác xã Vụn (Vụn Art) kiên trì triển khai nhằm góp phần thổi bùng lên ngọn lửa ước mơ của những mảnh đời kém may mắn.

Họa sĩ Đặng Thị Khuê (thứ hai từ trái sang) và anh Lê Việt Cường (thứ ba từ trái sang) hướng dẫn các học viên người khuyết tật làm tranh ghép vải.
Họa sĩ Đặng Thị Khuê (thứ hai từ trái sang) và anh Lê Việt Cường (thứ ba từ trái sang) hướng dẫn các học viên người khuyết tật làm tranh ghép vải.

Tới Trung tâm bảo tồn Lụa ở làng lụa Vạn Phúc, Hà Nội, giữa hàng dài những cửa hàng bày bán đồ thời trang làm từ chất liệu lụa làng nghề, chúng tôi bị hút mắt bởi không gian nhỏ gắn biển Vụn Art chỉ rộng chừng 15 mét vuông, nơi trưng bày các bức tranh dân gian giàu mầu sắc được lồng khung xinh xắn. Ở đó, những người khuyết tật hầu hết còn ít tuổi, đang say sưa vẽ, cắt, dán, đính những chi tiết nhỏ xinh được làm từ vải lụa vụn, để hoàn thiện những bức tranh vải sống động. Vẫn hình ảnh lợn Đông Hồ, đám cưới chuột, em bé ôm gà, hay Văn Miếu, hồ Gươm…; nhưng khi được tạo hình bởi sắc tươi rực rỡ của thứ lụa nức tiếng cả nước bỗng trở nên lung linh và đầy tươi mới. Đưa chúng tôi đi tham quan gian trưng bày, anh Lê Việt Cường, Giám đốc Hợp tác xã Vụn, cũng là Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hà Đông, Hà Nội chia sẻ về lý do anh thành lập Vụn Art. Mắc bệnh bại liệt từ nhỏ, anh đã trải qua hàng chục cuộc phẫu thuật trong nhiều năm mới có thể tự bước trên đôi chân của mình, dù việc đi lại vẫn gặp khó khăn. Là một người khuyết tật cho nên hơn ai hết, anh Cường thấu hiểu những khó khăn, thiệt thòi cũng như muôn vàn thách thức mà những người như mình gặp phải khi xin việc. Từ thực tế bản thân anh cũng ý thức, nếu không tìm cho bản thân một công việc, những người có hoàn cảnh như mình rất dễ sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, cho nên luôn mong muốn làm thế nào để tìm được việc làm phù hợp cho mình và cả những người khuyết tật khác. Và Hợp tác xã Vụn ra đời năm 2017 chính là để hiện thực hóa mong ước ấy.

Ghép lụa vụn thắp sáng ước mơ ảnh 1

Anh Lê Việt Cường giới thiệu về những bức tranh ghép vải tại Vụn Art.

Sau gần hai năm rưỡi hoạt động, đến giờ anh Cường vẫn không thể quên những ngày đầu thành lập hợp tác xã với không ít gian nan. Ngoài việc phải bảo đảm giờ giấc đi làm ở công ty hằng ngày, anh tranh thủ đến các phường trên địa bàn Hà Nội xin danh sách người khuyết tật, rồi đến từng nhà vận động họ tham gia dự án của mình. Dù chưa tạo ra sản phẩm, anh vẫn cố gắng xoay xở nhiều nguồn để bảo đảm có chỗ ăn, nghỉ cho những người ở xa, giúp họ yên tâm làm việc. Song song với đó, anh đưa người tìm gặp các họa sĩ chuyên nghiệp học hỏi kỹ thuật ghép tranh, cách bố cục, tạo hình mỹ thuật… để về hướng dẫn lại cho các thành viên hợp tác xã. Từng công đoạn làm tranh như vẽ, bồi bìa, ép mếch vải, tạo hình, cắt dán được chia ra cụ thể để hướng dẫn cho từng học viên, tùy theo năng lực và nhận thức của họ. Dần dần, những bức tranh đầu tiên cũng thành hình…

Anh Lê Việt Cường chia sẻ: “Tôi muốn những sản phẩm làm ra phải đi được xa bằng chính sức hấp dẫn của nó, chứ không muốn cộng đồng ưu ái vì đây là sản phẩm của người khuyết tật”. Tâm niệm là thế, cho nên bên cạnh việc học hỏi kỹ thuật ghép tranh vải sao cho bảo đảm độ bền, điều khiến anh Cường trăn trở nhất là giá trị thẩm mỹ của tranh khi đưa ra thị trường. Rất may, anh nhận được sự đồng hành từ họa sĩ Đặng Thị Khuê, một trong những tên tuổi khá nổi tiếng với nhiều triển lãm sắp đặt trong nước và nước ngoài mang đậm dấu ấn riêng. Đã hơn một năm nay, ngày nắng cũng như ngày mưa, nữ họa sĩ đến với phố lụa để giúp học viên Vụn Art thực hiện những tác phẩm đẹp hơn, tinh tế hơn. Dõi theo sự nghiệp sáng tác của nữ họa sĩ, dễ nhận ra bà luôn đau đáu mang đến những ấn tượng thị giác mạnh mẽ về bản sắc văn hóa Việt Nam. Cho nên gắn bó với Vụn Art không chỉ là để mang đến ánh sáng cuộc đời cho những người khuyết tật, mà còn là cách để bà dù đã bước sang tuổi 74 vẫn có thể nối dài cảm hứng sáng tạo với văn hóa truyền thống. Điều này giải thích tại sao những bức tranh ghép vải ở Vụn Art luôn được bà thổi hồn bằng những mẫu tranh Kim Hoàng, tranh dân gian Hàng Trống, tranh Đông Hồ, tranh làng Sình… với mầu sắc tươi tắn, rực rỡ.

