Bến Tre đưa điện lưới về vùng sâu, vùng xa

Những năm qua, với sự quan tâm của địa phương và ngành điện, tỉnh Bến Tre đã nỗ lực đưa lưới điện quốc gia về vùng sâu, vùng xa, nhất là khu vực cù lao, biên giới ven biển. Nhiều vùng nông thôn đã có điện sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Kéo lưới điện về vùng nông thôn huyện Ba Tri.
Kéo lưới điện về vùng nông thôn huyện Ba Tri.

Góp phần cải thiện cuộc sống

Nằm giữa sông Hàm Luông - cách đất liền gần 2 km, mấy chục năm qua, người dân sinh sống tại cù lao An Bình (ấp An Bình, xã An Hiệp, huyện Ba Tri) gặp rất nhiều khó khăn do không có điện sử dụng. Năm 2014, dự án nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn tỉnh Bến Tre nhờ vốn vay của Ngân hàng Tái thiết Đức, với tổng số 21,6 tỷ đồng đầu tư cáp ngầm vượt sông, đường dây trung hạ thế và trạm biến áp, đã giúp 242 hộ dân có điện sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất, góp phần thay đổi đáng kể đời sống. Dây điện đi tới đâu, đường bê-tông, nhà ở xây dựng theo đến đó. Người dân bắt đầu bám trụ, lập nghiệp tại xứ cù lao thay vì phải dựng chòi tạm nuôi tôm rồi trở về đất liền sinh sống như trước đây. Cùng với đó, trường học, nhà văn hóa, phân trạm y tế được xây dựng... giúp họ an cư lạc nghiệp. Lão nông Nguyễn Văn Tài (81 tuổi), không giấu được niềm vui chia sẻ: “Trước đây, tại xứ cù lao này không có điện, đường, trường, trạm cho nên cuộc sống rất khó khăn. Nhà nào kinh tế khá cũng chỉ sắm ti-vi đen trắng được phát bằng chiếc bình ắc-quy. Xài được mấy ngày lại phải dùng ghe, xuồng vượt sông gần 2 km qua trung tâm xã mới có chỗ nạp điện. Tuy nhiên, từ khi có điện lưới, nhiều nhà mạnh dạn sắm ti-vi màu, tủ lạnh, máy giặt, nồi cơm điện, thậm chí cả mô-tơ điện chạy máy quạt phục vụ nuôi tôm, kinh tế khấm khá, đời sống thoải mái hơn trước rất nhiều”.

Bên cạnh đó, những năm qua, nhờ nuôi tôm trúng mùa, nhiều gia đình đã xây nhà kiên cố, mua sắm các thiết bị điện, cuộc sống vì thế không khác gì so với những hộ trong đất liền. Chủ tịch UBND xã An Hiệp Lê Văn Chiến cho biết, từ khi có điện lưới quốc gia, tình hình kinh tế - xã hội của ấp An Bình có bước phát triển tốt. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người năm 2014 là 19 triệu đồng, nay đã tăng lên 21,5 triệu đồng. Từ hình thức sản xuất thô sơ, thủ công trước đây như nuôi thủy sản quảng canh, các hộ đã chuyển sang nuôi công nghiệp với quy mô lớn giúp kinh tế phát triển khá nhanh.

Năm 2006, Công ty Điện lực Bến Tre (PC Bến Tre) tiếp nhận lưới điện từ các tổ điện, hợp tác xã tiêu thụ điện, các công ty cổ phần điện trên địa bàn, tiến hành lắp thêm điện kế, bán điện trực tiếp cho các hộ dân, góp phần đem lại lợi ích thiết thực cho người dân nông thôn. Giá điện đúng với mức quy định của Nhà nước và người dân không phải đóng thêm phần chi phí đầu tư, chi phí trả thêm do tổn thất điện phân phối như trước.

