Điểm thời sự

Argentina nỗ lực cải cách kinh tế

Kinh tế Argentina trải qua những biến động mạnh mẽ, khi thị trường tài chính, tiền tệ liên tục lao dốc, tỷ lệ lạm phát gia tăng và nguồn vốn đầu tư giảm. Chính phủ đang thúc đẩy một số biện pháp mới với hy vọng vực dậy một trong những nền kinh tế lớn nhất ở Mỹ la-tinh.

Một khu phố thương mại sầm uất ở thủ đô Buenos Aires (Argentina). Ảnh: HOP NEWS
Một khu phố thương mại sầm uất ở thủ đô Buenos Aires (Argentina). Ảnh: HOP NEWS

Năm 2018, chính quyền Tổng thống Argentina M.Macri có những chính sách mở cửa với hy vọng giai đoạn phục hồi nền kinh tế bắt đầu từ năm 2017 được củng cố. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Argentina năm 2017 đạt mức 2,85%. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có những diễn biến phức tạp, giới đầu tư chuyển mạnh vốn sang thị trường Mỹ, khiến nhiều thị trường mới nổi, trong đó có Argentina đối mặt thách thức lớn. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong ba quý đầu năm 2018, GDP của Argentina giảm khoảng 1,6% so cùng kỳ năm 2017. Ngân hàng trung ương Argentina buộc phải tăng lãi suất do đồng pê-xô giảm giá mạnh.

Bên cạnh đó, Argentina liên tục đối mặt điều kiện thời tiết bất lợi và thiên tai trong thời gian vừa qua, gây ảnh hưởng đời sống của người dân. Theo Bộ Công - Nông nghiệp Argentina, quốc gia Nam Mỹ này hứng chịu 58 trận lũ lụt và ba trận động đất trong suốt 50 năm qua, ảnh hưởng tới 14 triệu người và gây thiệt hại hơn 10 tỷ USD.

Đầu năm 2018, Argentina và IMF đạt thỏa thuận về giải ngân gói tín dụng trị giá hơn 50 tỷ USD, với điều kiện Chính phủ Argentina phải thực hiện những cải cách kinh tế và thực thi chính sách "thắt lưng buộc bụng" để giảm thâm hụt ngân sách. Nhiều chuyên gia kinh tế vẫn nhận định, tình hình thị trường hối đoái và lòng tin ở mức thấp, song hệ thống tài chính Argentina hiện không bị "đô-la hóa" và tỷ lệ các khoản trái phiếu đáo hạn bằng USD là rất thấp cho nên khó có thể xảy ra nguy cơ vỡ nợ lớn.

Theo giới phân tích, để giảm đà suy thoái kinh tế, Tổng thống M.Macri cần cân bằng trao đổi thương mại với Brazil, đối tác thương mại lớn nhất hiện nay của Argentina. Hồi giữa tháng 1, Tổng thống M.Macri có cuộc tiếp xúc đầu tiên với Tổng thống Brazil J.Bolsonaro, người vừa tuyên thệ nhậm chức đầu năm 2019, nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất khu vực Nam Mỹ. Với tư cách Chủ tịch luân phiên của Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), Argentina tích cực hợp tác, thúc đẩy hiện đại hóa tổ chức này. Argentina cùng Brazil nhất trí đề xuất một chương trình làm việc mới với mục tiêu cải tổ cơ chế MERCOSUR hợp lý hơn, đồng thời giảm bớt hàng rào thuế quan và nạn quan liêu. Hai bên nhất trí xem xét lại các biểu thuế chung, cải thiện khả năng tiếp cận thị trường và thúc đẩy nới lỏng hạn chế thương mại trong khuôn khổ MERCOSUR.

Trước đó, tháng 12-2018, với vai trò nước chủ nhà Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Argentina nỗ lực góp tiếng nói thúc đẩy chủ nghĩa đa phương. Tổng thống M.Macri cho rằng, những biến động và bối cảnh chính trị, kinh tế - xã hội toàn cầu, cũng như ở mỗi nước những năm vừa qua đã gây hoài nghi về các cơ chế đa phương, đồng thời xuất hiện căng thẳng giữa các nước liên quan cách tiếp cận cơ hội và thách thức mang tính toàn cầu. Tổng thống Argentina cho rằng, đối thoại luôn phải là ưu tiên hàng đầu để giải quyết các thách thức.

Theo nhận định của IMF, đã có những dấu hiệu cho thấy chương trình cải cách kinh tế của Argentina, gồm cả chính sách tiền tệ mới, mang nhiều kết quả tích cực. Sau khi liên tục rớt giá, đồng pê-xô đang dần ổn định; và tỷ lệ lạm phát, dù vẫn ở mức cao, nhưng bắt đầu giảm. Tuy vậy, nền kinh tế Argentina vẫn dễ bị tổn thương trước những thay đổi của thị trường. IMF dự báo, nền kinh tế Argentina bắt đầu phục hồi từ quý II-2019.