Họa sĩ Đặng Thị Khuê đã có kinh nghiệm dạy mỹ thuật cho nhiều đối tượng không chuyên, nhưng bà phải thừa nhận không gì gian nan bằng đào tạo cho người khuyết tật. Để làm ra những tác phẩm nghệ thuật, với người bình thường đã khó, với người khó khăn về vận động, nghe nhìn hay hạn chế về nhận thức càng khó khăn hơn. Đó là chưa kể, nhiều học viên khi đến với Vụn Art còn thu mình, thiếu nhiều kỹ năng sống thậm chí cả những thứ tưởng chừng đơn giản nhất, lại mặc cảm tự ti, cho nên trước khi truyền cảm hứng sáng tạo, họ còn cần được gần gũi, khuyến khích, động viên… Đó là lý do Vụn Art không đơn thuần chỉ là nơi mang đến việc làm cho người khuyết tật, mà còn là nơi giúp họ hòa nhập cuộc sống thông qua nghệ thuật. Đúng như cách nói của họa sĩ Đặng Thị Khuê: “Thành quả nghệ thuật có thể còn mới mẻ nhưng sự trưởng thành về nhiều mặt là có thật”. Nữ họa sĩ chia sẻ, ban đầu, bà chỉ có ý định sẽ giúp sức Vụn Art một thời gian ngắn, nhưng nhận thấy sự tiến bộ từng ngày của những học trò khuyết tật, lời cảm ơn chân thành từ người thân của họ, tình cảm chung tay chia sẻ và ủng hộ của dân làng qua những bao vải vụn, sự quan tâm động viên của lãnh đạo quận, thành phố…, bà cứ thế gắn bó với không gian nhỏ này bằng cả tài năng, tâm huyết người nghệ sĩ.

Đến nay, Hợp tác xã Vụn đã trở thành nơi làm việc ổn định của khoảng 15 thợ chính và một số học viên, đều là người khuyết tật. Những bức tranh được ghép từ vải vụn truyền thống, mang sắc màu văn hóa Việt Nam, được làm hoàn toàn thủ công đang trở thành một trong những sản phẩm lưu niệm đặc sắc của làng lụa Vạn Phúc, nhận được sự yêu thích của nhiều du khách, nhất là khách quốc tế. Nhằm đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng đến nhiều đối tượng khách hàng hơn, bên cạnh tranh ghép vải nghệ thuật, thời gian gần đây, Vụn Art sáng tạo thêm những sản phẩm mới trên cơ sở tận dụng nguồn vải vụn từ Vạn Phúc và các nhà may như: Bưu thiếp vải, bộ trò chơi tranh ghép, túi vải họa tiết… Bên cạnh đó, Vụn Art còn hoạt động dưới mô hình không gian sáng tạo, thu hút các bạn trẻ, học sinh, sinh viên tới tìm hiểu tranh dân gian truyền thống và thực hành làm tranh ghép vải. Với sự giúp đỡ của một số tình nguyện viên người nước ngoài, Vụn Art cũng đang trở thành nơi kết nối du lịch, đưa du khách tới tham gia tua du lịch về làng lụa Vạn Phúc, khám phá điểm đến và trải nghiệm làm tranh từ vải vụn làng nghề. Giô-sua Han-đơ-sơn, một sinh viên người Mỹ đang làm tình nguyện viên tại Vụn Art cho hay: “Vụn Art đang giúp giải quyết khá tốt vấn đề tìm việc làm cho người khuyết tật trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Việt Nam. Tôi nghĩ những mô hình như thế này nên được khuyến khích…”.

Đó có lẽ cũng chính là điều mà Hợp tác xã Vụn muốn chuyển tải qua những dòng chữ được in trang trọng, ngay ngắn trên các sản phẩm nhỏ xinh của Vụn Art: “Một mảnh vải vụn sẽ góp phần tạo nên một bức tranh nghệ thuật nếu được đặt đúng chỗ. Một người khuyết tật cũng có thể đóng góp những phẩm chất tuyệt vời của mình để làm đẹp cho cuộc đời nếu tìm được đúng vị trí của mình”.