Do đặc thù địa hình có nhiều sông ngòi chằng chịt, nhiều cù lao ở xa đất liền cho nên PC Bến Tre đã tập trung đầu tư nâng cấp lưới điện và đưa điện về vùng sâu, vùng xa, đến từng hộ gia đình. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (2008-2018), tỷ lệ hộ dân sử dụng điện của tỉnh Bến Tre tăng từ 93% năm 2008 lên 99,89% cuối năm 2017. Phó Giám đốc PC Bến Tre Lê Thanh Phong cho rằng, trong giai đoạn 2008 - 2017, PC Bến Tre đã tập trung cải tạo lưới điện nông thôn với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng để nâng cấp, xây mới các đường dây trung thế, hạ thế với chiều dài hơn 7.000 km. Trong đó, hai dự án lớn gồm: dự án phát triển lưới điện phân phối nông thôn tỉnh Bến Tre thực hiện từ năm 2010 - 2011 với số vốn 76,5 tỷ đồng nâng cấp, xây dựng mới gần 300 km đường dây trung, hạ thế và xây dựng mới 3.550 kVA trạm biến áp phân phối; dự án nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn tỉnh Bến Tre vay vốn Ngân hàng Tái thiết Đức với số vốn 375,4 tỷ đồng nâng cấp, xây mới hơn 1.200 km đường dây trung thế, hạ thế và xây dựng 5.770 kVA trạm biến áp phân phối.

Nâng cao chất lượng lưới điện

Gần 20 năm qua, gia đình bà Huỳnh Thị Ngọc Điệp, ngụ ấp Vinh Hội (xã Vang Quới Tây, huyện Bình Đại) cùng với 18 hộ dân phải sử dụng chung một điện kế rất bất tiện, nguồn điện chập chờn và giá cao. Năm 2017, PC Bến Tre đầu tư vốn để phát triển lưới điện hạ thế, xóa điện kế dùng chung cho các hộ nơi đây. Bà Điệp vui mừng cho biết: Trước đây, vào buổi chiều các hộ dân cùng dùng điện cho nên bóng đèn thắp sáng cũng chập chờn vì nguồn điện yếu. Trong khi đó, giá điện rất cao, trung bình khoảng 2.800 đồng/kW giờ do hao hụt lớn. Từ khi ngành điện đầu tư đường điện, mỗi nhà dùng một điện kế, nguồn điện ổn định, giá điện trung bình chỉ còn khoảng 1.500 đồng/kW giờ, người dân ai cũng vui mừng. Trong ba năm qua, tại huyện Bình Đại, PC Bến Tre đã đầu tư phát triển lưới điện hạ thế với chiều dài hơn 30 km để xóa 79 cụm điện kế dùng chung, giúp 1.389 hộ dân được mua điện trực tiếp đúng giá quy định của Nhà nước và nâng cao chất lượng điện tại nông thôn.

Hiện nay, tỉnh Bến Tre có khoảng 7.700 điện kế dùng chung với 23.884 hộ. Thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy, PC Bến Tre tiếp tục phối hợp các ngành đầu tư lưới điện nông thôn để xóa điện kế dùng chung, nâng cao chất lượng điện. Tuy nhiên, để xóa tất cả các điện kế dùng chung trên địa bàn tỉnh, cần phát triển hơn 1.100 km đường dây trung và hạ thế, 319 trạm biến áp, với tổng mức đầu tư dự kiến 340,3 tỷ đồng. Hiện, PC Bến Tre đã triển khai dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 - 2020 thuộc chương trình cấp điện nông thôn miền núi theo Quyết định 2081/QĐ-TTg ngày 8-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu đúng thời hạn tất cả các ấp, tổ sẽ được cấp điện trực tiếp từ PC Bến Tre, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Một vấn đề nữa cần nói đến thời gian qua tại vùng nông thôn tỉnh Bến Tre là phong trào nuôi tôm phát triển mạnh, gây trở ngại, thách thức cho ngành điện về quản lý cơ sở hạ tầng. Lưới điện hạ áp trước kia chỉ phục vụ thắp sáng, sinh hoạt, nay phải cấp điện cho cả sản xuất với quy mô lớn và tăng nhanh khiến lưới điện không đáp ứng được. Để kịp thời khai thác các công trình lưới điện, đáp ứng cơ bản về cơ sở hạ tầng điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp và nuôi trồng thủy sản, PC Bến Tre đang phối hợp UBND tỉnh Bến Tre và Tổng PC miền nam tìm kiếm nguồn vốn đầu tư cho dự án, phù hợp việc phát triển ngành nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Theo Giám đốc Sở Công thương Bến Tre Lê Văn Khê dự kiến đến hết năm 2018, tỉnh Bến Tre sẽ đạt tỷ lệ 99,9% số hộ có điện sử dụng nhờ vào việc đầu tư đưa lưới điện về nông thôn. Đồng thời, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung đầu tư các dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia nhằm phục vụ công tác xóa điện kế dùng chung và cải tạo nâng cấp, phát triển lưới điện nuôi trồng thủy sản, nâng cao tỷ lệ sử dụng và chất lượng nguồn điện tại các vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, góp phần đưa diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.